Mua máy tính bảng để làm gì?
Lấy nguyên mẫu từ một chủ đề của Admin diễn đàn công nghệ VoZ fRzzy lập ra cách đây tròn 1 năm, thời điểm iPad 1 bắt đầu làm mưa làm gió, độc chiếm thị trường máy tính bảng, câu hỏi đặt ra là “iPad - dùng vào việc gì bây giờ?” vẫn ứng với thực tế thị trường máy tính bảng hiện nay. Với sự góp mặt của các tablet HĐH Android, thị trường này đã có sự đa dạng và tính cạnh tranh cao với hàng loạt chủng loại từ các thương hiệu lớn như Acer, Asus, Samsung… với rất nhiều kiểu dáng và cấu hình phần cứng khác nhau.
Thế nhưng, bên cạnh sự đa dạng ấy thì sự hãn hữu về mặt chức năng lại khiến một lần nữa câu hỏi nêu trên được đặt ra đối với người dùng máy tính bảng.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam là một trong số những đối tượng tiêu dùng có sự quan tâm lớn đến máy tính bảng. Phần lớn là do tâm lý số đông, một phần là những người am hiểu công nghệ muốn sở hữu thêm một thiết bị mới và phần còn lại là những người dùng cho mục đích chuyên dụng, đặc thù công việc.
Những trả lời trong chủ đề Admin fRzzy lập ra đều chủ yếu xoay quanh việc đọc sách, lướt web hay chơi game chứ không mấy ai nói đến việc ứng dụng iPad vào công việc hay một hình thức sử dụng mang tính thường xuyên.
Tuần qua, diễn đàn Tinhte cũng có một chủ đề tương tự do Admin CuHiep lập về tập quán sử dụng máy tính bảng. Và lần này, sau 1 năm với muôn vàn mẫu mã cấu hình vượt trội hay tính năng được nâng cấp thì lại một lần nữa đa số các trả lời chỉ ghi nhận ở mức sử dụng để đọc báo, xem ảnh, và giải trí bằng game.
Anh Phan Tùng, một người mua Samsung Galaxy Tab 7” từ những ngày đầu tiên đã thở dài khi thiết bị của mình muốn xem phim HD đuôi MKV thì phải xoay đủ kiểu. Nào là gắn phụ đề cứng, cắt file để nhỏ hơn 4GB mới cho được vào máy và rồi lại hì hụi copy vào máy với tốc độ “rùa bò” do giới hạn của thẻ nhớ microSD Class 6. Tính ra tổng thời gian để đưa một bộ phim 1 tiếng rưỡi vào máy tính bảng sẽ mất gần 2 tiếng cho các công đoạn chuẩn bị. Anh than thở: “Chắc lại quay về cái laptop thôi. Cắm ổ cứng gắn ngoài vào là xem luôn, thích thì cho ra HDTV dễ dàng. Chấp nhận mang vác nặng nề vậy”.
Chị Linh, quản lý một trường mầm non tư thục thì mua iPad với mục đích thử nghiệm…giáo dục bằng công nghệ với đối tượng đầu tiên chính là cậu con trai 3 tuổi của mình. Chị cho biết: “Lúc đầu thì tốt lắm, iPad nhiều phần mềm với hình ảnh minh họa dạy ngoại ngữ, nhận diện ảnh mang tính giáo dục cao. Nhưng từ sau khi con mình phát hiện ra khả năng chơi game, nó đâm…nghiện. Thế là cả nhà phải giấu cái máy tính bảng đi để nó…cai nghiện iPad”.
Theo ghi nhận thị trường 1 tháng trở lại đây, dù các hãng ra mắt các máy tính bảng dồn dập cũng như giảm giá kích cầu liên tục nhưng thị trường này vẫn cùng cảnh chợ chiều cùng thị trường IT. Ngay cả với iPad 2, dù là một siêu phẩm có chỗ đứng tốt nhất cũng như giá liên tục giảm sát với giá tại Apple Store Việt Nam, và gần đây nhất là thông tin đã có thể jailbreak thì doanh số của thiết bị này tại các cửa hàng kinh doanh hi-tech vẫn không mấy khả quan.
Các hãng sản xuất máy tính bảng đều đang vào guồng chạy đua để cho ra mắt những sản phẩm với cấu hình cao, màn hình đẹp và HĐH tối ưu cùng kho dữ liệu ứng dụng khổng lồ. Thế nhưng, dù cấu hình cao đến đâu, kho ứng dụng nhiều bao nhiêu thì phần lớn vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản (nghe nhạc, đọc báo, check mail) mà những tính năng này thì điện thoại smartphone hay các máy tính xách tay giá rẻ đã có thể đáp ứng tốt.
Có thì thừa, không có thì thiếu
Quả thực người dùng máy tính bảng Việt Nam đang rơi vào một thực trạng cả thèm chóng chán. Lúc chưa mua/chưa mua được thì hí hửng, mong chờ, háo hức để được đập hộp. Nhưng đến khi cầm máy trên tay, dùng được vài ba tháng là lại xếp xó, lâu lâu lôi ra sạc lại pin hay cùng lắm là để đầu giường… duyệt web, checkmail cho tiện.
Anh Đình Tuấn, một nhiếp ảnh gia thì cho biết: “Lúc đầu nghe máy tính bảng rất hay, mình đã định sắm một cái để thay laptop, đi đâu chụp ảnh là đổ ra duyệt lại luôn trên màn hình to. Nhưng rồi thấy không ổn vì nếu muốn đọc thẻ SD/CF với iPad phải mua đầu đọc riêng, các tablet Android thì đa số chỉ đọc thẻ microSD, vô dụng”.
Trước sự lớn mạnh của các thế hệ smartphone, người dùng hiện nay ngày càng có nhiều lựa chọn hơn với cấu hình tương đương một máy tính bảng mà lại cơ động cũng như chuyên dụng hơn rất nhiều vì nó có thể nghe gọi.
Anh Đặng Phi, giám đốc công ty truyền thông tại Hà Nội thì cho biết: “Lúc đầu tôi cũng sắm iPad để phục vụ các mục đích đi thuyết trình rất hữu dụng và chuyên nghiệp trong mắt đối tác. Thế nhưng vừa rồi mua một chiếc điện thoại Sony Ericsson mới thì thấy tính năng kết nối máy chiếu cổng HDMI trực tiếp tiện hơn rất nhiều, tính di động cao hơn, màn hình rộng và đẹp đủ để lướt web, giải trí, thế là từ hồi đó tới giờ iPad bỏ xó. Đưa cho vợ dùng tối đọc báo thì chê cầm nặng, để cho cậu con 6 tuổi chơi ‘bắn chim’(Angry Birds) thì sợ mải chơi quên học”.
Với cấu hình trung bình một máy tính bảng hiện nay gồm vi xử lý lõi kép 1GHz, màn hình 1280x900 pixel bộ nhớ từ 16GB trở lên, các máy tính bảng làm người ta nhớ lại thời điểm bùng nổ của netbook với những dự đoán “hoành tráng” về sự thống trị nhờ tính cơ động và giá thành hợp lý…hơn laptop. Nhưng chỉ sau 3 năm, những phản ứng của thị trường đã cho thấy netbook dần dần mất đi chỗ đứng dù các thương hiệu Asus, Samsung ra sức củng cố bằng đủ các mẫu mã và cấu hình mới nhưng vẫn không ngăn nổi làn sóng thoái trào của thiết bị này.
Các máy tính bảng mới có hơn 1 năm làm mưa làm gió nhưng trước những dấu hiệu xuống sức của thị trường, liệu rằng nó có giữ được vị thế và trở thành một phân khúc sản phẩm riêng? Sự lớn mạnh gần đây của các ultrabook với lợi thế về độ tiện dụng của HĐH, phần cứng và tính cơ động nhờ thiết kế mỏng-gọn-nhẹ ngang với một máy tính bảng dường như là một mối nguy hiểm với thị trường này.