Liều thuốc từng một thời cứu rỗi cả thế giới sẽ giết chết chúng ta từ từ như thế nào?

    zknight,  

    Tác động kinh tế cũng sẽ không hề nhỏ, tính toán cho thấy GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 100 nghìn tỷ USD, 10 triệu người sẽ chết mỗi năm vào 2050.

    Đầu năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ đã chứng kiến một thỏa thuận quan trọng giữa 85 công ty công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế. Họ muốn chung tay để đẩy lùi một cơn ác mộng của nhân loại mang tên vi khuẩn kháng kháng sinh. Đó là tình trạng nhiều loại thuốc kháng sinh bị mất hiệu lực do sự lạm dụng của con người trước đây.

    Kháng kháng sinh đang giết chết 700.000 người trên thế giới mỗi năm. Nếu các nỗ lực ngăn chặn tình trạng này thất bại, con số sẽ là 10 triệu vào năm 2050. Con người sẽ bắt đầu chết nhiều hơn vì nhiễm trùng, thay vì con số 8,2 triệu cái chết vì ung thư.

     10 triệu người có thể chết vì kháng kháng sinh vào năm 2050

    10 triệu người có thể chết vì kháng kháng sinh vào năm 2050

    Tác động kinh tế cũng sẽ không hề nhỏ, tính toán cho thấy GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 100 nghìn tỷ USD. Mà tác động nhanh và mạnh nhất của kháng kháng sinh sẽ diễn ra ở 3 lĩnh vực quan trọng: công nghiệp y tế, lương thực và du lịch. Vậy chúng ta hãy cùng xem những con vi khuẩn kháng thuốc nhỏ bé có thể tạo ảnh hưởng lớn đến mức nào.

    Chăm sóc sức khỏe

    Đối với các bác sĩ, thời đại mà kháng sinh không còn chữa bệnh được nữa đã bắt đầu rồi. “Chúng ta đang ở trong một thế giới của hậu kháng sinh”, tiến sĩ Spellberg, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và kháng kháng sinh nói. “Chúng tôi đã có những bệnh nhân mà không thể chữa trị được gì cho họ”.

    Nếu kháng sinh không làm việc hiệu quả nữa, nhiều khía cạnh của y học và chăm sóc y tế hiện đại sẽ đứng trên vực thẳm, Spellberg nói. Những phương pháp điều trị mà bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Chẳng hạn như những phẫu thuật phức tạp, hóa trị ung thư, cấy ghép nội tạng và chăm sóc trẻ sinh non.

    Nhiều bệnh phổ biến, trước đây, chỉ cần một đợt điều trị kháng sinh ngắn ngày thì bây giờ trở thành nỗi ác mộng của y học. Bệnh nhân có thể bị cắt bỏ một phần cơ thể, nếu vi khuẩn kháng kháng sinh quá mạnh mẽ. Ví dụ, penicillin hiện nay đã mất tác dụng với bệnh tụ cầu khuẩn của da.

    Trường hợp phổ biến khác là viêm đại tràng màng giả do vi khuẩn Clostridium difficile (C diff). Điều đặc biệt ở căn bệnh này là nó là hậu quả xảy ra, sau khi bệnh nhân điều trị với kháng sinh. Thông thường, vi khuẩn C diff được kiểm soát bởi chính một loại vi khuẩn khác trong đường ruột.

    Sau một đợt điều trị kháng sinh, những vi khuẩn kiểm soát bị giết chết, trong khi C diff thì không. Chúng sinh sôi nảy nở. Cách duy nhất để điều trị là chuyển sang loại kháng sinh khác. Nhưng rồi nhiều bệnh nhân vẫn phải lựa chọn cắt ruột của họ, vì vi khuẩn kháng kháng sinh quá mạnh mẽ. Sarath Melepati, một bác sĩ phẫu thuật tại Los Angeles chia sẻ.

    Tôi cứ nhớ mãi câu nói của một giáo sư khi còn học trong trường y. Ông nói rồi tôi sẽ gặp phải một vài trường hợp nghiêm trọng như vậy với C diff trong toàn bộ sự nghiệp”, Melepati nói. “Nhưng rồi bây giờ tôi gặp từ 1 đến 3 trường hợp như vậy mỗi năm”.

     Kháng kháng sinh khiến các bác sĩ không thể làm gì thêm cho bệnh nhân

    Kháng kháng sinh khiến các bác sĩ không thể làm gì thêm cho bệnh nhân

    Tiếp đó, nhiễm trùng đường tiểu cũng là một lĩnh vực phổ biến và cần sự quan tâm đặc biệt, Barbara Murray, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Texas cho biết. Những nhiễm trùng như viêm bàng quang, một số người thường trải qua nó vài lần trong một năm.

    Trước đây, họ chỉ cần điều trị kháng sinh đường uống, nhưng bây giờ sẽ cần tiêm liên tục trong vài ngày. Một số bệnh nhân có thể phải đến bệnh viện và gắn bó với việc truyền tĩnh mạch. Những điều này là rất bất tiện và khó chịu. “Chi phí của chúng so với chỉ một viên thuốc là rất lớn”, Murray nói.

    Cô nhắc đến một trường hợp đáng tiếc gần đây. Một phụ nữ đến bệnh viện với nhiễm trùng túi mật. Nhưng rồi những vi khuẩn đã đề kháng với tất cả các điều trị kháng sinh mà Murray có thể thực hiện. Phẫu thuật cũng không thể được lựa chọn. Không còn gì có thể làm cho người phụ nữ ấy. Cô chờ đợi nhiễm trùng lây lan vào máu và qua đời.

    Một kịch bản tồi tệ tương tự có thể xảy đến với cả những bệnh nhân được điều trị tại nhà trong tình trạng bệnh nhẹ. Ví dụ, trường hợp viêm phổi, viêm phế quản kháng thuốc, Malepati nói. Họ sẽ phải trải qua nhiều vòng điều trị kháng sinh, từ nhà đến phòng cấp cứu rồi bệnh viện chuyên khoa.

    Nhưng rồi tất cả có thể chỉ làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh hơn và bệnh tình ngày càng nghiêm trọng. “Nhiều người trong số này không có sức khỏe tốt. Họ sẽ không thể chịu đựng những cú giáng mạnh mẽ này và chết”, Malepati nói. Và bạn có nhận ra cái chết của họ đến từ điều gì? Đó là những căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên mà y học đã từng mỉa mai rằng chỉ cần một đợt kháng sinh là khỏi.

    Công nghiệp thực phẩm

    Một thực tế, ngành chăn nuôi sẽ phải vật lộn vất vả trong thời đại hậu kháng sinh. Họ bắt buộc phải làm điều này, bởi áp lực đến từ chính phủ, chuyên gia y tế, khách hàng và cả dư luận. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là một nguyên nhân kéo thời đại hậu kháng sinh lại gần với con người.

     Chúng ta đang có những ngành chăn nuôi phụ thuộc kháng sinh

    Chúng ta đang có những ngành chăn nuôi phụ thuộc kháng sinh

    Subway, chuỗi nhà hàng bánh mỳ lớn nhất thế giới mới đây tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng thịt gà nuôi không kháng sinh. Điều này sẽ áp dụng trên toàn chuỗi phân phối của họ trên nước Mỹ và bắt đầu từ tháng 3 này.

    Chưa dừng lại, kế hoạch của Subway cho đến năm 2025 là loại bỏ sử dụng cả thịt gà tây, thịt lợn và thịt bò chăn nuôi kháng sinh. McDonald, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ cũng thông báo họ đang tìm nguồn cung ứng thịt gà chăn nuôi không kháng sinh

    Chính phủ Hoa Kỳ đã vào cuộc. Bắt đầu từ năm 2017, việc sử dụng một số loại kháng sinh trong chăn nuôi sẽ là bất hợp pháp. Cơ sở chăn nuôi muốn sử dụng kháng sinh để phòng, chữa bệnh cho động vật sẽ phải có giấy phép và đặt dưới sự giám sát của bác sĩ thú y có thẩm quyền.

    Một làn sóng tiêu cực đang chờ đợi để ập đến ngành sản xuất lương thực, đặc biệt là chăn nuôi. Tiến sĩ Terry Lehenbauer, giám đốc Trung tâm Giảng dạy và nghiên cứu thú y, Đại học California dự đoán, nó đến từ những vi khuẩn kháng thuốc sẽ lây lan.

    Ví dụ, anaplasmosis là một bệnh nhiễm trùng máu ở gia súc, gây ra bởi côn trùng. Hiện nay, không có một loại vắc-xin nào phòng ngừa và điệu trị nó cũng là một thách thức. Tỷ lệ tử vong sẽ là rất cao ngay sau khi nó xuất hiện, Lehenbauer nói.

    Cung cấp chế độ ăn pha kháng sinh là một phương pháp hiệu quả để ngừa anaplasmosis ở gia súc, trong mùa côn trùng bùng nổ. Nhưng nếu điều này bị cấm, nhiều gia súc chắc chắn sẽ chết”.

     Không được sử dụng kháng sinh, sản lượng chăn nuối sẽ giảm sút

    Không được sử dụng kháng sinh, sản lượng chăn nuối sẽ giảm sút

    Kháng sinh trước đây cũng được sử dụng cho gia súc viêm phổi, bệnh hô hấp ở bò, viêm tuyến vú ở bò sữa. Kháng kháng sinh trong những bệnh này không xảy ra. Tuy nhiên, nếu bị cấm, người nông dân sẽ phải chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác mà kém hiệu quả hơn nhiều.

    Ngày nay, các bác sĩ thú y phải vất vả hơn trong công việc hướng dẫn cho người nông dân và ngành chăn nuôi các phương pháp giữ gia súc khỏe mạnh. Ví dụ như vệ sinh môi trường, chế độ ăn dinh dưỡng, phát triển vắc-xin mới…

    Mặc dù vậy, đối với nông nghiệp, kháng kháng sinh sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Chỉ có 0,1% ngành nông nghiệp Mỹ sử dụng kháng sinh. Chủ yếu là lê và táo, chúng cần phun một loại thuốc để tránh vi khuẩn lây lan gây bệnh cháy lá. Tuy nhiên, một số trường hợp kháng kháng sinh trong nông nghiệp đã xuất hiện ở tây bắc nước Mỹ.

    Du lịch

    Chúng ta sẽ nói đến một khía cạnh mới nổi của du lịch hiện nay: du lịch y tế, nơi mà kháng kháng sinh sẽ là một mối đe dọa thực sự lớn.

    Du lịch y tế là khi ai đó lựa chọn một điểm đến ở quốc gia khác để kết hợp chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Họ sẽ được hưởng lợi thế về giá khi đến những quốc gia đang phát triển, hay lợi thế về chất lượng ở những quốc gia có nền y tế phát triển. Phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài là một xu hướng mạnh của du lịch y tế.

     Kháng kháng sinh đe dọa du lịch y tế

    Kháng kháng sinh đe dọa du lịch y tế

    Bây giờ, kháng kháng sinh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực này? Những khách du lịch có ý định ra nước ngoài để chữa bệnh sẽ gặp nhiều nguy hiểm, Michael Millar, một bác sĩ tại Khoa truyền nhiễm, trung tâm Barts Health NHS Trust, Anh Quốc cho biết.

    Ví dụ như tại Ấn Độ, quốc gia đang có ngành du lịch y tế phát triển mạnh. Nhìn vào thời đại hậu kháng sinh, quốc gia này có sự hạn chế trong quy định sử dụng và cung cấp kháng sinh. Tình trạng quá tải ở bệnh viện, kém vệ sinh xung quanh các thành phố lớn và nạn nghèo đói đang thúc đẩy kháng kháng sinh mạnh mẽ hơn.

    Bên cạnh đó, sự chênh lệch trong việc điều kiện ở nước ngoài và tại quê hương sẽ có thể giết chết người bệnh. Ví dụ, một người đến một nước khác để du lịch y tế, Milar nói. Họ có khả năng nhiễm một vi sinh vật đường ruột cực kỳ kháng thuốc, Klebsiella pneumoniae.

    Rồi sau khi trở về nhà, họ mang trong mình vi khuẩn đó mà chưa gây bệnh. Quá trình chỉ phát tác sau khi người đó gặp phải một tai nạn xe hơi cần phẫu thuật hay hóa trị ung thư. Đó là thời điểm tạo điều kiện cho Klebsiella pneumoniae phát triển gây nhiễm trùng nặng. Kháng kháng sinh sẽ khiến bệnh nhân phải nhận chăm sóc đặc biệt, trước khi phần lớn họ sẽ tử vong.

    Kết luận

    Có thể thấy, một viễn cảnh không mấy sáng sủa đang được vạch ra cho nhân loại. Cơn ác mộng đang đến từ những con vi khuẩn nhỏ bé kháng kháng sinh. Chúng ta sẽ phải làm nhiều điều trong cuộc chiến chống lại chúng. Sự nỗ lực phối hợp giữa các công ty tư nhân như tại Diễn đàn kinh tế thế giới là cực kỳ cần thiết. Nhưng bên cạnh đó chính phủ và các đơn vị công vụ cũng cần vào cuộc.

    Để đảm bảo cho sự an toàn cho thế hệ tương lai, chúng ta phải bảo vệ sức mạnh của những loại thuốc chúng ta có, Spellberg nói. “Trừ khi chúng ta có thể làm tốt hơn công việc này hoặc tìm kiếm phương pháp thay thế điều trị nhiễm trùng, nếu không mọi người sẽ vẫn tiếp tục chết dần đi”.

    Tham khảo Theguardian

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ