Mark Zuckerberg đã code Jarvis, trợ lý cho gia đình mình thế nào?

    PV,  

    CEO Facebook yêu thích code. Và Jarvis là dự án mới đặc biệt của Mark Zuckerberg - nó có thể chơi nhạc, nướng bánh và thỉnh thoảng khiến vợ anh thấy phiền.

    Khi các kỹ sư mới gia nhập Facebook – bất kể là sinh viên mới ra trường hay là kỹ sư kỳ cựu, cấp cao – đều phải dành 6 tuần đầu tiên ở Bootcamp, một chương trình chuyên sâu được thiết kế để giúp nhân viên mới của Facebook nắm bắt được tất cả cơ sở mã nguồn khổng lồ và bộ công cụ lập trình luôn phát triển của hãng.

    Mark Zuckerberg, kỹ sư phần mềm gốc của Facebook, có đóng góp vào cơ sở mã nguồn đó nhiều hơn bất kỳ ai trong những năm đầu tiên của Facebook. Song vị CEO 32 tuổi này không bao giờ phải trải qua chương trình Bootcamp được khởi xướng từ năm 2006, hai năm sau khi Zuckerberg lập Facebook ở ký túc xá Đại học Harvard.

    Tháng Một năm ngoái, Zuckerberg tuyên bố anh có kế hoạch phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý gia đình mình qua việc sử dụng các công cụ của Facebook, coi đó là một thách thức anh đặt ra cho chính mình. Một cuộc khám phá thú vị về sự hiện đại của AI - một lĩnh vực công nghệ thiết yếu đối với tương lai của Facebook – cũng buộc Zuckerberg phải làm mới lệnh về các công cụ và tiến trình lập trình của mình. Điều đó hoá ra lại tái kết nối anh với kinh nghiệm hằng ngày của hàng ngàn lập trình viên anh đang quản lý và văn hoá lập trình ở trung tâm của một trong những hãng công nghệ quan trọng nhất thế giới.

    Song CEO của Facebook không phải là loại công việc bạn có thể bỏ 6 tuần chỉ dành cho việc học ở Bootcamp. Anh cho biết anh không qua một khoá Bootcamp nào, nhưng anh có thể hỏi mọi người khi cần và được phản hồi khá nhanh.

    Zuckerberg đã luôn luôn thích thú với cái anh gọi là bản chất "tất định" của kỹ thuật – một yếu tố của việc có thể ngồi xuống và phát triển một thứ gì đó thực hiện chính xác như điều bạn muốn. Đối với tất cả những thứ đầy tham vọng anh có thể thực hiện với tư cách là người đứng đầu một công ty có hơn 15.000 nhân viên và hàng tỷ người dùng các ứng dụng Messenger, WhatsApp, Instagram, Facebook, thì anh chắc chắn nhớ đến niềm hứng khởi "tất định" đó.

    Đó là lý do tại sao anh tiếp tục làm các dự án lập trình nhỏ khi có thời gian rảnh rỗi, và tại sao thách thức cá nhân của anh hồi năm 2012 là trở lại viết mã nguồn hằng ngày. Anh đã tham dự một số cuộc thi hackathon của Facebook như là làm bài tập, từng viết một hệ thống kết hợp các biểu đồ để xem nhóm nào trong Facebook kết nối xã hội nhất.

    Zuckerberg cho hay, thường khi dứt ra khỏi một phiên viết code anh cảm thấy giống như khi anh học tiếng Trung Quốc phổ thông, thách thức anh đặt ra cho mình năm 2010. Anh cảm thấy giống như não được kích hoạt, bùng cháy.

    Văn hoá kỹ thuật của Facebook quy định rằng nếu mã nguồn của bạn bị trục trặc, bạn phải dừng tất cả những việc khác đang làm và xử lý cho xong nó. Có điều nó lại không thực tế đối với một người siêu bận rộn, thường xuyên phải đi xuyên lục địa như CEO Facebook. "Tôi hoặc là sẽ bị kéo ra khỏi các cuộc họp hoặc ai đó sẽ phải khắc phục mã nguồn của tôi", Zuckerberg nói. Do vậy, cũng đã khá lâu rồi kể từ khi anh thực sự kiểm tra bất kỳ mã nguồn nào ở công sở.

    Mặc dù vậy, Zuckerberg đã dành khoảng 100-150 giờ cho dự án ở nhà mình. Đặt tên cho dự án là Jarvis AI - tên của một nhân vật trong loạt phim viễn tưởng Iron Man – nó giống phiên bản mang tính cá nhân cao, tự chế như dịch vụ Alexa của Amazon nhiều hơn, cho phép anh và vợ sử dụng một ứng dụng iPhone tuỳ chỉnh hoặc bot Facebook Messenger để bật tắt đèn, chơi nhạc theo sở thích cá nhân, mở cổng cho người quen, nướng bánh mì và thậm chí đánh thức cô con gái mới 1 tuổi Max bằng các bài học tiếng Trung.

    Trải nghiệm trợ lý Javis nhà CEO Facebook

    Khi bạn đến thăm nhà Mark Zuckerberg – toạ lạc trên mảnh đất hơn 1.500m2 ở một khu phố yên tĩnh, sang trọng gần Silicon Valley, Jarvis nhận ra bạn và tự động báo cho Zuckerberg là bạn đã đến.

    Ở nơi làm việc, mấy tuần qua là thời gian đặc biệt đối với Zuckerberg khi anh phải vật lộn với ba vấn đề riêng biệt và gây tranh cãi: Các câu hỏi về liệu Facebook có phải là động lực chính của tin tức giả mạo trong cuộc bầu cử Mỹ; tranh cãi về việc ban quản trị cân nhắc yêu cầu của Zuckerberg cho phép anh duy trì quyền kiểm soát công ty ngay cả khi anh bán hầu hết cổ phiếu; và mối quan ngại từ các nhà quảng cáo về Facebook lỗi tính lượng xem video.

    Nói về điều gì đó như Jarvis chắc chắn là một nhiệm vụ dễ hơn. Ngồi trên chiếc ghế sô pha màu xanh sậm trong phòng khách nhà CEO Facebook với Beast (tên con chó lông xù) bên cạnh, Zuckerberg dường như thư giãn khi anh giải thích hệ thống anh phát triển năm ngoái làm mọi thứ dễ dàng hơn như thế nào – và thỉnh thoảng khó hơn – cho anh, vợ và con gái.

    Trong bài đăng hồi tháng Một công bố dự án Jarvis, Zuckerberg viết rằng anh bắt đầu xây dựng một hệ thống cho phép anh kiểm soát mọi thứ trong ngôi nhà, gồm nhạc, đèn chiếu sáng, nhiệt độ bằng giọng nói của mình. Anh cũng muốn Jarvis để cho bạn của anh vào nhà chỉ bằng cách nhìn vào khuôn mặt họ khi họ đến và báo cho anh biết bất kỳ điều gì quan trọng đang diễn ra trong phòng con gái Max. Anh hy vọng sẽ thiết kế hệ thống để "dữ liệu hình ảnh trong VR (thực tại ảo) sẽ giúp tôi xây dựng nhiều dịch vụ tốt hơn và dẫn dắt các tổ chức (ở Facebook) hiệu quả hơn", anh nói.

    Giờ, trong tháng 12 này, anh đã đạt được tất cả mục tiêu đó. Tuy nhiên, khi anh trực tiếp giới thiệu về hệ thống, dường như đôi khi nó chưa thực sự trôi chảy.

    Zuckerberg bắt đầu bằng việc trình diễn bot Messenger anh đã viết làm giao diện của hệ thống. Sử dụng chiếc iPhone của mình, anh gõ các lệnh đơn giản để tắt rồi bật đèn, và tất nhiên chúng tắt, rồi bật sáng. Mặt khác, anh cũng phát triển cho hệ thống phản hồi với lệnh bằng giọng nói qua một ứng dụng iOS do anh tạo ra và kết quả vẫn chưa ổn định lắm. Anh phải nhắc hệ thống 4 lần tắt đèn trước khi lệnh được thực hiện.

    "Chao ôi, tí nữa thất bại như lần trước", anh nói, hơi chút ngại ngùng.

    Bắt hệ thống chơi nhạc thì thành công hơn. "Bật nhạc lên cho chúng tôi", anh ra lệnh, và vài giây sau, bản nhạc "Would I Lie to You" của David Guetta bắt đầu cất lên – khá nhỏ - qua hệ thống loa phòng khách. "Tăng âm lượng lên", anh nói hai lần và nó làm theo. Anh cũng phải bảo nó dừng chơi nhạc hai lần trước khi nó ngừng phát nhạc.

    Một trong những tính năng của Jarvis mà Zuckerberg tự hào nhất là khả năng học được gu âm nhạc của anh và vợ mình để khi vợ anh "ra lệnh" nó có thể chọn một bài hát theo sở thích của cô thay vì theo sở thích của anh. Đồng thời, anh thiết kế nó phản hồi được với các yêu cầu như chơi một dạng nhạc nhất định thì ánh sáng cũng điều chỉnh phù hợp theo nhạc, hay theo ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn.

    "Chơi nhạc nào đó giống như ban Red Hot Chili Peppers đi", Zuckerberg ra lệnh cho Jarvis. Vài giây sau, loa phát ra bản "Smells Like Teen Spirit" của Nirvana.

    Zuckerberg cũng muốn Jarvis có thể hiểu được sắc thái ngôn ngữ ở một mức độ nhất định. "Khi bạn đang nghĩ về âm nhạc, nếu bạn ra lệnh cho nó chơi một thứ nhạc gì đó thì nó có thể thực hiện lệnh bằng việc chơi một bài hát, hoặc có thể là một album, hoặc thậm chí có thể là một gợi ý cho bạn muốn thưởng thức loại âm nhạc nào".

    Với anh, có một thách thức là làm thế nào để Jarvis phân tích được những cụm từ rất tương tự. Adele là một ví dụ hoàn hảo. "Lệnh chơi bản "Someone Like You"' có nghĩa là chơi bài hát có tên như vậy. Nhưng ra lệnh ‘play someone like Adele' có nghĩa là yêu cầu nó tìm gợi ý một nghệ sĩ giống Adele và chơi một vài bản nhạc hay của họ. Nói ‘play some Adele' lại là tìm một số bài hát hay nhất của Adele và tạo thành một playlist", Zuckerberg giải thích.

    "Những cụm từ ‘Someone like you', ‘someone like Adele', ‘some Adele' là rất tương tự nhưng nghĩa lại hoàn toàn khác. Do vậy để nó hiểu được là một việc khác rất nhiều, không đơn giản chỉ là bật tắt đèn mà là có thể phân biệt sự khác nhau từ việc nhận được phản hồi. Công việc này khá thú vị", anh nói.

    "Là một cách tốt để làm cho vợ phát điên vì bạn"

    Bắt Jarvis chơi đúng loại nhạc mình yêu cầu là một chuyện. Nhưng khiến nó không làm vợ anh Priscilla Chan bực mình là một chuyện hoàn toàn khác.

    Thậm chí yêu cầu hệ thống bật đèn hoặc tắt đèn, hoặc chơi nhạc có thể tạo ra tình huống khó với Jarvis khi nó không chắc được mình làm theo sai khiến của ai. Chẳng hạn, đôi khi Zuckerberg và vợ sử dụng những cụm từ khác để yêu cầu làm cùng một việc – cùng là phòng khách, anh nói "living room", còn vợ lại nói "family room". Do đó, Jarvis cần phải hiểu được các từ đồng nghĩa. Song anh không muốn chỉ lập trình các cụm từ đồng nghĩa hay khác nhau, anh muốn dạy cho Jarvis học được chúng và các sắc thái khác. Đó là một thách thức thú vị hơn nhiều.

    "Bạn sẽ gặp phải những tình huống kiểu như tôi chỉ nói "bật đèn phòng này lên" và sau đó đèn bật sáng quá, vợ tôi sẽ nói "giảm bớt sáng đi" mà không nói là giảm sáng ở phòng nào, do đó nó cần được biết chúng tôi đang ở đâu, kiểu như tôi bảo "chơi nhạc đi" thì nó lại bật nhạc ở phòng con gái tôi bởi vì... chúng tôi đã ở đó trước đó... Nhưng đó là vấn đề trước đây rồi".

    Nếu Max đang ngủ khi việc thực hiện theo lệnh bị hiểu sai như vậy thì sao? "Thì đó là cách tốt để làm cho vợ phát điên vì bạn đấy", Zuckerberg nói.

    Một ví dụ khác về tầm quan trọng của vị trí. Là một phần của tạo trải nghiệm tối ưu xem TV, Jarvis có thể tắt đèn. "Một trong các phòng liền kề với phòng TV là phòng... làm việc của Priscilla", Zuckerberg kể, "do vậy chúng tôi có trò khá vui là trong khi chúng tôi chuẩn bị xem TV, Jarvis sẽ tắt tất cả đèn cầu thang. Những lúc ấy, cô ấy đang cố làm việc nên sẽ la lên: ‘MARK!'"

    Dễ hơn mong đợi, nhưng...

    Trong khi Zuckerberg thường chọn chỉ một thách thức cá nhân mỗi năm, riêng năm 2016 anh chọn hai thách thức – Jarvis và chạy 365 dặm. Mục tiêu thứ hai là để giúp anh không trở nên quá ít vận động trong khi phát triển Jarvis, tương tự như anh đã làm trong khi đọc một quyển sách trong 2 tuần theo thách thức bản thân năm 2015 của anh.

    Thực tế, trong hai thách thức thì thách thức phát triển Jarvis mất ít thời gian hơn là chạy bộ, phần lớn là nhờ vào bộ công cụ của Facebook như nhận dạng giọng nói và hình ảnh. Tuy nhiên, điều anh không mong đợi là phần lớn dự án là tìm cách thế nào để Jarvis kết nối với nhiều hệ thống khác trong nhà mình – hệ thống đèn, cửa, nhiệt độ tự động, 1 cái TV Samsung, các hệ thống an ninh, các box streaming Sonos và Spotity – để anh có thể kiểm soát.

    Nói một cách chính xác, mạng lưới nhà của Zuckerberg là một phần của hạ tầng doanh nghiệp của Facebook. Bảo vệ nó đòi hỏi bất cứ thứ gì kết nối với nó phải có một chứng chỉ bảo mật Facebook – khoá chứng thực số thiết yếu đảm bảo cho một thiết bị an toàn.

    Nhưng nó lại áp đặt giới hạn lên những gì anh có thể kiểm soát. Chẳng hạn, tủ lạnh kết nối Internet không có chứng chỉ bảo mật Facebook. Đó không phải là vấn đề với nhiều người, nhưng hầu hết mọi người lại không phải là Mark Zuckerberg. Giữ bảo mật của anh ở nhà một cách nghiêm ngặt là một mối quan tâm hàng đầu.

    Có một cách Zuckerberg đã tìm ra để bảo mật kiểm soát những đồ gia dụng nhất định trong nhà là thông qua các bộ chuyển (switch) kết nối Internet để cho anh ít nhất bật hoặc tắt nó từ xa. Anh muốn có thể sai Jarvis nướng bánh mì cho bữa sáng mà anh đã cho vào lò nướng trước đó. Nhưng không một lò nướng hiện đại nào để bạn ấn lát bánh mì xuống khi lò tắt điện – vì sự an toàn. Do đó, anh mua một chiếc lò nướng điện lạc hậu từ những năm 1950 để có thể nướng theo yêu cầu.

    Cuối cùng, bắt mọi thứ kết nối theo cách anh muốn đòi hỏi nhiều giờ dịch mã ngược phần mềm của các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, và công việc này phải làm trước khi anh bắt đầu lập trình Jarvis.

    "Đó không phải là một hệ thống sản phẩm sẵn sàng để chạy"

    Tuy Jarvis không có khả năng hoạt động hoàn hảo trước mặt phóng viên, nhưng Zuckerberg tự hào về những gì anh đã đạt được với dự án này và anh muốn so sản phẩm của anh với các hệ thống khác như Echo của Amazon và Home của Google.

    Anh nhấn mạnh "Đó không phải là một hệ thống đã sẵn sàng. Nhưng nếu tôi không thể phát triển một hệ thống có thể ít nhất làm được như những gì mà Echo, Home có thể làm, thì có lẽ tôi sẽ rất thất vọng với bản thân".

    Anh bổ sung thêm rằng những hệ thống toà nhà như từ Amazon và Google được thiết kế để hàng triệu người kiểm soát nhiều thiết bị, nó còn khó hơn nhiều so với thiết kế một AI dành cho một ngôi nhà và rằng anh không đời nào phủ nhận được những gì mà hai hãng này đã làm được. Anh cũng không có kế hoạch biến Jarvis thành một sản phẩm Facebook.

    Thực tế, anh dự định công bố tóm tắt những gì anh đã làm và anh đã hài lòng nếu một số kết quả của anh cuối cùng tích hợp được vào các hệ thống công cộng sẵn có. Cách tiếp cận này phản ánh triết lý chung của Facebook về nguồn mở nhiều hơn trong sản phẩm của mình, đặc biệt là trong trí tuệ nhân tạo AI.

    Một trong những ví dụ đó là cách chúng ta tương tác với thoại và text. Nói với Jarvis và bắt nó đáp lại có ý nghĩa đối với chơi nhạc. Song Zuckerberg thấy rằng trong nhiều trường hợp khác, text lại phù hợp hơn, đặc biệt khi có những người khác bên cạnh.

    Thậm chí nếu anh ra lệnh bằng giọng nói, anh thường thích Jarvis nhắn tin phản hồi lại anh hoặc "hiển thị những gì nó sẽ làm hơn là chỉ nói".

    Zuckerberg không có những ảo tưởng rằng những gì anh đã phát triển trong 150 giờ có thể gần với những gì mà các chuyên gia AI của Facebook – bao gồm một số tài năng chuyên về AI - làm được trong hàng ngàn giờ hoặc thậm chí nhiều hơn làm được.

    Nhưng sau gần một năm anh đã khiến Jarvis đạt tới mức độ mà anh sẵn sàng trình diễn với toàn thế giới. Anh sẽ tiếp tục mày mò thêm với nó bởi vì anh sử dụng nó hằng ngày và sẽ luôn phải có những bản vá nhỏ hoặc bổ sung những tính năng mới. Song anh khá hài lòng với những gì anh và gia đình đang sử dụng.

    Tất nhiên Zuckerberg không chỉ là một người chồng, người cha tìm cách để làm cho cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn ở nhà. Anh cũng là người đứng đầu một hãng công nghệ, mà số phận của nó sẽ được định hình bằng việc những kỹ sư tạo ra những thứ hiệu quả như thế nào. Và một trong những thứ tốt nhất là về làm việc trong dự án Jarvis là đem lại cho anh trải nghiệm kỹ thuật Facebook.

    "Bởi vì tôi dành quá nhiều thời gian viết mã bằng các công cụ của Facebook và tôi không thường làm vậy nữa khi là CEO Facebook. Tôi cảm giác như mình có đầy đủ trải nghiệm của những gì mà một kỹ sư mới đến Facebook".

    Theo Báo diễn đàn đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ