"Tại sao tôi phải tốn tiền kiếm bạn gái để rồi tự rước phiền phức trong khi có thể thoải mái là chính mình khi chơi game", anh Wang trần tình.
Trò chơi điện tử (game) vốn là điều thường thấy trong giới trẻ Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngày càng nhiều bạn trẻ thà tốn tiền chơi game còn hơn phải ra ngoài giao tiếp xã hội và kiếm bạn gái.
Sự trỗi dậy của người hướng nội
Trong khi cả thế giới phải gồng mình chống dịch Covid-19 với những lệnh cách ly, một bộ phận không nhỏ những người hướng nội tại Trung Quốc lại cảm thấy cuộc sống chẳng có gì thay đổi. Trên thực tế, rất nhiều người trẻ Trung Quốc thời nay có vấn đề về giao tiếp xã hội và họ thậm chí cảm thấy vui mừng khi được chính đáng ở nhà thay vì phải ra ngoài giao tiếp.
Một tấm hình vui mô tả vòng giao tiếp của giới trẻ Trung Quốc ngày nay
Một cuộc khảo sát của tờ China Youth Daily cho thấy khoảng 40,2% số thanh thiếu niên nước này cho biết họ gặp vấn đề khi phải giao tiếp xã hội. Một khảo sát khác của từ Guangming Daily thì cho thấy 97% số người được hỏi nói rằng họ cố gắng tránh né hoặc sợ hãi với các hoạt động xã hội.
"Mỗi lần tôi đăng cái gì lên mạng xã hội thì tôi chỉ mong mọi người bấm thích chứ đừng bình luận. Tôi đăng những thứ đó vì sở thích hơn là cố gắng giao tiếp với mọi người. Tôi không muốn thu hút sự chú ý hay những mối quan hệ không cần thiết", Giám đốc 26 tuổi Jancy Zheng của một công ty tâm sự.
Kể từ khi học đại học, cô Zheng đã nhận ra mình không thích phải giao tiếp với những người xung quanh. Bản thân cô nhận ra rằng những cuộc nói chuyện thường theo các mô típ cơ bản, dễ đoán và bó buộc trong những khung đạo đức áp đặt lên mọi người.
Việc phải giao tiếp cho đúng phép và có lệ khiến cô trở nên bất an, do đó cô Zhen không muốn tiếp xúc quá nhiều với người lạ mà thích sống theo ý muốn của mình hơn.
Hiện tượng sợ giao tiếp này ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Nhà văn nổi tiếng Chen Zijin vào năm 2020 cũng đã phát biểu rằng mình thuộc dạng người sống hướng nội.
"Viết lách là cách tốt nhất để tôi xây dựng sự nghiệp mà không phải tương tác với ai cả nhưng vẫn có thể tiếp xúc được với phim ảnh và truyền hình", anh Chen nhấn mạnh.
Nhà văn nổi tiếng này cho biết mình đã xóa toàn bộ ứng dụng mạng xã hội ngoại trừ dịch vụ tin nhắn WeChat để duy trì công việc kể từ khi trở nên nổi tiếng.
Chơi game còn hơn lấy vợ
Việc giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua Internet khiến họ nhận ra mình hoàn toàn bình thường khi không muốn hòa nhập với đám đông. Những ứng dụng trực tuyến ngày càng phổ biến, giao đồ ăn thay thế những cuộc hẹn tại nhà hàng, tin nhắn vẫn phổ biến hơn so với video chat.
Thậm chí, rất nhiều thanh thiếu niên ngày nay thà bỏ tiền chơi game, đắm mình trong thực tế ảo hơn là ra ngoài đường kiếm bạn gái.
Anh Wang Shi, một nhân viên văn phòng tại Thượng Hải-Trung Quốc có mức lương khoảng 5.000 USD/tháng cho biết phần lớn thu nhập của mình được dùng nạp game. Trái với cuộc sống tẻ nhạt đi làm về nhà chơi game, anh Wang cho biết mình quen biết được rất nhiều "anh em" tốt trong game, thậm chí còn kết hôn ảo với một đối tượng thông qua trò chơi.
"Tại sao tôi phải tốn tiền kiếm bạn gái để rồi tự rước phiền phức trong khi có thể thoải mái là chính mình khi chơi game", anh Wang trần tình.
Theo những khảo sát gần đây, giới trẻ Trung Quốc dành ngày càng nhiều thời gian cho điện thoại di động và công nghệ thay vì ra ngoài giao tiếp. Ngay cả những cặp đôi yêu nhau khi hẹn hò cũng không rời được chiếc điện thoại.
Lối sống vật chất khiến quan điểm về yêu đương và hôn nhân của các thanh thiếu niên khác rất nhiều so với những thế hệ trước đây.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn sống đi lên cùng thu nhập ngày một tăng khiến nhiều người cảm thấy thoải mái khi ngồi nhà chơi game hơn là phải cố gắng trở thành người khác, cố gắng kiếm bạn gái hay cố gắng thể hiện điều gì đó ở ngoài xã hội.
"Khi vấn đề có thể được giải quyết bằng dòng tin nhắn thì tôi sẽ không bao giờ gọi điện. Tôi cố gắng tránh nói chuyện trực tiếp với sếp mà làm việc thông qua điện thoại nhiều hơn", Chuyên gia chiến lược 30 tuổi Yuki Deng của một hãng công nghệ cho biết.
Cô Deng cho biết mình cảm thấy không thoải mái khi phải tiếp xúc với nhiều người. Cô luôn cố gắng tìm cớ buộc dây giày hay quay mặt đi tránh phải chào hỏi hay nói chuyện với đồng nghiệp hoặc người quen. Thậm chí những bữa tiệc cũng bị cô lấy cớ từ chối.
Không chí tiến thủ
Câu chuyện hướng nội, sợ giao tiếp hay nghiện game hơn bạn gái đang diễn biến ngày càng phức tạp ở Trung Quốc. Rất nhiều bạn trẻ có học thức cao, điều kiện gia đình tốt nhưng từ chối các công việc hấp dẫn chỉ để có thời gian chơi game hoặc sống cho bản thân.
Giới trẻ Trung Quốc ngày nay thích giao tiếp với màn hình hơn là người thật
Anh Sun Ping là con của một gia đình khá giả tại Trùng Khánh. Sau khi du học ở Anh về, anh Sun từ chối làm việc cho các tập đoàn quốc tế mà chọn một công việc nhàn hạ tại Quảng Đông. Bản thân anh Sun quyết định sống xa gia đình để được tự do.
Với mức lương vừa đủ, anh thuê một căn nhà trọ bình dân và mỗi năm chi chưa đến 20.000 Nhân dân tệ. Phần lớn thời gian anh Sun dùng để chơi game hoặc theo đuổi sở thích cá nhân mà chẳng quan tâm đến bạn gái hay những mối quan hệ xã hội khác.
"Tôi cảm thấy phát chán vì những công việc lặp đi lặp lại. Chưa có công việc nào tôi thấy ưng cả. Mà tại sao tôi phải cố tìm việc thay vì sống bình thường và tận hưởng cuộc sống?", anh Sun trần tình.
Trường hợp của anh Sun không hiếm khi ngày càng nhiều bạn trẻ hạ thấp chi phí vừa đủ cho chơi game hay các sở thích cá nhân, chọn những công việc tạm bợ bán thời gian hoặc nhàn hạ để có thể sống thoải mái trong xã hội. Những bạn trẻ này không quan tâm đến hình ảnh bản thân do đã có học vấn cao và xuất thân gia đình tốt.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện tượng này vô cùng nguy hiểm khi một bộ phận thanh thiếu niên sống không có lý tưởng. Họ được gia đình bao bọc từ bé và không tìm thấy ý nghĩa của công việc. Thậm chí đến ý nghĩa trong giao tiếp xã hội, dục vọng khác giới hay chuyện lập gia đình cũng chẳng thú vui cá nhân.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách 1 con nhằm tăng tỷ lệ sinh tạo thêm lao động cho nền kinh tế, thế nhưng với bộ phận ngày càng nhiều bạn trẻ thà chơi game còn hơn lấy vợ, thà ở nhà còn hơn kết bạn hiện nay thì mục tiêu trên có lẽ vẫn rất khó khăn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI