Mặc dù chậm chân hơn Hoa Kỳ 60 năm, Nga vẫn lên kế hoạch đưa người tới Mặt Trăng

    Nova,  

    Cơ quan hàng không vũ trụ liên bang Nga dự tính sẽ đưa con người đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2029.

    Tại cuộc họp ngày 27/10 ở thủ đô Moscow, ông Vladimir Solntsev - người đứng đầu Cơ quan hàng không vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) cho biết hiện các nhà khoa học Nga đang chế tạo một tàu vũ trụ mới làm bằng vật liệu tổng hợp đặc biệt để thám hiểm Mặt Trăng cùng với sự hợp tác của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Roscosmos dự tính sẽ đưa con người đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2029, tức là chậm hơn Hoa Kỳ đúng 60 năm.

    Hai tuần trước, ESA cũng đã cho biết họ quan tâm tới việc tham gia kế hoạch đưa người lên Mặt Rrăng của Nga bằng cách cung cấp thông tin kỹ thuật quan trọng cho kế hoạch vào năm 2020 của Moscow. Theo đó, Nga dự định đáp tàu nghiên cứu Luna 27 lên vùng cực Nam của mặt trăng. Dự án Luna 27 nối tiếp chương trình thám hiểm mà Liên Xô từng triển khai từ giữa những năm 1970.

    Chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra năm 2021. Đến năm 2023, tàu thám hiểm Mặt trăng sẽ kết nối với Trạm không gian quốc tế (ISS). Năm 2025, Nga sẽ phóng tàu không người lái đầu tiên lên Mặt trăng và 4 năm sau sẽ đưa con người lên Mặt trăng. Ông Solntsev cho biết "chúng tôi phải lên Mặt Trăng", và việc này nhằm chuẩn bị cho chuyến bay lên Sao Hỏa trong tương lai.

    "Thế kỷ 21 là thế kỷ con người lập tiền đồn khai phá vũ trụ", giáo sư Igor Mitrofanov, người dẫn đầu dự án Luna 27, viện Nghiên cứu Không gian ở Moscow, cho biết. Sau thất bại của tàu Luna 1, ngày 14/9/1959, tàu vũ trụ Luna 2 của Nga đã va chạm với bề mặt Mặt trăng, trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên lên đến Mặt trăng. Thành công này cũng mở ra cuộc chạy đua căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

    Mười năm sau, vào ngày 20/7/1969, tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ đã đáp xuống Mặt trăng, trở thành tàu vũ trụ có người lái đầu tiên viếng thăm vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Mỹ sau đó còn đưa con người lên Mặt trăng 5 lần nữa, cho đến năm 1972. Ngày 9/8/1976, Nga phóng tàu Luna 24 lên Mặt trăng. Đây là tàu vũ trụ không người lái cuối cùng của nước này thực hiện sứ mệnh Mặt trăng và nó đã mang về Trái đất mẫu đất trên Mặt trăng. Dù vậy, Matxcơva chưa lần nào đưa được phi hành gia lên Mặt trăng.

    Ngoài ra, ông Bérengère Houdou, người đứng đầu nhóm thám hiểm Mặt Trăng của Trung tâm công nghệ và nghiên cứu vũ trụ châu Âu (Estec), cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết, đã có nhiều cuộc thảo luận cấp quốc tế được tổ chức để bàn bạc phương án trở lại Mặt Trăng. ESA cũng đang phát triển một thiết bị đổ bộ mới và mũi khoan gia cố, hy vọng sử dụng nó để nghiên cứu lớp băng trên Mặt Trăng. Họ cho rằng, phần cực nam chưa được khám phá ở Mặt Trăng, nơi nhiều vùng luôn chìm trong bóng tối, chứa băng đá - nguồn tài nguyên quan trọng trong tương lai.

    Trước đó, vào năm 2012, Roscosmos đã lên kế hoạch các hoạt động thăm dò không gian sẽ được thực hiện trong các giai đoạn 2015, 2020, 2030 và sau năm 2030. Năm 2020, Nga cũng sẽ đưa Luna-Glob (Lunar Sphere) và Luna-Resurs, 2 tàu vũ trụ không người lái lên nghiên cứu Mặt trăng. Tuy nhiên, thời gian khởi hành chưa được ấn định vì các chuyên gia đang xem xét lại công nghệ lắp đặt 2 con tàu này. Được biết, Luna-Glob và Luna-Resurs sử dụng công nghệ tương tự với Phobos Grunt, tàu vũ trụ được thiết kế để lấy mẫu đất đá từ một vệ tinh của Sao Hỏa song không thể kích hoạt được động cơ đẩy để thoát khỏi quỹ đạo của Trái đất sau khi được phóng lên. Theo các chuyên gia, công nghệ này không có khả năng bảo vệ con tàu khỏi sự tấn công của bức xạ vũ trụ.

    Kế hoạch hợp tác của ESA với Nga đang được Bộ trưởng liên minh châu Âu EU xem xét, chờ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm sau. Tuy nhiên, những thành viên hàng đầu của cả hai cơ quan không gian Nga và EU đều đã liên tiếng ủng hộ dự án.

    Tham khảo Space, ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ