Lý do tại sao game thủ Việt lại gọi Fire Emblem là "Mộc Đế"
Fire Emblem (Dấu ấn lửa), và Mộc Đế, rõ ràng là chẳng liên quan gì đến nhau. Vậy mà tại sao cứ nhắc đến Mộc Đế, là chúng ta lại nghĩ ngay đến Fire Emblem?
Nếu bạn đã từng có một tuổi thơ gắn bó với những chiếc máy "điện tử 4 nút" ngày xưa, có lẽ sẽ không xa lạ gì đến cái tên "Mộc Đế" - cái tên "dân dã" mà các game thủ Việt ngày trước dùng để gọi dòng game Fire Emblem thời bấy giờ. Thế nhưng, nguồn gốc cái tên "Mộc Đế", hay đầy đủ hơn, là "Mộc Đế Chiến Kỷ", lại là một câu chuyện hết đỗi xa lạ mà chẳng mấy người biết đến.
Monsho no Nazo - phiên bản Fire Emblem đầu tiên phổ biến tại Việt Nam
Bản thân chủ đề này, cũng đã từng được đưa ra thảo luận trong cộng đồng fan của Fire Emblem ở nhiều diễn đàn ngày trước. Bởi lẽ, game thủ Việt trước đây vốn có thói quen gọi tên game một cách "dân dã" theo hình ảnh của trò chơi, hoặc theo gameplay: như Battle City được gọi là "Xe tăng", Jackal thì mang tên "Xe jeep", hay gọi Nekketsu Koko Dodgeball Bu: Soccer Hen là "Đá bóng chưởng". Thế nhưng, Fire Emblem (Dấu ấn Lửa) và "Mộc Đế" lại không có sự liên quan rõ ràng như những tựa game kể trên.
Và cho đến nay, vẫn chưa có một thông tin chính xác nào về nguồn gốc thực sự của cái tên "Mộc Đế", mà chỉ là những giả thuyết do các fan của Fire Emblem đặt ra. Trong số đó, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất, được từ một thành viên với nickname "Như Thị Ngã Văn" đưa ra vào năm 2008, trên 3 diễn đàn tương đối nổi tiếng thời bấy giờ là GameVN, NintendoVN và Venonet. Rằng, nguồn gốc của tên gọi "Mộc Đế", hay "Mộc Đế Chiến Kỷ", không phải từ Fire Emblem, mà là từ một tựa game dàn trận chiến thuật khác do Enix Corporation (sau này trở thành Square Enix) phát hành vào năm 1993 - Jyutei Senki.
Jyutei Senki là cách đọc tiếng Nhật của 樹帝戦記 (Hán-Việt là Thụ Đế Chiến Ký). Nhưng do chữ Thụ (樹) và chữ Mộc (木) mang nghĩa gần giống nhau (là "cây"), nên thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Ngoài ra, lúc bấy giờ, mở các quán điện tử 4 nút là một hình thức kinh doanh tương đối phổ biến tại Việt Nam. Nhiều quán game còn có cả một danh sách các trò chơi được viết tay để khách đến dễ gọi, dễ biết. Nhiều khả năng, cũng là lúc này, mà Jyutei Senki - một trong những tựa game điện tử 4 nút nhập lậu vào Việt Nam theo ngạch Trung Quốc - trở thành "Mộc Đế Chiến Kỷ".
Thời bấy giờ, thể loại game chiến thuật là một khái niệm tương đối mới mẻ đối với các game thủ Việt Nam. Đa phần, những trò chơi mà chúng ta biết đến thời bấy giờ thường là game đi cảnh (như Contra, Rockman, Mario), bắn nhau (Xe tăng, Bắn ruồi), hay game thể thao (Đá bóng chưởng, đua xe Harley, bi-da), v...v... Và Jyutei Senki, trở thành một trong những game dàn trận chiến thuật đầu tiên của Nhật Bản xuất hiện trên mảnh đất hình chữ S. Nhiều địa phương, khi ấy gọi tắt Jyutei Senki là Mộc Đế 1.
Năm 1994, một năm sau khi Jyutei Senki ra đời, Nintendo phát hành phần thứ 3 của loạt game Fire Emblem với tên gọi "Fire Emblem: Monsho no Nazo". Khi tựa game này du nhập vào Việt Nam, mặc dù sở hữu lối chơi khác hoàn toàn với Jyutei Senki, nhưng do cùng thuộc thể loại dàn trận chiến thuật, cộng với việc ngoại ngữ lúc đó là điều không mấy phổ biến đối với chúng ta, mà "Fire Emblem: Monsho no Nazo" đã được gọi bằng một cái tên hết sức dân dã: "Mộc Đế 2".
Mặc dù là phiên bản thứ 3 của loạt game Fire Emblem, nhưng về khi Việt Nam, Fire Emblem: Monsho no Nazo lại được gọi là "Mộc Đế 2"
Và kể từ đó, các phiên bản tiếp theo của Fire Emblem cũng được các game thủ Việt "đánh số" tương tự, như Akania Senki là Mộc Đế 3, Seisen no Keifu là Mộc Đế 4, v...v... Phải mãi tới sau này, khi Internet bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, cùng với việc vốn ngoại ngữ của mọi người tốt hơn trước đây rất nhiều, dòng game Fire Emblem mới được "trả về đúng với cái tên của mình". Tuy nhiên, đối với thế hệ các game thủ 8x cũng như 9x đời đầu, thì "Mộc Đế", hay "Mộc Đế Chiến Kỷ" đã trở thành một cái tên hết đỗi quen thuộc và gắn liền với dòng game Fire Emblem.
Còn các bạn, cho rằng cái tên "Mộc Đế" là từ đâu mà ra? Hãy cùng chia sẻ ý kiến nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời