Mãi trẻ trung, xinh đẹp và không có scandal: Lý do phía sau trào lưu ‘KOL ảo’ đang cực nổi ở Hàn Quốc
(Tổ Quốc) - Không phải con người, nhưng lại có hình dạng giống với con người và có thể làm mọi thứ mà con người không thể... đó chính là các KOL ảo được tạo ra bằng kỹ thuật số.
Rozy có hơn 130.000 người theo dõi trên Instagram, nơi cô thường đăng những bức ảnh về những chuyến phiêu lưu và du lịch thú vị của mình. Lớp trang điểm của cô ấy luôn hoàn hảo, không thể chê vào đâu được. Từ trang phục tới phụ kiện đi kèm của cô cũng chỉn chu và vô cùng hòa hợp. Cô ấy biết hát, nhảy và làm người mẫu - nhưng chẳng có thứ gì về cô là thật cả.
Rozy là một trong những "người có ảnh hưởng (Key Opinion Leader hay KOL) ảo” ở Hàn Quốc. Tức là một con người được hiển thị bằng kỹ thuật số, nhưng thực tế đến mức thường bị nhầm là làm bằng xương bằng thịt.
"Bạn có phải là người thực sự không?", một trong những người hâm mộ trên Instagram của cô đặt câu hỏi. "Bạn là AI? Hay robot?"
Theo công ty có trụ sở tại Seoul, đơn vị đã tạo ra cô ấy, thì Rozy là sự pha trộn của cả ba thứ, một người sống giữa cả thế giới thực và ảo.
“Cô ấy có thể làm mọi thứ mà con người không thể ... ở trong hình dạng giống con người nhất", Sidus Studio X cho biết trên trang web của mình. Và điều đó bao gồm việc mang về các khoản lợi nhuận lớn cho công ty trong lĩnh vực quảng cáo và giải trí trị giá hàng tỷ đô la.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, Rozy đã kiếm được nhiều hợp đồng thương hiệu và tài trợ, xuất hiện vô số lần trong các buổi trình diễn thời trang ảo và thậm chí đã phát hành hai đĩa đơn.
Và cô ấy không hề đơn độc.
Ngành công nghiệp "thần tượng ảo" đang bùng nổ và đi cùng với nó là cả một nền kinh tế hoàn toàn mới. Trong đó, những người có ảnh hưởng đến tương lai là những người không bao giờ già đi, không có scandal và luôn hoàn hảo về mặt kỹ thuật số. Và tại Hàn Quốc, một quốc gia từ lâu đã bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp hoàn mỹ, mọi thứ càng bùng nổ một cách mạnh mẽ.
Công nghệ CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra) đứng sau thành công của Rozy không phải là mới. Nó đã phổ biến khắp mọi nơi trong ngành công nghiệp giải trí ngày nay, cho phép các nghệ sĩ sử dụng để tạo ra các nhân vật phi thực tế trong các bộ phim, trò chơi máy tính và video âm nhạc.
Nhưng chỉ mới gần đây nó mới được sử dụng để tạo ra những KOL ảo.
Đôi khi, Sidus Studio X tạo ra hình ảnh của Rozy từ đầu đến chân hoàn toàn bằng công nghệ, để sử dụng cho hình ảnh đăng trên Instagram của cô. Lần khác, họ đặt đầu của cô ấy lên cơ thể của một người mẫu, chẳng hạn như khi cần cô ấy làm người mẫu quần áo.
Thương hiệu bán lẻ Lotte Home Shopping của Hàn Quốc cũng tạo ra một KOL ảo của riêng mình - Lucy, với hơn 78.000 người theo dõi trên Instagram - bằng một phần mềm thường được sử dụng cho các trò chơi điện tử.
Giống như các KOL là con người, những KOL ảo cũng xây dựng lượng người theo dõi thông qua mạng xã hội, nơi họ đăng các bức ảnh chụp về "cuộc sống" của mình và tương tác với người hâm mộ. Tài khoản Rozy cho biết cô đang "đi du lịch" đến Singapore và thưởng thức một ly rượu trên sân thượng trong một bộ trang phục bắt mắt khiến các fan trầm trồ.
Những người thuộc thế hệ cũ có thể coi việc tương tác với một người nhân tạo là việc “hơi kỳ quặc”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những KOL ảo đã và đang ngày càng có mối quan hệ hợp tác với những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, nhóm đối tượng thường dành phần lớn cuộc sống của họ trên mạng.
Lee Na-kyoung, 23 tuổi, sống ở Incheon, bắt đầu theo dõi Rozy khoảng hai năm trước vì nghĩ rằng cô ấy là người thật. Theo dõi rồi đôi khi bình luận về các bài đăng của Rozy, một tình bạn ảo giữa hai người đã nảy nở. Và nó vẫn tồn tại ngay cả sau khi Lee phát hiện ra sự thật.
"Chúng tôi giao tiếp như những người bạn và tôi cảm thấy thoải mái khi ở bên cô ấy - vì vậy tôi không coi cô ấy như một AI mà là một người bạn thực sự", Lee nói.
"Tôi thích nội dung của Rozy", Lee nói thêm. "Cô ấy xinh đến mức tôi không thể tin rằng cô ấy là một AI."
Mạng xã hội ngày nay không chỉ cho phép những người có ảnh hưởng ảo này xây dựng cơ sở người hâm mộ của mình, mà đó còn là một nơi mà các dòng tiền đổ vào.
Ví dụ, Instagram của Rozy được tích hợp các nội dung được tài trợ, cho phép cô ấy quảng cáo các sản phẩm thời trang và chăm sóc da.
“Nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc muốn sử dụng Rozy làm người mẫu”, Baik Seung-yup, Giám đốc điều hành của Sidus Studio X cho biết. "Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ dễ dàng kiếm được hơn hai tỷ won (khoảng 1,52 triệu USD), chỉ với Rozy."
Ông nói thêm rằng khi Rozy ngày càng nổi tiếng, công ty đã nhận được nhiều tài trợ hơn từ các thương hiệu xa xỉ như Chanel và Hermes, cũng như các tạp chí và các công ty truyền thông khác. Quảng cáo của cô ấy hiện đã xuất hiện trên truyền hình và thậm chí ở những không gian ngoại tuyến như biển quảng cáo và trên xe buýt.
Theo Lee Bo-hyun, giám đốc bộ phận kinh doanh truyền thông của Lotte Home Shopping, Lotte cũng kỳ vọng khoản lợi nhuận tương tự trong năm nay từ Lucy, KOL ảo đã nhận được lời mời quảng cáo từ các công ty tài chính và xây dựng.
Các chuyên gia cho biết, các KOL ảo đang có nhu cầu cao vì chúng giúp các thương hiệu dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng trẻ tuổi hơn. Khách hàng của Rozy bao gồm một công ty bảo hiểm nhân thọ và một ngân hàng, với các sản phẩm thường được coi là cho người lớn tuổi. “Nhưng họ nói rằng hình ảnh của họ đã trở nên rất trẻ trung sau khi làm việc với Rozy”, CEO Baik nói.
Và so với những ngôi sao ngoài đời thực, những thần tượng ảo mới này đòi hỏi mức chi phí thấp hơn nhiều.
Lotte và Sidus Studio X chỉ phải mất từ vài giờ đến vài ngày để tạo ra hình ảnh các ngôi sao của họ, và từ hai ngày đến vài tuần cho một video quảng cáo. Đó là ít thời gian và sức lao động hơn so với yêu cầu sản xuất một quảng cáo có người thật, bởi chúng có thể tốn hàng tuần hoặc hàng tháng để tìm địa điểm và chuẩn bị vấn đề hậu cần như ánh sáng, tóc và trang điểm, tạo kiểu, phục vụ và chỉnh sửa hậu kỳ.
Có lẽ một điều cũng quan trọng không kém là những KOL ảo không bao giờ già đi, không bao giờ mệt mỏi hoặc muốn tranh cãi bất cứ điều gì.
Lee cho biết Lotte đã quyết định chọn một KOL ảo sau khi xem xét cách để tối đa hóa một người dẫn chương trình. Ban đầu, Lotte Home Shopping muốn thuê một người dẫn chương trình để quảng cáo sản phẩm trên TV, nhưng kế hoạch này "tốn khá nhiều chi phí" và "sẽ có những thay đổi khi họ già đi theo thời gian", Lee nói. Sau đó, họ đã tìm ra Lucy, người sẽ "mãi mãi ở tuổi 29."
"Lucy không bị giới hạn về thời gian và không gian", ông nói thêm. "Cô ấy có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Và không có vấn đề gì về đạo đức."
Hàn Quốc không phải là nơi duy nhất thu hút những KOL ảo.
Một trong số những KOL ảo nổi tiếng nhất thế giới là Lil Miquela, được tạo ra bởi một công ty khởi nghiệp công nghệ của Mỹ. Cô đã trở thành đại diện của một loạt các thương hiệu bao gồm Calvin Klein và Prada, hiện có hơn 3 triệu người theo dõi trên Instagram. Một gương mặt nổi bật khác là Lu of Magalu, được tạo ra bởi một công ty bán lẻ Brazil, với gần 6 triệu người theo dõi trên Instagram. Hay FNMeka, một rapper được tạo ra bởi công ty âm nhạc Factory New, với hơn 10 triệu người theo dõi trên TikTok.
Nhưng có một điểm khác biệt lớn, theo Lee Eun-hee, giáo sư tại khoa Khoa học Tiêu dùng của Đại học Inha Hàn Quốc, đó là những KOL ảo ở các quốc gia khác có xu hướng phản ánh sự đa dạng về nguồn gốc dân tộc và vẻ đẹp lý tưởng. Tức là trong khi họ có tính độc đáo riêng, thì các KOL ảo ở Hàn Quốc luôn được tạo ra với sắc đẹp và sự xinh xắn theo… tiêu chuẩn quốc gia.
Hàn Quốc thường được mệnh danh là "thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới", nên có những lo ngại cho rằng những KOL ảo có thể tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn làm đẹp phi thực tế này trở nên phổ biến.
Hệ quả của nó là những người trẻ tuổi Hàn Quốc đã bắt đầu chống lại những lý tưởng này trong những năm gần đây. Ví dụ như một phong trào vào năm 2018 khuyến khích các phụ nữ trẻ phá hủy các sản phẩm trang điểm và làm đẹp đắt tiền, hoặc cắt tóc ngắn trước khi đăng ảnh lên mạng xã hội.
Nhưng quan điểm chung về một người được coi là đẹp ở quốc gia này vẫn bị cho là hạn hẹp. Đối với phụ nữ, điều này thường có nghĩa là một dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt to, khuôn mặt nhỏ và làn da trắng.
Và những đặc trưng này cũng đang được chia sẻ bởi hầu hết những KOL. Lucy có làn da hoàn hảo, mái tóc dài bóng mượt, quai hàm thon gọn và chiếc mũi cao. Rozy thì có đôi môi đầy đặn, đôi chân dài miên man và phần bụng phẳng lì thường lấp ló dưới chiếc áo crop-top.
Giáo sư Lee Eun-hee cảnh báo rằng những người có ảnh hưởng ảo như Rozy và Lucy có thể khiến các tiêu chuẩn sắc đẹp vốn đã khắt khe của Hàn Quốc càng trở nên khó đạt được hơn. Và điều này sẽ làm tăng nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ hoặc sử dụng các sản phẩm thẩm mỹ ở những phụ nữ đang tìm cách bắt chước họ.
"Phụ nữ thực sự muốn trở nên giống họ, và đàn ông muốn hẹn hò với những người có ngoại hình như vậy", cô nói.
Tuy nhiên những người tạo ra Rozy và Lucy bác bỏ những quan điểm chỉ trích như vậy.
Đại diện của Lotte, Lee Bo-hyun cho biết họ đã cố gắng tạo ra Lucy không chỉ là một "nhân vật xinh đẹp", bằng cách xây dựng một câu chuyện và tính cách đặc trưng phía sau một cách công phu. Cụ thể, cô học về thiết kế công nghiệp và làm việc trong lĩnh vực thiết kế xe hơi. Cô ấy cũng thường đăng về công việc và sở thích của mình, chẳng hạn như tình yêu với động vật và món kimbap.
“Theo cách này, Lucy đang phấn đấu để có một ảnh hưởng tốt tới xã hội", Lee nói thêm. "Cô ấy đang đưa ra thông điệp cho công chúng rằng 'hãy làm những gì bạn muốn làm, dựa theo niềm tin của chính mình’".
Còn theo Baik, CEO Sidus Studio X, cho biết Rozy không phải là kiểu người "ai cũng có thể gọi là xinh đẹp". Bởi công ty đã cố tình làm cho vẻ ngoài của cô trở nên độc đáo và khác với các quy chuẩn truyền thống của Hàn Quốc. Ví dụ như những đốm tàn nhang trên má và đôi mắt luôn mở to của cô.
“Rozy cho mọi người thấy tầm quan trọng của sự tự tin từ bên trong”, ông nói thêm. "Có những KOL ảo khác rất xinh đẹp... nhưng chúng tôi đã tạo ra Rozy để chứng tỏ rằng bạn vẫn có thể xinh đẹp ngay cả khi không có một khuôn mặt hấp dẫn theo tiêu chuẩn thông thường."
Nhưng sự quan tâm với KOL ảo đã vượt ra ngoài các tiêu chuẩn về vẻ đẹp của Hàn Quốc. Ở những nơi khác trên thế giới, nhiều tranh luận đang diễn ra về vấn đề đạo đức của việc tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng bằng các mô hình không phải là con người, cũng như nguy cơ chiếm đoạt văn hóa khi tạo ra những KOL ảo thuộc các sắc tộc khác nhau.
Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, có hơn 200 KOL ảo trên nền tảng của mình, đã thừa nhận những rủi ro của vấn đề này.
"Giống như bất kỳ công nghệ đột phá nào, các phương tiện truyền thông tổng hợp có khả năng gây ra cả điều tốt và có hại. Các vấn đề về đại diện, chiếm đoạt văn hóa và tự do thể hiện đã là mối quan tâm ngày càng tăng", công ty cho biết trong một bài đăng trên blog. Meta cũng nói rằng họ đang phát triển một “khuôn khổ đạo đức” để hướng dẫn việc sử dụng các KOL ảo này.
Nhưng có một điều rõ ràng, đó là một ngành công nghiệp đã tồn tại ở đây. Khi sự quan tâm đến thế giới kỹ thuật số bùng nổ - từ metaverse đến tiền tệ kỹ thuật số - các công ty cho rằng những KOL ảo chính là biên giới tiếp theo.
Lotte đang hy vọng Lucy sẽ chuyển từ lĩnh vực quảng cáo sang giải trí, có lẽ bằng cách xuất hiện trong một bộ phim truyền hình. Công ty cũng đang nghiên cứu về một KOL ảo sẽ thu hút những người mua sắm ở độ tuổi 40 đến 60.
Sidus Studio X cũng có tham vọng lớn của riêng mình. Rozy sẽ ra mắt thương hiệu mỹ phẩm cá nhân vào tháng 8, cũng như một NFT (mã thông báo không thể thay thế) và thậm chí công ty hy vọng sẽ tạo ra một nhóm nhạc pop ảo để chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc.
CEO Baik chỉ ra rằng hầu hết người hâm mộ không gặp trực tiếp những người nổi tiếng thực sự mà chỉ nhìn thấy họ trên màn hình. Vì vậy, "không có sự khác biệt lớn giữa con người ảo và những người nổi tiếng ngoài đời thực mà họ thích", ông nói.
“Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức về cách mọi người nghĩ về con người ảo”, Baik nói thêm. "Những gì chúng tôi làm không phải là lấy đi công việc của mọi người, mà là làm những việc mà con người không thể làm, chẳng hạn như làm việc suốt 24 giờ hoặc tạo ra những nội dung độc đáo như… đi dạo trên bầu trời.”
Tham khảo CNN, Sixthtone
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?