Sau một chuyến công tác tại Mozambique, chúng tôi cảm nhận được rằng: Chỉ có những con người mang “tinh thần thép Viettel” mới có thể trụ vững nơi đầy khắc nghiệt như thị trường Châu Phi.
Ấn tượng ban đầu
Ngày 15/5/2012, Viettel chính thức công bố kinh doanh tại Mozambique với mạng viễn thông mang thương hiệu Movitel. Đây là thị trường nước ngoài thứ 5 của Viettel và là thị trường đầu tiên tạo đà để Viettel tiếp tục mở rộng sang các nước khác tại Châu Phi.
Sau 1 năm Viettel chính thức cung cấp dịch vụ tại quốc gia Châu Phi, chúng tôi đã có dịp đến thăm thị trường này. Chúng tôi có mặt ở Maputo - Thủ đô của Mozambique. Maputo được kiến trúc không có nhiều nhà cao tầng và các tòa nhà này mang dáng vẻ cũ kỹ. Đường phố giữa thủ đô nhưng nhiều con đường ngập ngụa rác.
Trên đường phố Maputo, nhiều nơi vẫn bày bán những bánh xà phòng 72 giống như ở Việt Nam thời bao cấp. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những sạp hàng bán linh kiện điện thoại cũ đủ loại nhưng chủ yếu là những dòng máy rẻ tiền.
Anh Nguyễn Văn Chiều, Phó Giám đốc Movitel cho chúng tôi biết, tỷ lệ mù chữ ở Mozambique khá cao - 50%. Thị trường này đang có hai nhà khai thác là Mcell của Chính phủ Mozambique và Vodacom của Anh đầu tư. Tuy Movitel mới cung cấp dịch vụ được hơn 1 năm nhưng đang là mạng di động có vùng phủ rộng nhất và có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất tại Mozambique.
Chúng tôi được bố trí gặp bà Safura, Ủy viên Trung ương Đảng Frelimo, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Movitel, người đã thuyết phục Chính phủ Mozambique chọn Viettel đầu tư vào quốc gia này. Bà nói rằng, khi Viettel chưa đầu tư mạng viễn thông ở đây thì rất nhiều người dân Mozambique không có cơ hội sử dụng điện thoại di động. Nhưng sau khi Viettel xây dựng mạng viễn thông thì hầu hết người dân Mozambique đều có cơ hội được sử dụng điện thoại di động.
Ở nơi dành cho những người vượt qua gian khổ, thử thách
Chúng tôi được bố trí đi Gaza - một tỉnh nghèo của Mozambique cách Thủ đô Maputo 600 km.
Chúng tôi ghé thăm một chi nhánh huyện trên đường đến Gaza. Tiếp chúng tôi, Đào Xuân Dậu, Trưởng Trung tâm huyện mừng lắm. Trong câu chuyện với chúng tôi, Dậu kể rằng cách thức dùng dịch vụ của người Mozambique rất khác lạ. Họ gần như không nhớ số điện thoại của mình và cũng chẳng quan niệm số đẹp số xấu như ở Việt Nam. Họ có thể mua một thẻ cào và sẵn sàng gọi cho đến khi hết tiền trong tài khoản.
Chúng tôi đến Mapai và dự lễ khai trương cửa hàng tại huyện này. Lê Tiến Dũng, phụ trách chi nhánh Mapai cho biết: “Cuộc sống một mình tự lập nơi đất khách quê người tuy vất vả nhưng anh em vẫn cố gắng vượt qua. Thế nhưng, những ngày nghỉ là những thời điểm buồn và nhớ nhà nhất, bởi cả huyện chỉ có duy nhất em là người Việt. Cứ dịp cuối tháng, anh em các chi nhánh huyện lại về trung tâm Gaza để quyết toán tiền nong hàng hóa và cả để tắm giặt, cắt tóc nữa. Bọn em ở chi nhánh cứ mong ngóng đến ngày cuối tháng để được về trung tâm Gaza”.
Anh Hồ Văn Hào, Giám đốc Chi nhánh Gaza nói với chúng tôi: “Ngày nào em cũng gọi điện cho các anh em ở chi nhánh huyện thăm hỏi để vừa nắm được tình hình kinh doanh, vừa nắm được tâm tư tình cảm để kịp thời động viên anh em. Đến cuối tháng, tất cả các anh em huyện về trung tâm tỉnh Gaza để chốt sổ sách và cùng tổ chức liên hoan. Sau đó, anh em lại về huyện bắt đầu các công việc của mình”.
Trên đường từ Mapai về Maputo, chúng tôi dừng chân tại một điểm mà mấy anh em Movitel đang nối cáp quang ứng cứu thông tin. Nguyễn Trung Phương, phụ trách kỹ thuật của đội ứng cứu này cho biết là tất cả các sự cố đều phải được xử lý nhanh nhất, nên lúc nào cũng thấy cán bộ kỹ thuật Movitel trên đường, băng rừng. Phương kể rằng, hồi tháng 6 vừa rồi, cậu có một chuyến đi ứng cứu “lịch sử”. Thời điểm đó vỡ đập nước ở Nam Phi nên nước đổ về Mozambique như thác lũ làm ngập nhiều tuyến đường và gây mất liên lạc các trạm di động.
“Với một cái túi đeo bên người và một chai nước, nhóm bọn em có hai người lên đường đi ứng cứu. Nhưng nước lũ cao quá đã ngập cả đường và làm mất phương hướng. Bọn em phải sử dụng tất cả các phương tiện có thể nhờ được của người dân. Lũ ngập nặng quá nên rất nhiều người Mozambique bị chết đuối. Trên đường đi, bọn em bắt được cả cá sấu. Bọn em cũng tìm được một vài trạm BTS bị sự cố và để một cậu kỹ sư ở lại xử lý, còn mình em lại lên đường tìm trạm của mình để ứng cứu đảm bảo liên lạc. Nhìn thấy những hình ảnh đó cũng sợ nhưng nhiệm vụ là phải ứng cứu thông tin để Movitel không mất liên lạc. Hết nước, đói bụng, em phải rẽ vào một nhà dân xin đồ ăn nước uống và ngủ nhờ. Người dân ở đây nói tiếng Bồ và tiếng thổ dân nên khó khăn trong giao tiếp vì mình chỉ nói tiếng Anh. Nhưng khi em nói ở Movitel là một bà đứng tuổi vui vẻ mời vào nấu ngô cho ăn. Cứ tưởng thế là mừng lắm rồi, ai dè bà chủ nhà nhất quyết mời em lên ngủ trên chiếc đệm duy nhất của bà, còn bà thì nằm dưới đất. Đó là tình cảm làm em không quên và đến bây giờ thỉnh thoảng đi qua em vẫn ghé vào nhà người dân tốt bụng này”, Nguyễn Trung Phương nói.
Rời Mozambique, chúng tôi sang Nam Phi để cùng đoàn Movitel đón nhận phần thưởng danh giá “Nhà mạng có năng lực cạnh tranh tốt nhất”. Tôi hiểu rằng, đằng sau ánh hào quang đó là công sức của rất nhiều người Viettel đang ngày đêm đem tuổi thanh xuân, sức lực và trí tuệ cống hiến cho mảnh đất Châu Phi này và vì sự phát triển của Viettel nơi quê nhà.
Theo Thái Khang
Infonet.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"