Lương duyên 20 năm giữa Apple - Trung Quốc: Không chuỗi cung ứng nào quan trọng hơn quốc gia tỷ dân, mối quan hệ đã hóa ‘cộng sinh’, bền chặt
Tim Cook để Apple ‘lún sâu’ vào Trung Quốc trong suốt 20 năm qua.
- Sếp Apple xác nhận nhiều người đang dùng iPhone sai cách
- Apple chính thức bị chính phủ Mỹ kiện: Apple phản ứng ra sao?
- CEO Jensen Huang giải thích tại sao NVIDIA sản xuất robot hình người, khẳng định công nghệ này sẽ tạo ra thêm việc làm
- Buồn cho nghề kỹ sư câu lệnh AI: Những tưởng sắp thành "vua nghề" mới, đã đối diện nỗi lo bị AI thay thế
- Nhà khoa học Trung Quốc tạo năng lượng sạch từ món đồ chơi cổ điển
Tim Cook là vị khách thường xuyên đến thăm Trung Quốc bất chấp bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng bởi đây được coi là thị trường trọng điểm kiêm cơ sở sản xuất khổng lồ. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Tim Cook đưa ra rất nhiều lời khen ngợi nồng nhiệt, đồng thời hứa sẽ đầu tư nhiều hơn vào quốc gia tỷ dân này.
“Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc”, Tim Cook nói và ca ngợi “sự hiện đại hóa, khả năng sản xuất trong các nhà máy Trung Quốc”.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, ông thừa nhận Apple sẽ cần đến sự giúp đỡ của đại lục để tạo ra tất cả các sản phẩm trung hòa carbon vào năm 2030. Bản thân công ty cũng đang đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo.
Chuyến thăm mới đây của Cook diễn ra trong bối cảnh doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm dù trước đây vốn đóng góp 21 tỷ USD vào doanh thu quý IV, tương đương 17%. Con số này thể hiện mức giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái và theo nhóm nghiên cứu Counterpoint, doanh số bán iPhone trong 6 tuần đầu năm nay đã giảm 24% so với một năm trước đó. Nguyên nhân một phần đến từ sự trỗi dậy của Huawei - tập đoàn hồi năm ngoái đã vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ để ra mắt chiếc điện thoại thông minh ‘cây nhà lá vườn’.
Trong tháng này, nhiều quan chức cho biết họ đang sử dụng điện thoại thương hiệu nội địa vì lo sợ iPhone có thể theo dõi mình. Cook và Apple muốn xoay chuyển định kiến trên. Công ty có trụ sở tại Cupertino tuần trước thông báo họ đang nâng cấp trung tâm nghiên cứu Thượng Hải, đồng thời mở phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến để nghiên cứu và thử nghiệm các dòng sản phẩm iPhone, iPad và Vision Pro. Hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc cũng song song được thực hiện.
Apple cho biết các dự án sẽ được xây dựng trên số tiền hơn 1 tỷ Rmb (140 triệu USD) mà hãng đã đầu tư vào các phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng Trung Quốc. Cook đã dành 1 ngày chỉ để gặp gỡ các nhà cung cấp Trung Quốc của Apple, bao gồm người đứng đầu nhà sản xuất ô tô điện BYD, các giám đốc điều hành của Lens Technology và Changying Precision Technology.
“Tôi rất vui khi được trở lại thành phố này”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, đồng thời dự kiến sớm mở cửa hàng bán lẻ thứ tám của Apple tại Thượng Hải.
Theo Financial Times, Cook để Apple ‘lún sâu’ vào Trung Quốc trong suốt 20 năm qua. Sau một thỏa thuận bí mật hồi năm 2016 nhằm đầu tư 275 tỷ USD vào nền kinh tế, lực lượng lao động và năng lực công nghệ Trung Quốc, iPhone đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất hành tinh.
Thực tế, Apple, dù là công ty Mỹ, nhưng lại ngày càng giống một doanh nghiệp Trung Quốc. Nguyên nhân một phần đến từ việc dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân và hơn nữa, 20% doanh thu lại đến từ đại lục.
“Chúng tôi không thể vui mừng hơn”, Cook cho biết tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh. “Apple và Trung Quốc . . . lớn lên cùng nhau và vì vậy đây là một kiểu quan hệ cộng sinh”.
Theo nhà nghiên cứu về chuỗi cung ứng Kevin O'Marah, Apple đã bắt đầu xây dựng chuỗi các hoạt động cung ứng, sản xuất phức tạp và tốn kém đến mức số phận của nhà sản xuất iPhone đã gắn liền với Trung Quốc và chúng không thể dễ tháo gỡ chút nào. Ngoài ra, trong hơn 15 năm qua, Apple cũng liên tục cử các nhà thiết kế sản phẩm và kỹ sư thiết kế sản xuất hàng đầu đến Trung Quốc, đồng thời đưa họ tới các cơ sở của đối tác cung cấp. Những nhân viên này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế quy trình, giám sát sản xuất và theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định của các nhà cung cấp.
Những năm gần đây, bất chấp căng thẳng địa chính trị, Apple vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất iPhone với Trung Quốc theo đó bị ‘để mắt’ chặt chẽ.
Nhiều người cho rằng trách nhiệm nằm ở Tim Cook. Điều này không hoàn toàn vô lý bởi kể từ trước khi kế nhiệm Steve Jobs, chính Tim Cook là người chủ đích chuyển hoạt động sản xuất từ Mỹ sang Trung Quốc. “Tất cả chuỗi cung ứng đều phụ thuộc vào một người là Tim Cook. Mớ hỗn độn này là lỗi của ông ấy”, một cựu nhân viên Apple nói.
Do phụ thuộc quá mức, Apple hồi năm ngoái quyết định dần chuyển hướng dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ giúp nới lỏng một chút mối quan hệ ‘cộng sinh’ bởi sợi dây gắn kết được cho là quá bền chặt. Trung Quốc vẫn là nút thắt quan trọng trong các dây chuyền sản xuất.
“Trung Quốc sản xuất ở quy mô lớn, trong khi hầu hết các nhà máy tại Ấn Độ chỉ có quy mô vừa và nhỏ do các quy định liên bang được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp này”, Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.
Theo: FT, BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương