Màn hình tần số quét 120Hz cho điện thoại: Xu hướng tương lai hay chỉ là tính năng thừa thãi?
Cộng đồng game thủ giờ đây đã vô cùng quen thuộc với những chiếc màn hình máy tính tần số quét 120Hz hay 144Hz, thậm chí có người còn coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn màn hình chơi game. Thế nhưng liệu 120Hz ở màn hình điện thoại có trở thành yêu cầu quan trọng trong tương lai?
Khi nói về tương lai của màn hình điện thoại, sự chú ý thường đổ dồn về xu hướng thiết kế điện thoại không viền cùng màn hình OLED, cùng với tiềm năng phát triển của những chiếc điện thoại có thể gập lại hoặc bẻ cong được. Ngoài ra còn một xu hướng nữa tuy ít được nhắc đến nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của giới công nghệ, đó là màn hình điện thoại có tần số quét cao.
Đã qua rồi cái thời mà chỉ 24 khung hình/giây là đủ.
Câu chuyện về những chiếc điện thoại có tần số quét cao bắt đầu từ hồi đầu năm nay, khi Apple giới thiệu chiếc iPad Pro cũng màn hình ProMotion với tần số quét 120Hz, cho phép người sử dụng có được trải nghiệm mượt mà nhất khi phóng to hình ảnh hoặc đọc những đoạn văn bản dài.
Nhận thấy tiềm năng của việc sử dụng màn hình tần số quét cao để phục vụ trải nghiệm game trên điện thoại di động, Razer đã quyết định nhắm thẳng vào loại sản phẩm này khi đặt chân vào mảng thị trường di động thông minh. Đây có thể coi là một nước đi khá khôn ngoan, vì hiện tại có rất ít những chiếc điện thoại di động sở hữu màn hình tần số quét lớn hơn 60Hz. Với chiếc điện thoại Razer Phone, hãng đã sử dụng tấm màn IGZO hỗ trợ công nghệ Ultra Motion - phiên bản điện thoại của công nghệ G-Sync do NVIDIA phát triển. Công nghệ này đồng bộ tần suất hình ảnh xuất ra màn hình với hình ảnh do chip đồ họa xử lý, nhờ vậy khiến màn hình có thể đạt tần số quét trong khoảng 10-120Hz, loại bỏ hoàn toàn tình trạng xé hình khi chơi game.
Rõ ràng là những chiếc màn hình 120Hz hay 144Hz cho hình ảnh mượt mà hơn rất nhiều; cũng như ảnh hưởng không ít tới khả năng của các game thủ chuyên nghiệp - đó chính là lý do tại sao các game thủ eSport chuyên nghiệp nay đã chuyển hết sang thi đấu trên những chiếc màn hình 144Hz. Tuy nhiên, ở môi trường điện thoại thông minh thì đây vẫn còn là dấu hỏi lớn: liệu điện thoại thông minh có cần phải có khả năng hiển thị nhiều hơn 60 khung hình mỗi giây hay không?
Một trong những vấn đề khiến cho việc màn hình tần số quét cao không thực sự có ý nghĩa trong thế giới điện thoại thông minh hiện tại chính là ở việc có nhiều ứng dụng chạy dưới 60fps - tức là màn hình có tần số quét cao hơn nữa cũng chẳng thế nào khiến những ứng dụng này chạy nhanh lên được. Đây là vấn đề thuộc về nội dung phần mềm mà cả Android lẫn iOS đều gặp phải. Còn về mặt phần cứng, trên thực tế dòng chip Snapdragon 8xx, cũng như chip Kirin 960 của HiSilicon, hay một số hệ thống chip cao cấp khác của MediaTek đã hỗ trợ được những chiếc màn hình 120Hz.
Tuy vậy, nhưng hầu hết các ứng dụng cũng như chính bản thân chiếc điện thoại đều "khóa" tần số quét xuống 60Hz để đảm bảo tính ổn định của ứng dụng, cũng như tránh xảy ra tình trạng xé hình khi phần cứng không đủ. Do đó, việc đầu tiên mà Razer làm khi phát triển chiếc điện thoại của hãng là làm việc với một số nhà phát triển game trên điện thoại di động để đẩy fps của game lên cao, từ đó tận dụng tối đa khả năng của một chiếc màn hình tần số quét 120Hz.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy việc sử dụng màn hình tần số quét cao đến từ nhu cầu của các ứng dụng thực tế ảo. Tần số quét cao cũng đồng nghĩa với việc giảm độ trễ đầu vào của người sử dụng (miễn là phần cứng của thiết bị đủ mạnh), và loại bỏ tình trạng xé hình sẽ giải quyết tình trạng chóng mặt khi ở trong môi trường thực tế ảo.
Bên cạnh đó, công nghệ đồng bộ tần số quét của màn hình với đầu ra của GPU cũng có thể giúp tiết kiệm pin, khi tự động giảm tần số quét màn hình với những ứng dụng chạy ở tốc độ khung hình thấp.
Trong cuộc đua về tần số quét thì Google vẫn đang đi sau một chút, khi Gear VR vẫn đang kẹt ở 60Hz, còn Google Daydream đang bị giới hạn về mặt phần cứng bởi những thiết bị được kết nối. Trong khi đó, Oculus Rift và HTC Vive đều đã đạt đến tần số quét 90Hz.
Vậy 120Hz cho điện thoại thông minh có cần thiết hay không?
Màn hình tần số quét cao hết sức thành công đối với thị trường máy tính hiện tại, và nhiều khả năng trong tương lai chúng ta cũng sẽ thấy nhiều chiếc điện thoại thông minh tiến tới công nghệ này hơn nữa. Chiếc iPad mới nhất của Apple, dòng sản phẩm Aquos của Sharp, và chiếc điện thoại mới của Razer nhiều khả năng sẽ trở thành những người tiên phong cho xu hướng mới này của màn hình điện thoại.
Xét về điều kiện phần cứng, những chiếc điện thoại cao cấp nay đều đã đủ khả năng, vậy nên phần còn lại nằm ở những nhà phát triển ứng dụng mà thôi. Công nghệ này chắc chắn hết sức quan trọng đối với các ứng dụng thực tế ảo, tuy nhiên nếu muốn 120 Hz hay cao hơn trở thành một chuẩn mới cho màn hình điện thoại thì lại là một câu chuyện khác. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc thị trường phổ thông có tiếp nhận công nghệ này hay không, cũng như VR trong tương lai phổ biến đến như thế nào - và đây có lẽ vẫn là một câu hỏi còn được bỏ ngỏ trong vài năm tới.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập