Liệu người hấp hối có cố gắng đợi một điều quan trọng rồi mới “ra đi”?

    zknight,  

    Hàng loạt câu chuyện truyền miệng đang thay thế những nghiên cứu để đưa ra lời giải thích.

    Trong cuộc sống, chắc hẳn bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện cảm động về cái chết. Một người gặp tai nạn đã cố gắng thêm vài phút, vì người thân của họ đang đến. Một người mẹ đã cố gắng thêm vài giờ, khi con bà sắp đáp chuyến bay trở về. Hay thậm chí, một người ông đã cố gắng thêm vài tháng, chiến đấu với ung thư chỉ để nhìn thấy cháu nội chào đời.

    Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ trường hợp nào, những câu chuyện như vậy đều kết thúc một cách có hậu. Đó là lúc niềm hy vọng đột nhiên trở thành sự nuối tiếc và những lời trách cứ. Vậy liệu thực sự có chuyện người sắp chết có thể cố gắng kéo dài cuộc sống, cho đến khi họ đạt được một mục tiêu quan trọng? Đâu là những bằng chứng khoa học đáng tin cậy nhất?

     Liệu người hấp hối có cố đợi một điều quan trọng rồi mới “ra đi”?

    Liệu người hấp hối có cố đợi một điều quan trọng rồi mới “ra đi”?

    Năm 2011, giáo sư David Spiegel, chủ tịch hội đồng Tâm thần và Khoa học hành vi của Trường Y, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, xuất bản một bài bình luận trên tạp chí của Hiệp hôi Y khoa Mỹ (JAMA). Bài báo mang tên “Những vấn đề tâm trí trong sự sống sót sau ung thư”.

    Trong đó, ông đưa ra bằng chứng cho thấy rằng người bệnh ung thư có xu hướng chết sau ngày sinh nhật hoặc ngày lễ, chứ không phải là trước đó. Điều này ủng hộ giả thuyết cái chết có thể được trì hoãn, nếu người bệnh có một mục tiêu ở phía trước.

    Giáo sư Speigel phỏng đoán có thể một số yếu tố về tâm thần đã làm việc trong những trường hợp này. Chúng có thể được khai thác để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

    Trong bài bình luận, Speigel trích dẫn trở lại một nghiên cứu từ năm 1990. Hai nhà khoa học David Phillips và Daniel Smith đến từ Đại học California, Hoa Kỳ đã thống kê được rằng các ca tử vong của người Mỹ gốc Hoa giảm đột ngột hơn 35% trước lễ hội Trung thu.

    Con số này không hề diễn ra ở nhóm đối chứng là người Mỹ gốc Do Thái. Những người này có lẽ không bao giờ quan tâm đến lễ hội Trung thu. Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng biệt khác lại chỉ ra kết quả tương tự ở họ. Tỷ lệ người Do Thái tử vong trước Lễ Quá Hải là thấp hơn sau đó tới 8%.

    Những nghiên cứu đã tạo được mối quan tâm lớn cho các nhà khoa học. Liệu cái chết của con người có thể thay đổi theo ngày sinh nhật, ngày lễ hay các mục tiêu cá nhân đặc biệt? Từ những năm 1970, có ít nhất 18 nghiên cứu ủng hộ ý tưởng người sắp chết sẽ cố gắng kéo dài cuộc sống, khi họ có một mục tiêu trước mắt.

     Người sắp chết sẽ cố gắng kéo dài cuộc sống, khi họ có một mục tiêu trước mắt?

    Người sắp chết sẽ cố gắng kéo dài cuộc sống, khi họ có một mục tiêu trước mắt?

    Tuy nhiên, không phải không có những nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại.

    Trước khi đến với những bằng chứng khác, hãy trở lại câu chuyện về người ông nội chờ đợi cháu mình chào đời. Đây là một câu chuyện được chia sẻ trên Facebook, kể về một người đàn ông nhận chẩn đoán ung thư não. Các bác sĩ giới hạn tiên lượng của ông chỉ khoảng 3 tháng.

    Tuy nhiên, cũng thời gian này, ông được thông báo rằng người con dâu đã mang bầu 2 tháng. Bỏ qua lời chẩn đoán của bác sĩ, người ông đã sống cho đến ngày nhìn thấy đứa bé chào đời. Ngay đêm hôm đó, ông “ra đi”.

    Ví dụ trên có lẽ sẽ thuyết phục được rất nhiều người, rằng người ông đã sống chỉ để chờ đợi đứa cháu được sinh ra. Tuy nhiên, không phải không có những lời giải thích thỏa đáng khác. Điển hình, việc xác định tiên lượng từ các bác sĩ chưa bao giờ là một điều chính xác tuyệt đối. Các bác sĩ đều có thể nhầm lẫn, nhất là trong những trường hợp cái chết xảy ra trong thời gian ngắn.

     Không phải không có những nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại

    Không phải không có những nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại

    Nói vậy để bạn biết rằng chúng ta không thể giải quyết tranh luận thông qua những câu chuyện được nghe kể, hay lưu truyền trên internet. Hãy nhìn vào những bằng chứng và công bố khoa học.

    Năm 2004, tiến sĩ Donn C. Young, giám đốc Trung tâm ung thư tổng hợp, Đại học Ohio, Hoa Kỳ xuất bản một bài báo trên tạp chí Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ. Ông và các cộng sự đã thu thập dữ liệu của 1.269.474 cái chết xảy ra ở bang Ohio trong suốt những năm từ 1989 đến 2000.

    Kết quả chỉ ra rằng tỷ lệ người chết trong tuần trước Giáng sinh, Lễ Tạ Ơn và sinh nhật của họ đều không có khác biệt đáng kể so với tuần sau đó. Người Mỹ gốc Phi, thậm chí, có sự gia tăng tỷ lệ tử vong trước dịp lễ. Phụ nữ ung thư cũng tử vong nhiều hơn trong tuần trước sinh nhật.

    Nghiên cứu chỉ ra kết quả trái ngược, so với nhiều lần giả thuyết bệnh nhân có thể trì hoãn cái chết để chờ đợi một sự kiện tôn giáo, xã hội hay cá nhân được ủng hộ.

    Cũng trong năm 2004, hai nhà nghiên cứu Judith A. Skala và Kenneth E. Freedland đã khảo sát lại 18 nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đang ủng hộ giả thuyết trên. Họ chỉ ra rằng chỉ một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả trì hoãn cái chết và kết quả cũng rất khiêm tốn.

     Khi họ cuối cùng không thể làm được, đừng bao giờ đổ lỗi hoặc cảm thấy dằn vặt

    Khi họ cuối cùng không thể làm được, đừng bao giờ đổ lỗi hoặc cảm thấy dằn vặt

    Đa số các nghiên cứu trong quá khứ gặp vấn đề trong phương pháp luận nên xứng đáng nhận được sự nghi ngờ. Không có một nghiên cứu nào trong số đó cung cấp bằng chứng trực tiếp về cơ chế tâm sinh lý, cho phép con người trì hoãn hoặc đẩy nhanh cái chết của mình.

    Cuối cùng, họ kết luận rằng tất cả các nghiên cứu trong suốt 3 thập kỷ đã không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục, cho hiện tượng một ai đó có tâm lý “từ bỏ” hoặc “cố nắm giữ” mạng sống ảnh hưởng đến thời gian cái chết tìm đến họ.

    Vì vậy, câu hỏi liệu một người có thể kiểm soát thời gian họ chết vẫn còn được bỏ ngỏ, khi khoa học chưa có bằng chứng thuyết phục. Ngược lại, hàng loạt câu chuyện truyền miệng đang thế vào vị trí những nghiên cứu chính xác để làm điều đó.

    Bạn nên biết rằng trong nhiều trường hợp, duy trì thời gian sống cho một bệnh nhân cũng có thể trở thành gánh nặng của chính họ và người thân chăm sóc, thay vì một hy vọng thực tế. Chúng ta nên thận trọng trong quyết định có hay không nên động viên bệnh nhâncố gắng”. Đặc biệt, khi họ cuối cùng không thể làm được, đừng bao giờ đổ lỗi hoặc cảm thấy dằn vặt.

    Tham khảo Psychologytoday,Jama

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ