Loài cua khổng lồ có chiếc càng đáng sợ với lực mạnh hơn phát cắn của hầu hết động vật trên cạn

    NPQM,  

    Trừ cá sấu châu Mỹ ra thì các loài ăn thịt cũng chưa chắc đã tạo ra lực mạnh như nó.

    Với độ dài lên đến 1m, loài cua dừa khổng lồ xứng đáng là động vật chân khớp lớn nhất trên cạn. Mới đây, các nhà khoa học lại khám phá thêm rằng một cú cắp của nó cũng thuộc loại đau điếng nhất trong các loài giáp xác, chưa kể đến việc mạnh hơn bất cứ loài vật sống trên cạn nào (loại trừ cá sấu châu Mỹ).

    Với môi trường sống chủ yếu ở trên những đảo nhiệt đới nhỏ tại Ấn Độ và Thái Bình Dương, những con quái vật này thống trị những rừng dừa bạt ngàn và nhiều nguồn thức ăn khác. Tất nhiên là việc phá vỏ những thứ quả cứng cáp kia cũng cần đến một nỗ lực đáng kể, và một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí PLOS One đã chỉ ra rằng cặp càng lực lưỡng của loài cua trên có khả năng kiến tạo lực lên đến 3000N.

    Số liệu được tổng hợp sau khi đo sức mạnh của 29 con cua dừa, với trọng lượng đa dạng trải dài từ 33g cho tới 2,12kg trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Lực tác động lớn nhất gây ra được ghi lại từ 29,4 đến 1765,2N, tỷ lệ thuận theo trọng lượng cơ thể chúng.

    Giả sử con cua dừa lớn nhất trong số đó có trọng lượng 4kg, các nhà khoa học đã tính toán rằng nếu thật sự đạt đến trọng lượng đó, hầu như mọi vật thể lọt thỏm trong đôi càng của nó sẽ bị nghiền nát ngay lập tức.

    Một điều nữa bạn cần biết là dừa không phải là thức ăn duy nhất của loài cua này. Chúng còn sử dụng vũ khí càng của mình để bắt những con cua nhỏ hơn hay thậm chí cả động vật nhỏ như chuột, đồng thời cũng dùng càng để đề phòng nguy hiểm đến từ các loài dã thú hay đối thủ cạnh tranh khác.

    Không giống như cua thông thường, chúng dành phần lớn cuộc đời của mình để sống trên cạn, với đặc trưng về đôi càng vạm vỡ được các nhà khoa học đánh giá như một biểu hiện của sự tiến hóa, thích nghi và sinh tồn.

    Được biết, nhiều giả thiết đặt ra cho rằng chúng tiến hóa từ tổ tiên là loài ốc mượn hồn, với một tấm vỏ riêng biệt cứng cáp bảo vệ xung quanh và là chỗ để trú ẩn hoàn toàn vào bên trong. Nhưng vì không có một biện pháp bảo vệ giống như vậy, cua dừa đã tự phát triển kích cỡ cơ thể cùng kết cấu càng vững chắc giúp tự vệ và tồn tại.

    Lưu ý là chúng còn có thể trèo cây thoăn thoắt nữa cơ...

    Tham khảo: Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày