Lộ diện danh sách những vật thể có thể ghé thăm Trái Đất trong thời gian tới

    Nova,  

    Danh sách của Trung tâm Hợp tác phát hiện vật thể gần Trái Đất (NEOCC) thuộc ESA tại Frascati, Italy, bao gồm 524 vật thể.

    Ngay sau khi thiên thạch ngoại cỡ 2000-FL10 (kích thước khoảng 3,2km) di chuyển "sượt qua" Trái Đất và một thiên thạch khác có tên 2015 TB145 (kích thước khoảng 400m) sẽ tới gần hành tinh của chúng ta vào ngày mai, các nhà thiên văn học thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tiến hành lập danh sách các vật thể có khả năng va vào Trái Đất trong thế kỷ tới.

    Danh sách của Trung tâm Hợp tác phát hiện vật thể gần Trái Đất (NEOCC) thuộc ESA tại Frascati, Italy, bao gồm 524 vật thể. Chúng có nguồn gốc tự nhiên như thiên thạch hoặc do con người thải ra như rác vũ trụ. Đa số khá nhỏ và bốc cháy một cách vô hại trong bầu khí quyển. Những vật thể này sẽ trở thành đối tượng để các nhà khoa học quan sát, đo đạc chính xác hơn quỹ đạo của chúng và loại trừ tác động nguy hiểm.

    Trường hợp một thiên thạch lớn đâm vào Trái Đất như vật thể rơi xuống Chelyabinsk, Russia trong tháng 2/2013 rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, trong tuần tới, NEOCC xác nhận sẽ một mảnh rác vũ trụ của tàu Apollo với tên gọi WT1190F rơi xuống Ấn Độ Dương. Cả hai trường hợp có khả năng gây nguy hiểm rất thấp nhưng đều cho thấy nhu cầu cần theo dõi liên tục. Dưới đây là những cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách này:

    2015 TB145: Thiên thạch đường kính 400m này sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 480.000km vào ngày 31/10. Mang biệt danh thiên thạch Halloween, nó di chuyển với vận tốc 35km/giây, nhanh hơn mọi thiên thạch đến gần Trái Đất từng được ghi nhận. Dù 2015 TB145 ở xa Trái Đất hơn Mặt Trăng, các nhà thiên văn học vẫn coi đây là một trường hợp đến gần.

    85990 1999JV6: Đây là thiên thạch lớn nhất sẽ đến gần Trái Đất. Thiên thạch này có đường kính 498m và sẽ bay qua Trái Đất vào ngày 6/1/2016 ở khoảng cách lớn gấp 12,6 lần so với Mặt Trăng. Theo các nhà thiên văn học, 85990 1999JV6 không có khả năng đâm vào Trái Đất.

    2012 RU16: Thiên thể này cũng nằm trong số những thiên thạch đến gần Trái Đất nhất, chỉ xếp sau 2015 TB145. Vào ngày 24/1/2016, thiên thạch đường kính 32m này sẽ sượt qua Trái Đất ở khoảng cách lớn gấp 3,5 lần so với Mặt Trăng nhưng không gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta.

    410777 2009 FD: Đây là thiên thạch duy nhất gây lo ngại cho các nhà thiên văn học. Nó sẽ đến rất gần Trái Đất vào ngày 3/3/2185. Do thiên thạch bị Mặt Trời hâm nóng, hướng bay không ổn định của nó dẫn tới nguy cơ va chạm với Trái Đất là 1/369. Thiên thạch này có đường kính 160m, lớn gấp 8 lần sao băng lao xuống Chelyabinsk. Các nhà thiên văn học đang theo dõi nó một cách chặt chẽ.

    Ngoài ra, theo danh sách của NEOCC thì từ bây giờ đến hết năm Trái Đất sẽ được 2 thiên thạch có đường kính khoảng 70 đến 90m ghé thăm, mặc dù xác xuất va chạm là rất nhỏ.

    Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) định nghĩa thiên thạch (asteroid) là những khối đá trong vũ trụ có kích thước nhỏ hơn hành tinh (đôi khi người ta gọi chúng là tiểu hành tinh). Hàng triệu tiểu hành tinh đang bay quanh mặt trời, trong đó khoảng 750.000 viên “cư ngụ” trong vành đai thiên thạch ở giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Chiều rộng của thiên thạch có thể lên tới hàng trăm km. Ceres, thiên thạch được mệnh danh là một hành tinh lùn, có chiều rộng tới 940km.

    Thiên thạch không có bầu khí quyển, nhưng nhiều viên có kích thước đủ lớn để tạo ra lực hút. Trên thực tế, một số thiên thạch “sở hữu” một hoặc hai vệ tinh. Đôi khi hai thiên thạch có kích thước tương đương xoay quanh nhau và tạo nên hệ thiên thạch kép. Giới khoa học rất quan tâm tới tiểu hành tinh bởi chúng có thể cung cấp rất nhiều thông tin về quá trình hình thành của Thái Dương Hệ từ khoảng 4,6 tỷ năm trước. Một trong những cách để nghiên cứu tiểu hành tinh là quan sát chúng khi chúng bay tới gần địa cầu.

    Tập hợp các tiểu hành tinh tạo thành vành đai các tiểu hành tinh. Vành đai chính có hàng nghìn các tiểu hành tinh lớn hơn 1km, và hàng triệu các vật thể bé như bụi. Dù có số lượng lớn như vậy, tổng khối lượng của cả vành đai chính nhỏ hơn khối lượng Trái Đất 1000 lần. Các tiểu hành tinh với đường kính nhỏ hơn 500m được gọi là thiên thạch. Các thiên thạch và bụi có thể va quệt vào khí quyển Trái Đất và tạo ra các “cơn mưa” sao băng. Không phải tất cả các vật thể bốc cháy trong khí quyển Trái Đất, hay đâm xuống mặt đất, đều là những thiên thạch. Trong suất hàng chục năm qua, nhiều nước trên thế giới đã đưa vệ tinh và tàu vũ trụ lên không gian. Đang trôi vật vờ trên đó là những bộ phận của các vệ tinh đã cũ, tên lửa và thậm chí cả một trạm vũ trụ hay chất thải của các nhà du hành vũ trụ. Đôi khi chúng rơi vào khí quyển Trái Đất và bốc cháy, làm nhiều người tưởng lầm là sao băng.

    Hàng trăm nghìn tiểu hành tinh đã được khám phá bên trong hệ Mặt Trời và tỷ lệ khám phá hiện nay là khoảng 5000 tiểu hành tinh/tháng. Tới ngày 17/9/2006, trong tổng số 342.358 tiểu hành tinh được biết, 136.563 có quỹ đạo được xác định đủ để được đánh ký hiệu chính thức. Trong số đó, 13.422 tiểu hành tinh có tên chính thức. Hành tinh nhỏ được đánh số nhỏ nhất nhưng chưa được đặt tên là (3360) 1981 VA; hành tinh nhỏ có số lớn nhất và chưa có tên (ngoài các hành tinh lùn 136199 Eris và 134340 Pluto) là 129342 Ependes.

    Ước tính hiện nay tổng số tiểu hành tinh có đường kính hơn 1km trong hệ Mặt Trời là khoảng từ 1.1 đến 1.9 triệu. Tiểu hành tinh lớn nhất phía bên trong hệ Mặt Trời là 1 Ceres, với đường kính từ 900 đến 1000km. Hai vật thể lớn khác ở vành đai tiểu hành tinh của hệ mặt trời là 2 Pallas và 4 Vesta; cả hai đều có đường kính khoảng 500km. Vesta là tiểu hành tinh duy nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính thỉnh thoảng có thể được quan sát thấy bằng mắt thường (trong một số dịp rất hiếm hoi, một tiểu hành tinh gần Trái Đất có thể được quan sát thấy bằng mắt thường; xem 99942 Apophis).

    Khối lượng của toàn bộ các tiểu hành tinh trong Vành đai chính được ước tính khoảng 3.0-3.6×10^21 kg, hay khoảng 4% khối lượng Mặt Trăng của chúng ta. Trong số đó, 1 Ceres chiếm 0.95×10^21 kg, khoảng 32% tổng khối lượng. Ba tiểu hành tinh có khối lượng lớn tiếp theo là 4 Vesta (9%), 2 Pallas (7%), và 10 Hygiea (3%), tổng khối lượng của chúng chiếm tới 51%; trong khi ba tiểu hành tinh sau đó là 511 Davida (1.2%), 704 Interamnia (1.0%), và 3 Juno (0.9%), chỉ chiếm 3% tổng khối lượng. Số lượng tiểu hành tinh tăng lên nhanh chóng khi khối lượng riêng lẻ của chúng giảm đi.

    Bạn đọc có thể theo dõi danh sách đầy đủ tại đây.

    Tham khảo NASA, ESA, Space, TheGuardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ