Loạt bằng sáng chế "hư cấu" trở thành bước ngoặt của làng công nghệ TG
Có vô vàn các bằng sáng chế được đăng ký hàng năm trên thế giới, nhưng phần lớn chúng đều bị gán trên mình 2 chữ "hư cấu" thay vì được hiện thực hóa thành sản phẩm như ngày nay.
Chúng ta đã nghe rất nhiều về những tấm bằng sáng chế của những ông lớn như Apple, Samsung hay LG về những thiết bị trong tương lai với khả năng hoạt động siêu phàm, biến những bộ phim viễn tưởng trước kia trở thành hiện thực.
Dù xuất phát từ ý tưởng làm cho cuộc sống con người trở nên tân tiến và đầy đủ hơn, nhưng không phải bất kỳ tấm bằng sáng chế nào cũng được hiện thực hóa và thực sự hữu dùng. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt 4 tấm bằng sáng chế từng bị coi là "hư cấu" đã trở thành bước ngoặt của làng công nghệ thế giới ngày nay.
1. Màn hình dẻo của Samsung - Galaxy S6 Edge
Còn nhớ, vào những ngày đầu tháng 4 năm 2014, chúng ta đã nghe rất nhiều về tấm bằng sáng chế của Samsung được đăng kí với mô tả như một chiếc điện thoại có khả năng sử dụng cả cạnh màn hình để tương tác và cảm ứng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tất cả những gì chúng ta biết chỉ là một vài hình vẽ phác họa đơn sơ và không nêu rõ các tính năng hoặc chi tiết đi kèm.
Những tưởng, câu chuyện smartphone màn hình dẻo chỉ là trò đùa của nhà sản xuất Hàn Quốc hoặc một chiêu "đi trước đón đầu" nhằm triệt hạ các đối thủ có ý tưởng tương tự. Tuy nhiên, sự ra đời của chiếc Galaxy Note Edge là minh chứng rõ ràng nhất của Samsung trong năm 2014 vừa qua. Thế nhưng, xét cho cùng, bản thân Note Edge vẫn chưa thực sự thành công như mong đợi bởi chiếc phablet này chỉ cho phép người dùng tương tác với cạnh cong ở bên phải và tỏ ra khá bất công với người dùng tay trái.
Nhanh chóng chỉ vài tháng sau đó, một lần nữa, hãng lại tiếp tục tung ra chiếc Galaxy S6 Edge - chiếc smartphone tốt nhất tại sự kiện MWC 2015. Nhưng trái với lần đầu tiên, Samsung đã thực sự thành công. Không chỉ sở hữu thiết kế đẹp, hai cạnh cong tương tác tiện dụng, máy còn sở hữu cả một cấu hình khủng bên trong và được dự đoán sẽ lên ngôi trong năm nay.
2. Cảm biến vân tay của Apple - iPhone 5S
Dù không phải là người luôn đi đầu trong mọi công nghệ của thế giới, tuy nhiên, Apple luôn biết cách tạo ra xu hướng chung cho các tín đồ công nghệ ngày nay. Vào khoảng thời gian cuối năm 2012, một số nguồn tin đã tiết lộ về bằng sáng chế cảm biến sinh trắc học của Apple trên iPhone với tính năng mở/khóa máy và phần đông người dùng đều cho rằng đó là một sự thừa thãi không hơn không kém.
Thế nhưng, tới khi Táo Khuyết công bố chiếc iPhone 5S, người dùng lại đổ xô đi mua sản phẩm này, khiến các iFan đang sở hữu iPhone 5 phải tiếc "hùi hụi". Tất nhiên, ngay sau đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Apple là Samsung cũng nhanh chóng đưa cảm biến vân tay lên chiếc Galaxy S5 của mình, nhưng là cảm biến theo chiều dọc - khác với cách đặt tay thông thường của iPhone. Đáng tiếc là cuối cùng chiếc flagship của nhà sản xuất Hàn Quốc lại không mấy thành công như mong đợi.
Còn tính cho tới thời điểm hiện tại, các sản phẩm cao cấp của cả Samsung và Apple đều có trang bị tính năng cảm biến vân tay độc đáo này, thậm chí, công nghệ này còn được Táo Khuyết áp dụng lên cả dòng máy tính bảng iPad thế hệ mới. Chưa hết, ngoài tính năng bảo mật thông thường, các cảm biến vân tay ngày nay còn được sử dụng như một hình thức thanh toán thay cho các thẻ tín dụng vốn có nhiều điểm bất tiện.
3. Màn hình cong của LG - G Flex
Đình đám không kém Apple và Samsung, LG cũng từng được đồn đoán sở hữu bằng sáng chế cho một smartphone cong vào thời điểm Q3/2013. Theo mô tả của tấm bằng sáng chế, đây là một thiết bị sở hữu màn hình cong do được làm từ tấm nền nhựa OLED (POLED) chứ không phải dẻo đến nỗi có thể bẻ cong máy được.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ túi một chiếc smartphone cong như vậy sẽ trở nên rất bất tiện, đó là chưa kể tới việc cầm nắm sẽ khó khăn hơn. Bất chấp những phản hồi không mấy tích cực từ các tín đồ công nghệ, LG vẫn quyết định tung ra chiếc G Flex ít lâu sau đó và gây được tiếng vang trong làng công nghệ. Dù không sở hữu doanh thu khủng, nhưng LG đã khiến đối thủ Samsung phải "nóng mặt" và tung ra chiếc Galaxy Round nhằm cạnh tranh ở phân khúc "điện thoại cong".
Tới đầu năm nay, nhà sản xuất Hàn Quốc lại tiếp tục công bố chiếc G Flex 2 kế nhiệm với những nâng cấp kể cả về cấu hình lẫn tính năng của máy, trong khi thiết kế lại không xuất hiện mấy sự thay đổi. Có thể, G Flex 2 chỉ đơn giản là một sản phẩm nhằm duy trì sự "sáng tạo" của LG, tuy nhiên, biết đâu, từ chiếc smartphone cong mềm mại này, nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ phát triển lên nhiều sản phẩm đột phá trong tương lai.
4. Bằng sáng chế smartwatch của Apple - Watch
Vào những ngày đầu năm 2013, văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu (Mỹ) đã tiết lộ một số thông tin chi tiết về thiết kế và tính năng của đồng hồ thông minh chạy iOS mà Apple đang thử nghiệm. Theo mô tả, thiết bị sẽ sở hữu màn hình cảm ứng đeo lên cổ tay và tương tác trực tiếp với các thiết bị điện tử di động qua giao thức không dây.
Rất nhiều người dùng đã mong chờ vào một sản phẩm như vậy của Apple trong năm 2014, tuy nhiên, phải tới đầu năm này, chiếc Apple Watch mới chính thức được trình làng. Ngoài việc có thể tương tác với các thiết bị thông minh chạy iOS, Watch cũng có thể tìm đường hay nháy đèn để thông báo tin nhắn, cuộc gọi nhỡ như những đồn đoán trước đó. Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới sự đa dạng cũng như tinh tế trong thiết kế mà Apple đã đem tới cho chiếc smartwatch đầu tiên của mình.
Thế nhưng, công bằng mà nói, nếu so với những thiết bị đeo chạy Android Wear được công bố trước đó của Samsung, LG hay Motorola, Apple Watch tỏ ra không mấy nổi bật ngoài thương hiệu Táo Khuyết và giá bán tương đối đắt đỏ của mình. Dù sao, giới công nghệ vẫn kỳ vọng Watch sẽ "khai thông thế bế tắc" cho thị trường các thiết bị đeo vốn ảm đạm trước đây.
>> Tìm thấy bằng sáng chế cuộn giấy vệ sinh cách đây 124 năm, chấm dứt mọi tranh cãi trước đây
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"