Mánh khóe 'trốn việc' giúp coder Gen Z chỉ bỏ 1 giờ/ngày để làm, vẫn ung dung nhận lương khủng 3,5 tỷ đồng/năm
Devon là điển hình của một nhân sự thuộc thế hệ Gen Z, vốn sẽ chỉ làm việc ở mức tối thiểu trong công việc và bảo toàn tâm trí thực sự của mình cho những điều khơi dậy niềm đam mê của bản thân.
Là một trong những ông lớn của ngành công nghệ thế giới, Google trả lương rất hậu hĩnh cho nhân viên của mình. Theo một bảng lương bị rò rỉ hồi tháng 7, những nhân sự có thu nhập cao nhất (trong bảng tính lương) tại Google là các kỹ sư phần mềm, với mức lương cơ bản lên tới 718.000 USD cho nhân sự được xếp bậc lương cấp 7.
Đáng nói, ở bất kì môi trường công sở nào, lương cao cũng đi kèm với trách nhiệm lớn, khi các nhân sự được đãi ngộ tốt sẽ phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở Google, chí ít với một kĩ sư phần mềm 20 tuổi được tờ Fortune đặt biệt danh là Devon nhằm bảo mật danh tính. Với mức thu nhập lên tới 150.000 USD/năm (tức khoảng 3,5 tỷ đồng), coder thuộc thế hệ GenZ này lại chỉ dành ra ít tiếng làm việc mỗi tuần, trong khi dành ra phần lớn thời gian làm việc riêng bên ngoài.
Chỉ làm một tiếng mỗi ngày mà không ai phát hiện
Lịch trình một ngày của Devon cũng khá nhàn nhã. Coder GenZ này thường thức dậy vào lúc 9 giờ sáng, tắm rửa và nấu bữa sáng, sau đó làm việc đến 11 giờ sáng hoặc trưa. Thời gian còn lại trong ngày, Devon làm việc cho công ty khởi nghiệp của mình.
Với mức lương hơn 2.000 USD một tuần, tức hơn 8000 USD/tháng, Devon lại chỉ làm việc khoảng 1 tiếng/ngày và hiếm khi đến văn phòng của Google, mặc cho điều này là bắt buộc.
Trên thực tế, Devon đã sử dụng một vài 'mánh khóe' nhằm đánh lừa cấp trên tưởng rằng mình đang làm việc chăm chỉ. Quy tắc ứng xử của Google yêu cầu người lao động ghi lại số giờ làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, không một ai tại Google phát hiện ra Devon chỉ dành 5 tiếng làm việc một tuần, khi coder này vẫn hoàn thành tốt công việc của mình trong thời gian ngắn để tránh bất kỳ cuộc kiểm tra chặt chẽ nào — hoặc tự gánh thêm các nhiệm vụ bổ sung.
Chẳng hạn, Devon thường bắt đầu tuần bằng cách lập trình cho "một phần khá lớn" của bất kỳ task (hay nhiệm vụ) nào được cấp trên giao cho, trước khi gửi nó cho người quản lý của mình. Nếu ai đó bắt đầu nghi ngờ, coder trẻ tuổi này sẽ gửi một đoạn code mà mình đã cất giấu từ trước.
Điều này "về cơ bản đảm bảo" công việc tại Google của Devon sẽ thuận buồm xuôi gió trong thời gian còn lại của tuần, khi quản lý trực tiếp của anh thậm chí còn không tỏ ra nghi ngờ. Có lần, Devon thậm chí còn du lịch tới Hawaii trong suốt một tuần mà không cần xin nghỉ phép.
Devon cũng tự coi mình là một trong số hàng nghìn nhân viên công nghệ, những người mà họ thừa nhận bản thân được trả tiền để không phải làm gì cả. Theo Vijay Govindarajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Tuck của Dartmouth, trong thời kỳ bùng nổ kinh doanh vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, các công ty như Meta, Google và Salesforce đã "tuyển dụng trước nhu cầu".
Theo đó, các công ty Big Tech sẽ cố gắng 'vơ vét' ngày càng nhiều nhân sự càng tốt, nhằm đón đầu trước thời điểm một giai đoạn tăng trưởng kéo dài tiếp theo sẽ diễn ra. Tuy nhiên, chiến lược này cũng dẫn tới hệ quả. Nhiều người được tuyển dụng luôn trong tâm thế mòn mỏi chờ đợi những công việc không bao giờ được giao. Một cuộc thăm dò năm 2021 trên diễn đàn nơi làm việc ẩn danh Blind tiết lộ rằng một phần ba nhân viên công nghệ làm việc chưa đến một nửa thời gian trong ngày làm việc.
Đây chính xác là những gì đã xảy ra ở Google, khi các nhà lãnh đạo của tập đoàn này chỉ "mua chuộc tất cả những người có thể để họ không chuyển sang công ty khác để phát triển một sản phẩm cạnh tranh với Google", theo Devon.
Khi Google sa thải 12.000 người vào tháng 1, Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai đã viết rằng công ty đã "tuyển dụng cho một thực tế kinh tế khác với thực tế kinh tế mà chúng ta phải đối mặt ngày nay" và sẽ chỉ tập trung vào việc tuyển dụng "những vai trò quan trọng" trong tương lai.
Vì sao nhân sự GenZ lại không toàn tâm toàn trí cho công việc?
Tuy nhiên, giữa những đợt sa thải căng thẳng và doanh số bán hàng sụt giảm trong toàn ngành công nghệ, nhiều người được tuyển dụng vẫn không có nhiều việc phải làm. Sự tự do đó đã khiến một số người, như Devon, quyết định mở rộng các giới hạn bên ngoài.
"Tôi muốn tìm kiếm thứ gì đó mà tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân, vì vậy tôi đã tìm đến Google," chàng trai 20 tuổi giải thích.
Về cơ bản, Devon là điển hình của một nhân sự thuộc thế hệ Gen Z, vốn sẽ chỉ làm việc ở mức tối thiểu trong công việc và bảo toàn tâm trí thực sự của mình cho những điều khơi dậy niềm đam mê của bản thân. Trong trường hợp của Devon, coder này muốn tận hưởng thời gian rảnh rỗi và dành một ngày làm việc kéo dài tám giờ cho startup mà Devon xây dựng cùng với một người bạn cùng ngành.
Lý giải cho thái độ làm việc có phần 'ăn cắp thời gian' của mình, Devon khẳng định bản thân không còn muốn làm việc chăm chỉ sau khi chứng kiến nhiều trường hợp đồng nghiệp làm việc tới khuya nhưng vẫn không được thăng tiến tại Google
"Không phải cứ chăm chỉ là bạn sẽ được thăng chức", Devon nói. "Nếu tôi muốn làm việc nhiều giờ, tôi sẽ làm việc ở một công ty khởi nghiệp. Hầu hết mọi người chọn Google vì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và những lợi ích".
Sự ra đời của hình thức làm việc từ xa cũng mang lại nhiều tự do hơn cho những người lao động như Devon, những người đang hy vọng tăng gấp đôi công việc để tối đa hóa lợi nhuận. Một báo cáo gần đây của Monster cho thấy gần một nửa số nhân sự làm nhiều hơn một công việc toàn thời gian, mặc dù đối với hầu hết những nhân sự đó, công việc đó là để trang trải cuộc sống.
Devon là một trường hợp đặc biệt. Coder này đã kiếm được số tiền đủ để trang trải cuộc sống của mình, nhưng vẫn đang chờ đợi thời gian cho đến khi có thể tự lập mà không cần làm công việc thứ hai. Bản thân coder này cũng không tỏ ra quá lo lắng nếu các mánh khóe của mình một ngày nào đó bị phát hiện và cho thôi việc.
"Trong trường hợp bị Google cho thôi việc, tôi vẫn nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp hậu hĩnh, đủ để trả tiền nhà trong một năm và tìm công việc mới", Deven nói.
Khá thú vị, mặc dù bản thân đã lên kế hoạch rời khỏi Google để tập trung vào startup của mình, Devon vẫn lên kế hoạch quay trở lại công ty cũ nếu gặp thất bại, trong bối cảnh Google vẫn có chính sách tuyển dụng lại những nhân sự cũ của mình.
Tham khảo Fortune (lược dịch)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI