Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC, nhà đồng sáng lập của trang chia sẻ dữ liệu The Pirate Bay - Peter Sunde, đã nói rằng Mark Zuckerberg là “nhà độc tài” của “quốc gia lớn nhất thế giới”.
Peter Sunde cho rằng không có “nền dân chủ” trên Internet. “Những người nắm giữ trọng trách lớn trong ngành công nghệ thường chẳng thèm đếm xỉa đến dân chủ. Facebook là quốc gia lớn nhất thế giới và Mark Zuckerberg là một gã độc tài. Tôi chưa bao giờ bầu cho anh ta. Anh ta tự đặt ra mọi luật lệ và ép mọi người phải tuân theo”, Sunde nói.
“Và bạn không thể chọn cách tẩy chay Facebook. Tôi không dùng Facebook và điều này gây ra nhiều phiền toán trong cuộc sống của tôi. Không có lời mời dự tiệc nào, không có thông tin cập nhật về bạn bè. Mọi người ngừng nói chuyện với bạn vì bạn không dùng Facebook.”, ông than vãn.
Facebook đã từ chối bình luận khi được CNBC liên hệ. Mạng xã hội này hiện có tới1,6 tỷ người dùng.
Sunde nổi tiếng với tư cách là nhà đồng sáng lập của The Pirate Bay, trang chia sẻ nội dung lậu lớn nhất thế giới. Ông đã phải ngồi tù 5 tháng trong năm 2014 vì các cáo buộc vi phạm bản quyền của trang này. Một nhà đồng sáng lập khác của The Pirate Bay cũng bị buộc tội vì lý do tương tự.
Để chứng minh quan điểm của mình, Sunde đã dẫn ra ví dụ khi thủ tướng Đức Angela Merkel bị nghe lén tại một hội nghị của Liên hiệp Quốc. Tại đó, bà đã tranh luận với Mark Zuckerberg về các nội dung phản đối người nhập cư trên Facebook.
“Nếu các chính trị gia cứng rắn hơn, họ có thể chấm dứt được sự độc đoán của Facebook. Hãy nói với Facebook rằng nếu họ không đồng ý với luật lệ của một quốc gia, họ sẽ không được hoạt động ở đó. Chúng ta đã kiểm duyệt nhiều thứ, tại sao chúng ta không kiểm duyệt Facebook”, ông nói.
Sunde cũng chỉ trích chính sách buộc người dùng phải sử dụng tên thật của Facebook. Ở một số quốc gia, chính sách này có thể làm người dùng bị quấy rối và làm cho việc tổ chức các hoạt động chính trị trở nên khó khăn hơn.
Peter Sunde - nhà đồng sáng lập của The Pirate Bay
“Mark Zuckerberg là một gã công tử bột da trắng, được sinh ra trong nhung lụa”, Sunde lý giải tại sao ông cho rằng ông chủ của Facebook không hiểu được các khác biệt văn hóa. “Lý do đằng sau chính sách ép người dùng sử dụng tên thật là vì Mark Zuckerberg muốn có thêm nhiều tiền”, ông nói.
Tuy nhiên, Facebook vẫn đang tìm cách trấn an người dùng về quyền riêng tư của họ. Mạng xã hội này đã ban hành một chính sách mới về quyền riêng tư trong năm ngoái. Chính sách này giúp người dùng chỉnh sửa chế độ riêng tư cho bài viết của họ dễ dàng hơn. Và WhatsApp, ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook, gần đây đã mã hóa toàn bộ thông tin người dùng.
Mark Zuckerberg cũng chia sẻ quan điểm của mình về quyền riêng tư. Trong cuộc đối đầu gần đây giữa Apple và FBI về việc mở khóa iPhone của một kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ, Mark Zuckerberg nói rằng anh “thông cảm” với Apple. Nhà sản xuất iPhone đã từ chối hợp tác với nhà chức trách để mở khóa chiếc điện thoại trên.
Facebook cũng đang làm việc để giúp người dùng tùy biến nội dung họ thấy trên ứng dụng, và mang tới cho họ quyền kiểm soát lớn hơn.
Tham khảo: CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?