Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền virus Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Chúng sống ở hầu khắp các tỉnh thành của nước ta và sinh sản quanh năm.
Ngày 5/4, Bộ Y tế đã công bố hai người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa và TP HCM. Nguyên nhân nhiễm bệnh là do loại muỗi Aedes (còn được gọi là muỗi vằn).
Muỗi vằn sống chủ yếu ở thành phố
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, muỗi Aedes rất nguy hiểm, ngoài khả năng lây truyền virus Zika, chúng cũng là loại gây ra dịch sốt xuất huyết.
Ở miền Nam, dịch xảy ra quanh năm, còn ở miền Bắc, cao điểm vào thời gian từ tháng 3-4 và từ tháng 7 đến tháng 11.
Đặc điểm nhận dạng loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. “Muỗi vằn gây sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phân bố trên toàn quốc, tập trung tại các thành phố, khu đô thị, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Miền núi phía Bắc ít xuất hiện hơn”, TS Chính cho hay.
TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cũng xác nhận, muỗi vằn lưu hành khá phổ biến. Hiện 584 xã, phường của thành phố đều có sự lưu hành của loại muỗi này. Mùa hè là điều kiện để muỗi truyền bệnh này phát triển. Do đó, nếu virus Zika đã được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam, khả năng lây lan tới Hà Nội là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Muỗi chỉ truyền bệnh vào ban ngày
TS Chính lưu ý, muỗi vằn chỉ đốt đốt người vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và trước hoàng hôn. Tuy nhiên, người dân Việt Nam thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm. Điều đó làm tăng nguy cơ bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh.
Vẫn theo chuyên gia này, muỗi vằn gây sốt xuất huyết và dịch Zika với cơ chế giống nhau. Cụ thể, muỗi đốt người bị nhiễm virus mang mầm bệnh theo cơ chế hút máu. Virus phát triển trong con muỗi khoảng một tuần rồi truyền lên tuyến nước bọt. Sau thời gian này, muỗi đốt có khả năng truyền bệnh cho người lành.
Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây.
Muỗi vằn lây truyền virus Zika và bệnh sốt xuất huyết được xem có mối liên quan tới chứng đầu nhỏ thai nhi. Ảnh: Health
Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Đặc biệt, trứng của chúng có thể chịu được khô hạn hơn một năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước.
Loại muỗi truyền bệnh này thông thường chỉ bay trong vòng 80-100 m hoặc có thể bay xa hơn tùy theo độ nhẹ, thậm chí chúng có thể đi theo các phương tiện giao thông, máy bay tới các khu vực khác kèm theo nguy cơ truyền bệnh tại nơi đó.
Chưa thể kiểm soát muỗi
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Biện pháp đặc trị hữu hiệu nhất hiện nay được xác định là diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm tránh bị muỗi đốt. Song, TS Chính lo ngại: “Nhiều phương tiện, giải pháp nhằm tiêu diệt muỗi hiện nay chỉ có hiệu quả ở mức nhất định và chỉ áp dụng ở mức nhất định. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến muỗi ngày càng phát triển”.
Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày.
Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Tuy nhiên, thế giới chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do nhiễm virus Zika. 80% bệnh nhận có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.
Theo Zing.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?