Lý do vì sao Messi lại đá trượt penalty, theo góc nhìn khoa học

    Lê Tuấn Anh,  

    Một nghiên cứu đã cho thấy cách các cầu thủ bỏ lỡ cú sút phạt quan trọng khá thú vị. Họ thường làm chính xác các lỗi mà họ cố gắng tránh.

    Mùa EURO 2016 và Copa America 2016 đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc sút penalty đầy xúc động. Một đội bóng có thể phải ra về vì trượt pha phạt đền và ngay cả cầu thủ có chuyên môn tốt đôi khi cũng bỏ lỡ thời khắc quan trọng này.

    Mới đây Lionel Messi cũng sút trượt loạt đá luân lưu trong trận chung kết Copa America và đội Argentina đã để thua Chile 2-4.

    Lúc tập luyện hoặc trong trận đấu ít quan trọng, một cầu thủ có thể cảm thấy khá dễ dàng ghi điểm với pha sút phạt. Nhưng với một trận đấu đầy áp lực như ở EURO 2016, khi mà sân vận động ngập tràn tiếng la hét từ người hâm mộ cùng sự chú ý của hàng trăm triệu người xem trên toàn thế giới, các cầu thủ thường bỏ lỡ cơ hội ghi bàn của mình.

    Một nghiên cứu đã cho thấy cách các cầu thủ bỏ lỡ cú sút phạt quan trọng khá thú vị. Họ thường làm chính xác các lỗi mà họ cố gắng tránh. Ví dụ, một cầu thủ đứng trước khung thành và thực hiện cú sút phạt và anh ta tự nhủ rằng “nhắm vào phía trái, nhưng đừng sút về phía trái”. Nhưng cuối cùng, anh ta lại sút chính xác vào phía trái. Hiện tượng này được gọi là “ironic error”.

    Messi cũng vậy, chắc hẳn cậu ấy đã tự nhủ "đừng sút lên trời, đừng sút lên trời" và...

    Tại sao lỗi này lại xảy ra?

    Để có thể đưa cơ thể vận động theo cách mong muốn, bộ não dựa vào hai quá trình: điều khiển và giám sát.

    Quá trình điều khiển chịu trách nhiệm xác định tất cả các bước để đạt kết quả mong muốn. Nếu bạn chuẩn bị sút penalty, quá trình này sẽ gồm việc tính số bước lùi lại, nghĩ đến vị trí muốn đưa bóng vào, chạy đà và sút.

    Cùng lúc đó, quá trình giám sát xảy ra một cách vô thức. Quá trình này hoạt động như một radar tìm kiếm thông tin về những điều có thể diễn ra sai như việc sút vào phía trái chẳng hạn. Một khi xác định được rủi ro nào đó, quá trình giám sát sẽ báo cho quá trình điều khiển để cố gắng tìm thêm thông tin giúp mọi việc theo đúng dự định. Cả hai quá trình làm việc cùng nhau tạo nên một vòng phản hồi.

    Hệ thống này thường hoạt động khá tốt và cung cấp cho chúng ta khả năng kiểm soát tinh thần để làm những việc chúng ta muốn làm.

    Nhưng trong một giải đấu, ví dụ như Copa America hay EURO 2016, không gian cần thiết cho quá trình điều khiển của não bộ làm việc lại bị tiêu thụ bởi những áp lực tinh thần. Khi đó, suy nghĩ "Tôi biết những gì tôi cần phải làm" (quá trình điều khiển) phải cạnh tranh với "Tôi lo lắng" (sự lo âu). Do đó quá trình điều khiển trở nên kém hiệu quả trong việc giúp các cầu thủ đạt được kết quả như ý.

    Mặt khác, quá trình giám sát phần lớn không bị ảnh hưởng bởi áp lực thi đấu. Nguyên nhân là bởi nó hoạt động ở mức độ tiềm thức, không đòi hỏi cần có không gian nhận thức. Và do đó quá trình giám sát thay vì giúp tránh các lỗi xảy ra như chức năng của mình thì lại đưa các lỗi này vào tiềm thức con người.

    Những cầu thủ dễ bị kích động tâm lý cũng dễ gặp phải ironic error hơn. Để che giấu sự lo lắng của mình khi phải chịu áp lực thi đấu, các cầu thủ thường dùng cách cố gắng để trở nên lãnh đạm hoặc tỏ ra thật ngầu, thật cool.

    Khắc phục sự cố

    Làm thế nào để cầu thủ có thể tránh ironic error? Đơn giản nhất là luyện tập kiểm soát sự lo lắng khi gặp áp lực bằng cách thư giãn thông qua việc sử dụng các kỹ thuật kiểm soát hơi thở, hoặc thả lỏng cơ bắp.

    Một cách khác là diễn đạt suy nghĩ tích cực thay vì tiêu cực. Thay vì nói với bản thân rằng "không được sút bên trái", anh ta nên nghĩ tới vị trí chính xác muốn tấn công chẳng hạn như “hãy sút vào góc trên bên tay phải cầu môn”.

    Dù sao thì Copa đã kết thúc và EURO 2016 vẫn đang tiếp tục. Chúng ta có thể chờ đợi để đón xem những tình huống đá phạt thú vị trong những trận đấu sắp tới.

    Theo iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ