Lời kể của nhân viên tổng đài lừa đảo: Thấp thỏm sợ bị bắt, nhận lương 7 triệu vẫn "cắn răng" làm vì một lý do cay đắng

    Mạnh Kiên, Phụ nữ Thủ Đô 

    Nhân viên này chỉ biết công việc của mình là lừa đảo sau khi nói chuyện với đồng nghiệp. Dù chỉ nhận lương 7 triệu/tháng nhưng vẫn tiếp tục làm vì đã lún quá sâu.

    Công nghệ bùng nổ nhưng không tìm được việc làm, thanh niên Ấn Độ có xu hướng chuyển sang nền kinh tế hợp đồng, hoạt động trong các tổng đài lừa đảo và công việc phục vụ cho AI với mức lương thấp và ít sự bảo vệ.

    Bên trong tổng đài lừa đảo

    Sau khi học xong đại học ở thành phố Ahmedabad, miền tây Ấn Độ, Saurav đi tìm việc suốt bốn tháng trước khi anh bắt gặp quảng cáo việc làm tại một trung tâm dịch vụ khách hàng. Anh đăng ký mà không biết rằng một ngày nào đó công việc này sẽ đưa anh vào tù.

    Nhiệm vụ của Saurav - yêu cầu được giấu tên - là gọi điện cho những người ở Mỹ, lôi kéo họ đăng ký các khoản vay và hợp đồng bảo hiểm, sau đó thông báo rằng họ cần cải thiện điểm tín dụng bằng cách trả 50-100 USD.

    Chỉ có điều, Saurav không làm việc cho ngân hàng hay công ty bảo hiểm nào, mà là một tổng đài lừa đảo chuyên rao bán các sản phẩm giả và đánh cắp tiền của những người tin rằng có thể cải thiện được điểm tín dụng.

    Saurav, 25 tuổi, cho biết: "Lúc đầu tôi không nhận ra. Mãi sau này tôi mới biết công việc này là lừa đảo sau khi nói chuyện với các đồng nghiệp”.

    "Nhưng tôi đã lún quá sâu và hiểu rằng mình sẽ không có được công việc nào khác có thể kiếm được 20.000-25.000 rupee (6-7 triệu đồng) mỗi tháng, vì vậy tôi tiếp tục làm việc ở đó", anh nói với Context.

    Lời kể của nhân viên tổng đài lừa đảo: Thấp thỏm sợ bị bắt, nhận lương 7 triệu vẫn "cắn răng" làm vì một lý do cay đắng - Ảnh 1.

    Tổng đài lừa đảo là một trong hàng nghìn kiểu lừa đảo qua điện thoại đang làm phiền hàng triệu người mỗi ngày ở Ấn Độ, Mỹ, Anh và các nơi khác, với thủ đoạn đóng giả quan chức thuế, nhân viên ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng như hỗ trợ kỹ thuật.

    Cảnh sát Ấn Độ đã đột kích hàng trăm trung tâm như vậy ở Ahmedabad, Delhi, Gurugram, Mumbai và Kolkata trong những năm gần đây, buộc tội hàng nghìn người về tội lừa đảo.

    Saurav và hai đồng nghiệp bị bắt vào năm ngoái và anh phải ngồi tù 5 tháng.

    Công việc Saurav đảm nhận là phần của ngành công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin trị giá 220 tỷ USD của Ấn Độ đang bùng nổ, khi các công ty toàn cầu thuê dịch vụ hỗ trợ khách hàng bên ngoài với nhân viên có chi phí rẻ, có bằng đại học và biết nói tiếng Anh.

    Nhưng chính những yếu tố này cũng khuyến khích ngành công nghiệp song song là các tổng đài lừa đảo qua điện thoại, với riêng công dân Mỹ đã mất hơn 10 tỷ USD cho các băng nhóm lừa đảo ở Ấn Độ vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Liên bang.

    Ajit Rajiaan, phó ủy viên cảnh sát ở Ahmedabad, người đã truy quét hàng chục hoạt động như vậy cho biết: “Tất cả những gì một kẻ lừa đảo cần là máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay, điện thoại, kết nối internet và dữ liệu, những thứ có sẵn trên thị trường chợ đen”.

    "Tổng đài lừa đảo có thể được điều hành từ một ngôi nhà, văn phòng hoặc bất cứ nơi nào”, ông cho biết thêm rằng gần như tất cả những người bị bắt đều là nam giới từ 18 đến 25 tuổi, có trình độ học vấn trung học hoặc đại học.

    Lời kể của nhân viên tổng đài lừa đảo: Thấp thỏm sợ bị bắt, nhận lương 7 triệu vẫn "cắn răng" làm vì một lý do cay đắng - Ảnh 2.

    Tương lai bấp bênh

    Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4, vượt qua Trung Quốc với hơn 1,43 tỷ người.

    Đây cũng là đất nước có dân số trẻ nhất, với hơn 40% dưới 25 tuổi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đủ để đáp ứng khoảng 12 triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm.

    Các nhà phân tích cho biết, những người trẻ tuổi có học thức buộc phải chuyển sang nền kinh tế tự do như giao thực phẩm và hàng tạp hóa, tổng đài lừa đảo, làm thêm trực tuyến và các công việc được trả lương thấp khác.

    Các công việc nói trên thường bấp bênh, ít được bảo vệ. Mohammed Ahmed, 21 tuổi, hiểu rõ điều này.

    Anh làm việc bán thời gian hơn hai năm cho Zomato và Swiggy, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất ở Ấn Độ, làm việc khoảng sáu giờ một ngày và kiếm được khoảng 10.000 rupee mỗi tháng khi học đại học.

    "Tôi sẽ không kiếm được việc làm chỉ với bằng Cử nhân. Tôi phải học lên Thạc sĩ. Nhưng ngay cả khi làm điều đó, tôi cũng không chắc mình có thể kiếm được một công việc được trả lương cao. Vì vậy, tôi cần công việc này để kiếm sống” - anh nói.

    Cũng giống như Saurav, Ahmed buộc phải tìm kiếm những công việc bán thời gian, tự do, chỉ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Không những chỉ được nhận mức lương thấp, họ cũng phải đối mặt với tình trạng mất việc bất kỳ lúc nào.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ