Liệu rằng việc liều lĩnh mua lại mảng PC của Toshiba có giúp Sharp có chân trên thị trường PC?
Việc mua lại mảng PC của Toshiba trong bối cảnh thị phần và tình trạng thua lỗ còn dai dẳng có thể khiến Sharp một lần nữa giẫm phải “vũng bùn” đã từng tránh cách đây 8 năm.
Cách đây không lâu, Toshiba và Sharp đã công bố thương vụ bán lại mảng kinh doanh PC của Toshiba cho Sharp.
Theo thỏa thuận trên, Sharp sẽ sở hữu 80,1% cổ phần của Toshiba Client Solutions, mảng kinh doanh PC của Toshiba vào ngày 1/10. Số tiền bỏ ra để sở hữu hơn 80,1% cổ phần sẽ ngốn của Sharp khoảng 36 triệu USD.
Động thái mới nhất của Sharp và Foxconn lẽ dĩ nhiên nhằm mục đích quay trở lại thị trường PC sau hơn 8 năm vắng bóng trên thị trường. Các nhà phân tích tin rằng, Foxconn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thương vụ mua lại PC của Toshiba.
Cả Sharp và Toshiba hiện vẫn gặp phải khó khăn kể từ khi vướng phải những vụ bê bối tài chính và thua lỗ trong kinh doanh cách đây vài năm. Nếu như Sharp đã buộc phải “bán thân” cho Foxconn để tự cứu lấy chính mình thì Toshiba vẫn dựa chủ yếu vào sự “chống lưng” của chính phủ Nhật Bản và chưa biết khi nào sẽ tìm thấy ánh sáng nơi cuối con đường.
Hồi năm 2015, bê bối kế toán đã khiến 8 trong 16 thành viên hội đồng quản trị của Toshiba phải đâm đơn từ chức, bao gồm cả CEO Hisao Tanaka. Sau đó, Westinghouse Electric Company, công ty con của Toshiba chuyên về điện hạt nhân có trụ sở tại Mỹ đã phải bán mình cho nhà quản lý tài sản lớn nhất Canada Brookfield với giá 4,6 tỷ USD.
Để giải quyết tình thế ngày càng thêm khó khăn, Toshiba cũng bán nốt các mảng kinh doanh chủ lực của hãng. Trong đó không thể không kể đến thương vụ bán lại mảng kinh doanh TV cho tập đoàn Hisense (Trung Quốc) và mảng điện gia dụng cho Midea Group (Trung Quốc) trong năm 2016 và 2017.
Tới nay, Toshiba lại quyết định bán nốt mảng kinh doanh PC vốn đang làm ăn bết bát cho Sharp để tiếp tục có nguồn vốn và cứu lấy chính mình. Trong suốt 5 năm qua, mảng kinh doanh PC của Toshiba gặp lỗ liên tục. Thống kê kết quả kinh doanh năm tài chính 2017 kết thúc vào tháng 3/2018 cho thấy, doanh số mảng PC của Toshiba đạt 1,33 tỷ USD, giảm 11,1% (15 triệu USD) so với năm 2016 và lỗ ròng 7,5 triệu USD.
Toshiba thất bại, Sharp cũng chẳng khá hơn?
Nhiều người sẽ tự hỏi với một công ty còn đang khó khăn không kém như Sharp liệu có cơ sở nào để tái gia nhập được thị trường PC? Trên thực tế, sự bi quan này hoàn toàn đúng nhưng đó là khi Sharp chưa về tay Foxconn.
Hai năm trước, Sharp cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng cùng khoản lỗ 2,02 tỷ USD và 2,32 tỷ USD trong hai năm 2014 và 2015. Thua lỗ liên miên buộc ban lãnh đạo Sharp phải tính đến lựa chọn cuối cùng, đó là chấp nhận bán mình cho Foxconn nhằm tìm cơ hội vực dậy trong tương lai.
Trong năm tài chính 2016, doanh thu của Sharp là 1,86 tỷ USD, thấp hơn 16,7% so với năm tài chính trước đó. Tuy nhiên khoản lỗ đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 2,26 tỷ USD. Bước sang năm tài chính 2017, một năm sau khi về chung nhà với Foxconn, tình hình kinh doanh của Sharp đã có sự khởi sắc đáng kể.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, doanh thu của Sharp trong năm ngoái đạt 22 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2016 và lợi nhuận đạt 64 triệu USD. Có lẽ nhờ sự chống lưng và giúp đỡ nhiệt tình của công ty mẹ mà Sharp đã vực dậy thành công.
Mới “bình phục” trở lại, liệu có nên liều lĩnh ra gió tiếp không, Sharp?
Dữ liệu thống kê của Gartner trong giai đoạn 1990-2001cho thấy, chỉ có NEC là công ty Nhật duy nhất đặt chân trong top 5 nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. Những cái tên đứng đầu chủ yếu là Compaq, IBM, Hewlett-Packard, Dell,…
Nhưng tất nhiên, đây là thời điểm khi các công ty Nhật như Toshiba hay Fujitsu chưa xuất hiện. Kể từ khi có mặt trên thị trường những năm đầu thế kỷ 21, các công ty này đã dần thể hiện được bản lĩnh và tinh thần của nước Nhật khi liên tiếp vươn lên, chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng trên thị trường PC.
Đáng tiếc thay, vị thế của các hãng sản xuất máy tính Nhật không kéo dài lâu khi lần lượt NEC và Fujitsu dần tụt khỏi top đầu vào năm 2003 và 2006. Trong đó, Toshiba từng một thời trong top 5 nhà sản xuất PC hàng đầu đã không thể chen chân vào danh sách này kể từ năm 2011 tới nay.
Trong giai đoạn 2006-2010, thị phần của Toshiba từng tăng mạnh, thậm chí tăng từ mức 3,8% lên 5,4% chỉ trong vòng 5 năm. Mặc dù vậy đến năm 2011, Asus bất ngờ vươn lên vị trí thứ 5 với thị phần 5,9%. Tính tới năm 2017, công ty vẫn duy trì ở vị trí thứ 5 nhưng với thị phần cao hơn, lên tới 6,8%.
Theo số liệu của Gartner trong giai đoạn 2001-2017, tổng thị phần của các nhà sản xuất PC, trừ 5 nhà sản xuất hàng đầu đã giảm 58,1% xuống chỉ còn 28,8%. Và Toshiba là một trong số 28,8% đó. Nói cách khác, thị phần của top 5 nhà sản xuất PC hàng đầu đã chiếm tới hơn 70% và ngày càng bành trướng mạnh hơn.
Dựa trên tất cả những số liệu và phân tích kể trên, liệu rằng việc Sharp mua lại mảng PC của Toshiba và quyết định quay trở lại thị trường PC sau hơn 8 năm vắng bóng có phải là một quyết định thông minh, nếu không muốn nói là mạo hiểm?
Bởi trên thực tế, quy mô và thị phần của thị trường PC hiện đã có một sự phân hóa nhất định giữa những người dẫn đầu và người đi sau. Do đó, việc gia nhập thị trường PC trong lúc này không hẳn là cách hay nhất với một “tay chơi” đã từng bỏ bê và nay có ý định quay trở lại thị trường PC như Sharp.
Đó là chưa kể, cái dớp từ những công ty Nhật trước đây như NEC hay Fujitsu và thậm chí cả Toshiba có thể sẽ trở thành rào cản vô hình cho mọi nỗ lực của Sharp.
Tham khảo GizChina
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI