Thói quen ráp máy tính để bàn cấu hình mạnh của đa số người dùng để xử lý đồ họa, nhất là rendering, vốn dĩ ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn về tính ổn định, thậm chí ảnh hưởng đến hợp đồng và đối tác khi xảy ra sự cố làm chậm tiến độ về mặt thời gian.
Mới đây, Intel Việt Nam phối hợp cùng VietCAD, Viễn Sơn và KTC đã đem vấn đề này ra “mổ xẻ” trong hội thảo về giải pháp cho thiết kế đồ họa, với sự tham dự của hơn 100 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý đồ họa, nhằm cung cấp cho họ những cái được và mất khi dùng máy tính để bàn (desktop) cấu hình mạnh thay vì phải dùng máy trạm (workstation).
Xu hướng đầu tư mới của các công ty thiết kế đồ họa
Với những người thiết kế đồ họa, hay công ty chuyên về thiết kế đồ họa thì sự cố máy tính có thể sẽ ảnh hưởng đến deadline, dẫn đến bị mất hợp đồng, thiệt hại về kinh tế và cả uy tín.
Đơn cử, khi đang rendering hình ảnh hay video của khách hàng nhưng desktop cấu hình mạnh nhưng lại bị treo thì phải thực hiện lại từ đầu. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh đó không nằm ở cách làm việc mà nằm ở công cụ làm việc, cụ thể là desktop cấu hình mạnh hoạt động không ổn định như máy trạm chuyên dụng. Điều này nằm ở khâu tư vấn và đầu tư máy tính không đúng.
Thật vậy, một desktop dù có cấu hình mạnh đến cỡ nào đi chăng nữa thì cũng không hỗ trợ đủ các công nghệ chuyên dụng của workstation cơ bản. Thế nhưng, một bộ phận người dùng và doanh nghiệp thường có tâm lý đầu tư desktop có cấu hình mạnh, vì nghĩ workstation đắt hơn. Sự thật thì không phải như vậy. Theo anh Trần Chí Phong – giám đốc bộ phận của Intel Việt Nam, chi phí để đầu tư một workstation so với một desktop có hiệu năng tương đương chỉ đắt hơn khoảng 2 triệu đồng; tuy nhiên xét về lâu dài, tổng chi phí khấu hao của một workstation có khi còn ít hơn một desktop, vì nó hiếm khi xảy ra các sự cố tiềm ẩn ngoài ý muốn.
Chia sẻ tại hội thảo này, anh Phong cho biết, hiện nay các công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa đã nhận thấy được các họa viên mất chưa đầy phân nửa thời gian để vẽ hay thiết kế, phần thời gian còn lại là chờ máy tính rendering (chạy render) sản phẩm. Khi chạy render, các họa viên dành 100% máy cho tác vụ này, vì sợ máy tính treo, phải làm lại từ đầu. Do đó, các công ty đã dần chuyển sang xu hướng trang bị render server để đẩy nhanh tác vụ render, đồng thời họa viên vẫn có thể tiếp tục làm việc trên hệ thống của mình.
Ông Trần Chí Phong - Giám đốc sản phẩm Intel Việt Nam, chia sẻ tính năng máy trạm CPU Intel Xeon E3 12XX-v5 tại hội thảo.
Bài toán chi phí và hiệu quả
Ngay cả khi tìm ra giải pháp cho bài toán render, các công ty vẫn tiếp tục tối ưu việc đầu tư ban đầu để giải quyết bài toán chi phí và hiệu quả.
Theo anh Phong, với nhu cầu đồ họa cơ bản, họa viên hoặc doanh nghiệp có thể trang bị workstation chạy 1 CPU Intel Xeon E3. Hoặc có nhu cầu cao hơn thì đầu tư workstation mạnh hơn là chạy 1 CPU Xeon E5. Hoặc mạnh hơn nữa thì “tậu” luôn máy chạy render server chạy 2 CPU Xeon E5.
Trong trường hợp này thì workstation sẽ tỏ ra ưu thế hơn hẳn so với desktop có cấu hình mạnh, vì những tính năng đặc trưng riêng được thiết kế để làm việc 24/24 của nó.
Chẳng hạn, CPU Intel Xeon E3 có giá tương đương với Core i5 (khoảng 4 triệu đồng) nhưng sức mạnh của E3 thì hơn hẳn so với Core i5. Vì bộ nhớ cache của Xeon có dung lượng 8 MB, trong khi Core i dòng cao cấp (đắt tiền hơn) chỉ có cache 6 MB. Hơn nữa, Xeon luôn có công nghệ siêu phân luồng (HT).
Không chỉ có vậy, CPU Xeon hoạt động ổn định hơn so với Core i, nhờ hỗ trợ công nghệ RAM ECC tự phục hồi những bit lỗi trong quá trình truyền dữ liệu giữa CPU và RAM, nên máy không bị lỗi khi rendering.
“Thống kê của Google đã chỉ ra rằng, lỗi bộ nhớ dẫn đến các máy chủ của họ bị crash. Và họ đã khắc phục bằng cách dùng RAM ECC. Còn theo thống kê của Intel, nếu máy tính chạy liên tục trong 4 ngày thì xác suất phát sinh lỗi của RAM là 96%, nên việc dùng RAM ECC là cần thiết”, ông Phong, nói.
Trên thanh RAM ECC có thêm 1 chip RAM để ghi dữ liệu dự phòng, dùng cho việc phục hồi khi lỗi xảy ra. Loại RAM này chỉ hỗ trợ CPU Xeon, mà không dùng được với CPU Core i.
Workstation hoặc mainboard dùng cho workstation có nhiều cổng cắm hơn so với mainboard cho desktop. Nhờ vậy, workstation gắn được nhiều ổ cứng và hỗ trợ RAID trên các ổ cứng (trong khi mainboard cao cấp, giá đắt, dòng desktop mới có). Với công nghệ RAID, dữ liệu sẽ được truy xuất nhanh hơn, an toàn hơn (ghi dữ liệu lên nhiều ổ cứng để đảm bảo dữ liệu luôn an toàn), nhiều cổng USB. Chưa kể một số workstation cho phép gắn được 2 bộ nguồn và tự động chuyển đổi khi bị lỗi.
Thực tế, CPU Xeon E5 sẽ nhanh hơn 4 lần so với Xeon E3, hỗ trợ nhiều RAM và đĩa cứng hơn, hỗ trợ đến 40 làn PCI Express (một lợi thế khi gắn nhiều card xử lý đồ họa; E3 hỗ trợ 20 làn), nếu dùng 2 CPU thì sẽ nhiều hơn nữa. Hơn nữa, 2 CPU còn có cầu nối để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, hệ thống sẽ nhận ra 2 CPU được ghép lại làm một để tăng sức mạnh.
Bảng thông số tính năng dòng sản phẩm Intel Xeon E5-2600.
Với họa viên chỉ dùng workstation để vẽ hay thiết kế 2D/3D cơ bản thì có thể chưa cần phải đầu tư cho card đồ họa chuyên dụng (với giá ít nhất 4 triệu đồng trở lên). Thật vậy, GPU P530 tích hợp trong CPU Intel Xeon đủ sức mạnh để đảm nhận, nó có 24 luồng xử lý cho đồ họa, hỗ trợ các chuẩn 3D mới nhất cho các phần mềm đồ họa như DirectX, OpenGL, OpenCL … Đặc biệt, nó hỗ trợ cả codec trong phần cứng nên giảm tải cho CPU so với khi dùng codec phần mềm. Đây cũng chính là một lợi thế cho việc thiết kế sản phẩm đồ họa độ phân giải 4K, HDR video đang dần phổ biến.
Nếu xem kỹ các yêu cầu của các phần mềm thiết kế đồ họa, bạn sẽ thấy chúng chỉ đưa ra danh sách tương thích với workstation mà không hề có desktop. Trong đó, có phần mềm cần nhiều luồng xử lý thay vì cần tốc độ xử lý mạnh, hoặc ngược lại. Nếu chỉ vẽ thì chỉ cần đơn luồng, chọn Xeon E3 cho rẻ; nhưng nếu biên tập video thì cần đa luồng, phải chọn Xeon E5.
Ngoài CPU và đồ họa, thiết bị lưu trữ cho workstation cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trước đây, SSD giao tiếp SATA thường được chọn, nhưng SATA đang chạm ngưỡng tốc độ băng thông 6 Gbps, tốc độ khoảng từ 540 – 550 MB/s, và có tốc độ phản hồi cũng chậm. Gần đây giao tiếp SATA đã được thay bằng chuẩn PCI-Express; SSD mới dùng chuẩn NVMe cắm trên khe PCI Express 4x để mở rộng băng thông lên tốc độ 3,5 GB/s và độ trễ phản hồi (IOPS) thấp hơn so với SATA, cũng như tiêu thụ ít điện năng hơn.
Việc chọn SSD cũng ảnh hưởng đến tốc độ chung của workstation. Nếu chọn theo tiêu chí “giá/dung lượng lưu trữ” thì sẽ không thật sự tối ưu so với chọn theo tiêu chí “giá/IOPS”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?