Mark Zuckerberg chịu áp lực từ chính phủ Mỹ và Châu Âu vì làm lộ dữ liệu 50 triệu người dùng

    KON,  

    Các quan chức chính phủ ở Mỹ và châu Âu đang yêu cầu câu trả lời từ phía Facebook, sau khi có nhiều báo cáo rằng Cambridge Analytica, một công ty quảng cáo-dữ liệu có nhiều hoạt động trong cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016, đã giữ lại thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý từ phía người dùng.

    Vào cuối tuần vừa qua, nhiều lời phàn nàn gửi đến Facebook đòi công ty phải chịu trách nhiệm, và CEO của Facebook, anh Mark Zuckerberg, đã phải gặp mặt các nhà chức trách. Từ trước đến nay, mặc dù Facebook đã nhiều lần gặp phải các vụ việc tương tự, song đây là lần đầu tiên mà chính Zuckerberg phải họp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới. Áp lực này có thể cho thấy trong tương lai, sẽ có nhiều quy định kiểm soát mạng xã hội này hơn.

    Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đã phát biểu trên Twitter vào hôm thứ bảy: "Rõ ràng rằng những nền tảng này không thể tự mình kiểm soát được. Họ nói rằng: "Hãy tin chúng tôi." Mark Zuckerberg sẽ cần phải làm chứng trước Toà án Nhân quyền Thượng viên." Bộ trưởng tư pháp Massachusetts Maura Healley cũng đã bắt đầu thực hiện một cuộc điều tra riêng.

    Vào hôm thứ sáu, công ty cho biết rằng một vị giáo sư đã sử dụng công cụ đăng nhập của Facebook để yêu cầu mọi người đăng ký cho một "ứng dụng phân tích nhân cách" mà ông đã tự mình thiết kế cho mục đích giáo dục. Để làm bài kiểm tra này, 270.000 người đã cho phép ứng dụng truy cập dữ liệu của mình và bạn bè của mình thông qua Facebook, và đã làm lộ ra cả một mạng lưới với 50 triệu người, theo tờ New York Times. Loại truy cập đó không được các luật lệ của Facebook cho phép vào thời điểm đó. Sau đó, vị giáo sư còn tiếp tục vi phạm các điều luật của Facebook khi ông này đã gửi thông tin đó Cambridge Analytica.

    Facebook đã phát hiện ra vụ vi phạm vào năm 2015, và đã chặn truy cập của giáo sư. Họ cũng đã yêu cầu Cambridge Analytica phải chứng nhận là họ đã xoá đi dữ liệu của người dùng. Sau đó, mạng xã hội này chỉ đình chỉ Cambridge ra khỏi hệ thống của nó, với lí do là Facebook đã phát hiện ra rằng thông tin đó vẫn chưa được xoá. Cambridge vào hôm thứ bảy đã từ chối rằng họ đã có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng, và cho biết họ đang làm việc với Facebook để tìm ra một giải pháp.

    Một nhà nghiên cứu, người đã làm việc với vị giáo sư để phát triển ứng dụng, giờ đang là một nhân viên của Facebook. Hiện anh này đang được điều tra xem liệu anh có biết gì về vụ rò rỉ dữ liệu hay không.

    Những lời phủ nhận và trốn tránh trách nhiệm đã không khiến dư luận dịu đi chút nào. Damian Collins, một nhà lập pháp người Anh, vào hôm chủ nhật đã cho biết rằng Zuckerberg hay một nhà quản lý cấp cao khác nên xuất hiện trước uỷ ban của anh ta vì từ trước đến nay, Facebook liên tục "tạo ra một sự trấn an giả tạo rằng các chính sách của Facebook luôn được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả."

    Theo các nhà phân tích Daniel Ives từ GHB Insights, một vài tuần tới sẽ là một thời khắc quyết định cho Facebook, để họ có thể trấn an người dùng và các quan chức về các tiêu chuẩn nội dung và an ninh của nền tảng này, và từ đó để có thể ngăn chặn được các luật có thể được ban hành, gây ảnh hưởng đến kinh doanh quảng cáo của mạng xã hội này.

    Ives viết trong một thông báo đến các nhà đầu tư: "Những thay đổi về mô hình kinh doanh xung quanh việc quảng cáo và nội dung/news feed có thể sẽ được ra mắt trong vòng 12 đến 18 tháng tới."

    Trong khi đó, Facebook cũng đang tìm cách để giải thích rằng những sai sót trong việc sử dụng dữ liệu người dùng là hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của họ, và điều đó không có nghĩa là "vi phạm" theo định nghĩa của Hội đồng thương mại Liên bang.

    Facebook không còn cho phép các nhà phát triển ứng dụng yêu cầu truy cập dữ liệu của bạn của người dùng, Tuy nhiên, theo Nuala O'Connor, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ, việc sử dụng thông tin không hợp lý đã làm nảy sinh những câu hỏi rằng liệu các công ty có thể tin tưởng được đến mức nào trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.

    O'Connor cho biết: "Mặc dù việc lạm dụng dữ liệu không có gì mới, cái vấn đề quan trọng là cách mà những thông tin tưởng chừng như rất nhỏ nhặt về các cá nhân có thể được dùng để quyết định những thông tin mà họ nhìn thấy và gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ một cách sâu sắc. Công nghệ truyền thông đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không thể kiểm soát được thông tin của chính mình, những công nghệ này sẽ kiểm soát chúng ta."

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ