Mặt trái của xã hội Nhật Bản: "kodokushi" - những cái chết cô đơn

    Quân Nguyễn,  

    Họ cố gắng đối phó theo nhiều cách, tùy thuộc vào tính cánh và nền tảng văn hóa, họ cũng vấp ngã theo những hướng khác biệt. Dường như, ta chỉ có thể nhận ra họ phải đã tuyệt vọng như thế nào sau những cái chết buồn bã của họ.

    Những mẩu chuyện đã trở nên quá phổ biến tại Nhật, dù rằng người ta vẫn thường tìm mọi cách để phớt lờ chúng đi. Một người già hay trung niên, thường là đàn ông, được tìm thấy tử vong, tại nhà của mình, thường là trên giường của ông ta. Đã nhiều ngày, tuần, hay hàng tháng kể từ khi ông tiếp xúc với người khác. Thường thì sự việc chỉ được phát hiện khi chủ nhà đã hết kiên nhẫn khi không nhận được tiền nhà hoặc hàng xóm phát hiện thấy mùi hôi khó chịu.

    Người chết chẳng hề có liên kết gì với thế giới quanh mình: không nghề nghiệp, không quan hệ với hàng xóm, không vợ con quan tâm. Chẳng hề có nhu cầu quan tâm đến nhà cửa, những mối quan hệ, sức khỏe của chính mình. “Phần lớn những cái chết cô đơn đều là những người khá tệ hại,” Taichi Yoshida, chủ của một công ty làm việc dọn dẹp những căn hộ nơi những cái chết như vậy xảy ra, đã nói với tạp chí Time. “Đó là người mà khi họ lấy thứ gì đó, họ sẽ không đặt lại đúng chỗ; khi thứ gì đó hỏng, họ chẳng sửa nó; khi một mối quan hệ đổ vỡ, họ chẳng muốn hàn gắn.”

    Những cái chết cô đơn đó được gọi là kodokushi. Mỗi người chết đi chẳng ai biết tới, nhưng hiện tượng này lại diễn ra đủ thường xuyên để được nhiều người biết tới. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã báo cáo có tới 3700 “cái chết không người bên cạnh” tại Nhật vào năm 2013, nhưng vài nhà nghiên cứu ước tính bởi một lượng lớn trường hợp không đếm được, con số chính xác phải tới gần 30.000. Dù thế nào, thì tần suất của kodokushi vẫn luôn tăng kể từ khi chúng xuất hiện vào thập niên 1980.

    Sự gia tăng dường như liên quan tới những thay đổi xã hội sâu sắc tại nước này, đặc biệt là sự đổ vỡ của những gia đình Nhật truyền thống nhiều thế hệ. Năm 1960, khoảng 80 phần trăm người Nhật cao tuổi sống với một đứa con; hiện giờ con số đó chỉ còn một nửa. Kết hợp với sự già nhanh dân số - hiện nay cứ năm người Nhật thì có một ngời trên 65 tuổi; con số đó được dự đoán sẽ tăng lên một trong ba tới năm 2030 – khiến cho rất nhiều người cao niên bị bỏ mặc.

    Gần như một phần tư số đàn ông Nhật Bản và một phần mười phụ nữ Nhật trên 60 tuổi nói rằng chẳng có một ai mà họ có thể dựa vào khi khó khăn. “Nó giống như thế giới thu nhỏ của cộng đồng lão hóa tại Nhật,” chính Nhật Bản đã công nhận. “Đó là thứ mà qua cả thập kỷ chẳng ai nhúng tay vào.”

    Kinh tế ảm đạm kéo dài 25 năm cũng là một yếu tố. Rất nhiều đàn ông mất việc, bị ép về hưu sớm, hay phải đối mặt với những vấn đề tài chính khác, làm sụt giảm vị thế xã hội của họ và khiến cho việc theo kịp cũng đã rất khó khăn. Khủng hoảng tiền tệ cũng khiến thệ hệ đàn ông Nhật đứng tuổi ngay khi kinh tế bùng nổ trở nên khó khăn, những người đã đầu tư quá nhiều vào công việc, vứt bỏ đi quan hệ cá nhân, ngay cả với con cái, những người có thể ở bên cạnh khi họ già cả. “Thế giới của họ đã tan biến ngay trước mắt,” theo Scott North, một nhà xã hội học tại Đại học Osaka. “Nơi làm việc là mọi thứ đối với họ. Sự nam tính, vị thế xã hội, sự tự chủ đều bắt nguồn từ cơ cấu doanh nghiệp.”

    Ở mọi phương diện, kodokushi dường như chỉ có tại Nhật. Nó gây khổ sở cho một cộng đồng phải đồng thời đối phó với sự thay đổi chóng mặt trong cấu trúc gia đình và một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Những người Nhật buồn khổ bị cô lập có thể cảm thấy bị hạn chế bởi gaman, ý tưởng về việc trải qua khoảng thời gian khó khăn mà không hề kêu ca, chẳng hề hé môi. Đồng thời, xã hội cũng chối bỏ các xu hướng Mỹ về chữa trị bệnh tinh thần và rối loạn cảm xúc, đá văng đi những liệu pháp trò chuyện và thuốc chống trầm cảm trước khi chúng trở nên phổ biến tại Phương Tây. Rất nhiều người già neo đơn chăng bao giờ tìm tới sự giúp đỡ hay kết nối.

    Nhưng sự gia tăng của những cái chết tuyệt vọng có lẽ chẳng hề của riêng Nhật Bản. Tháng 11 năm ngoái, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Angus Deaton và Anne Case đã báo cáo về sự đảo lộn ở một trong những xu hướng đáng tin cậy và yên tâm nhất trong sức khỏe cộng đồng hiện đại: Một phần lớn dân số Mỹ đang chết đi nhanh hơn so với dự kiến. Deaton và Case thấy rằng tỉ lệ tử vong của người da trắng từ 45-54 tuổi mà trình độ giáo dục chưa tới đại học đã tăng lên đáng kể từ năm 1999 tới 2013.

    Sự gia tăng đi ngược lại với mọi tiền lệ trước đó, và nó đối lập với sự giảm xuống đồng thời trong người da đen và người gốc Tây Ban Nha tại Mỹ cũng như so với những nước giàu khác. “Nửa triệu người đáng lẽ đã không phải chết,” Deaton nói. “Gấp 40 lần so với Ebola. Ta đang tiến gần với con số đến từ HIV-AIDS.” Sự gia tăng như vậy quá trái ngược với xu hướng lâu dài. “Rõ ràng là đã có sai lầm xảy ra.”

     Tỉ lệ tử vong của người Mỹ da trắng (USW), Mỹ gốc TBN (USH), và sáu nước khác (Pháp, Đức, UK, Canada, Úc, Thụy Điển) từ năm 1990.

    Tỉ lệ tử vong của người Mỹ da trắng (USW), Mỹ gốc TBN (USH), và sáu nước khác (Pháp, Đức, UK, Canada, Úc, Thụy Điển) từ năm 1990.

    Ngay sau đó đã có một báo cáo tiếp bước của Deaton và Case. The New York Times đã phân tích hơn 60 triệu giấy chứng tử thu thập từ CDC và thấy tỉ lệ tử vong của tất cả người da trắng từ 25 tới 54 tuổi đã gia tăng từ năm 1999. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong đặc biệt gia tăng nhanh chóng với phụ nữ da trắng.

    Vì sao lại có sự gia tăng không ngờ tới ở tỉ lệ tử vong như vậy, theo Deaton, “Ma túy và rượu, và tự tử… rõ ràng là nguyên nhân sâu xa.” Nhưng đằng sau cơn dịch lạm dụng ma túy, theo nhiều chuyên gia, chính là những thách thức kinh tế và sự yếu đuối của cộng đồng và kết nối con người. "Những người da trắng trung niên đã bị bỏ lại phía sau tại thế kỷ 21," theo lời tác giả nghiên cứu. Sức khỏe đang sụt giảm và tỉ lệ tử vong tăng cao với những người da trắng ít học thức chính bởi "việc từ bỏ kinh tế chủ đạo; suy giảm liên kết xã hội; những tổ chức xã hội yếu kém; và sự phân mảnh của cộng đồng theo tầng lớp, địa lý, và văn hóa," họ viết.

    Nhìn theo hướng đó, cơn khủng hoảng của người Mỹ có lẽ chẳng khác mấy so với của người Nhật. Con người tại mỗi quốc gia đang đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội có lẽ đã vượt quá tầm xử lý của họ. Họ cố gắng đối phó theo nhiều cách, tùy thuộc vào tính cánh và nền tảng văn hóa, họ cũng vấp ngã theo những hướng khác biệt. Dường như, ta chỉ có thể nhận ra họ phải đã tuyệt vọng như thế nào sau những cái chết buồn bã của họ.

    Theo Nautilus.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ