5 dịch vụ sao lưu trực tuyến tốt nhất
Sao lưu trực tuyến giúp bạn đảm bảo gần như an toàn tuyệt đối cho dữ liệu của mình.
Hiện nay, sao lưu dữ liệu ra ổ cứng gắn ngoài là một giải pháp backup thường thấy. Tuy nhiên, nếu có sự cố gì xảy ra với hệ thống điện trong nhà bạn, toàn bộ dữ liệu từ bản chính đến bản sao lưu vẫn có khả năng mất trắng. Đó là lí do hàng loạt dịch vụ sao lưu trực tuyến tiện lợi đua nhau ra đời, cho phép người dùng liên tục gửi gắm dữ liệu của mình lên các data center được bảo vệ cẩn thận. Hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua 5 dịch vụ sao lưu trực tuyến tốt nhất do chuyên trang Lifehacker bầu chọn.
So sánh với các dịch vụ đồng bộ
Ngày nay khi nói đến các dịch vụ đám mây, nhất là các tác vụ liên quan đến lưu trữ, rất nhiều người lập tức liên tưởng đến Dropbox, Google Drive .v.v. Tuy nhiên các dịch vụ này ra đời chủ yếu nhắm tới việc chia sẻ và truy cập dữ liệu một cách tiện dụng mọi lúc mọi nơi, chuyên dùng cho những loại dữ liệu mà người dùng cần thường xuyên sử dụng và thậm chí là để bạn bè/người thân chỉnh sửa nếu cần. Để đáp ứng nhu cầu sao lưu chuyên nghiệp thực sự, hai điểm trừ chính của chúng bao gồm:
- Phần lớn các dịch vụ lưu trữ này chủ yếu làm việc theo cơ chế: cung cấp cho người dùng một thư mục trong máy và ta sẽ phải lưu toàn bộ các dữ liệu cần đồng bộ trong đó. Kể cả có tận dụng symbolic link hay folder junction, việc này cũng sẽ tốn khá nhiều công sức mỗi khi ta muốn thay đổi dữ liệu cần sao lưu. Một dịch vụ sao lưu thực sự cần phải nhanh chóng nhận biết và sao lưu toàn bộ những loại dữ liệu mà người dùng muốn bảo vệ, nằm trên mọi ngóc ngách của hệ thống. Quá trình sao lưu tiêu tốn tài nguyên hệ thống cũng yêu cầu thêm chức năng đặt lịch làm việc, trong khi hầu hết các dịch vụ đồng bộ không chú trọng điều này.
- Do hướng nhiều tới việc chia sẻ, các dịch vụ lưu trữ đám mây tuy cũng thực hiện thao tác mã hóa dữ liệu của người dùng nhưng về cơ bản không chú trọng tính riêng tư của dữ liệu bằng các dịch vụ sao lưu chuyên nghiệp. Các nhà cung cấp dịch vụ đôi lúc vẫn có quyền thay đổi hay dòm ngó các dữ liệu họ cho là khả nghi, thậm chí là chặn quyền truy cập của người dùng, Chuyện Microsoft hay Apple scan qua các file dữ liệu của người dùng từ lâu đã không còn là gì quá mới. Google, Dropbox, và Amazon thì vẫn nói rằng họ sẽ chỉ "nhóm ngó" đến nội dung dữ liệu nếu luật pháp yêu cầu. Ngược lại do cách thiết kế hệ thống và chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ như SpiderOak and Bitcasa dù có muốn cũng chẳng thể biết người dùng đã sao lưu những gì.
Nói về độ phổ biến, không phải bỗng nhiên mà Carbonite là một trong những dịch vụ đứng đầu hiện nay. Phần mêm Carbonite client chạy ngầm trên hệ thống sẽ liên tục cập nhật dữ liệu của người dùng lên các máy chủ của Carbonite, phòng trường hợp hỏng hóc xảy ra. Quá trình sao lưu được tự động diễn ra với các file tài liệu, âm nhạc, email và vô số chủng loại khác (tuy nhiên các video phải được backup thủ công). Carbonite cũng cho phép người dùng truy cập sử dụng các dữ liệu của mình từ smartphone. Các nền tảng được hỗ trợ chỉ có Windows và OS X (thực chất bản Home Plus và Home Premier chỉ hỗ trợ Windows).
Quá trình khôi phục dữ liệu cũng cực kì dễ dàng không kém việc sao lưu. Dữ liệu của người dùng được mã hóa cẩn thận để đảm bảo tính riêng tư. Ngoài ra tất cả các gói dịch vụ đều không giới hạn dung lượng. Tuy nhiên gói Home Plus cung cấp một số tính năng bổ sung như cho phép người dùng sao lưu dữ liệu từ ổ gắn ngoài, file hình ảnh hệ thống...Gói Home Premier ngoài các tính năng của gói Home Plus còn cung cấp thêm khả năng tự động sao lưu video, thậm chí là cả dịch vụ chuyển phát nhanh – đưa dữ liệu chứa trong 1 ổ cứng đến tận nhà người trong thời gian nhanh nhất có thể nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra (một kiến trúc sư đang chạy dự án chẳng hạn).
Carbonite hoạt động chủ yếu dưới dạng dịch vụ sao lưu trực tuyến, vì vậy các thao tác sao lưu thông thường trên ổ cứng gắn ngoài hay DVD, người dùng vẫn phải tự làm. Thời gian dùng thử là 15 ngày, sau đó người dùng có thể chọn giữa 3 mức giá 60$/năm cho gói Home, 100$/năm cho gói Home Plus và gói Home Premium thì lên tới 150$/năm.
Backblaze được ưa chuộng bởi khả năng cài đặt và thao tác dễ dàng, ngay cả với người không thông thạo máy tính hay công nghệ. Dịch vụ hướng đến những người đơn giản chỉ muốn sao lưu dữ liệu một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, không muốn mất thời gian tìm kiếm hướng dẫn xử lí các thông báo hay mã lỗi mỗi khi có chuyện xảy ra.
Về cơ bản, Backblaze sao lưu gần như mọi thứ trên hệ thống của người dùng. Người dùng có thể chọn thay đổi loại dữ liệu nào nên được sao lưu, loại nào không. Nhưng mặc định thì Backblaze chú trọng sự tiện dụng và đơn giản, vì vậy mọi thứ từ tài liệu, nhạc, phim, dữ liệu trên ổ gắn ngoài.v.v. đều sẽ được backup. Tương tự Carbonite, Backblaze không giới hạn dung lượng, nhưng mặc định dịch vụ này chỉ backup các file có dung lượng nhỏ hơn 4GB. Các file lớn hơn sẽ yêu cầu phải trả phí.
Cũng tương tự như các dịch vụ khác, phần mềm đi kèm sẽ chạy ngầm trên hệ thống của người dùng để âm thầm sao lưu dữ liệu tại mọi thời điểm (hoặc theo lịch do người dùng cài đặt trước) và dữ liệu sẽ được mã hóa cẩn thận khi truyền tải cũng như khi lưu trữ trên server. Hai nền tảng được hỗ trợ vẫn là Windows và OS X, với hiệu năng của phần mềm khá tốt, chiếm ít tài nguyên hệ thống, có cả khả năng sao lưu theo kiểu gia tăng (incremental).
BackBlaze cũng lại là một dịch vụ khác không cung cấp các tính năng hỗ trợ sao lưu offline. Tuy nhiên xét về mức giá thì đây là một trong các dịch vụ dễ chịu nhất, cho phép người dùng trả theo từng tháng với giá 5$. Nếu muốn thêm máy cho một tài khoản, người dùng sẽ tốn thêm 5$ nữa.
CrashPlan là giải pháp sao lưu được các các btv Lifehacker ưa chuộng nhất, với khả năng sao lưu linh hoạt theo thư mục/ổ cứng trên máy. Quan trọng nhất là việc hỗ trợ sao lưu ra các ổ gắn ngoài, các máy tính khác trong cùng mạng LAN hay thậm chí là máy của bạn bè trên Internet chứ không chỉ bó gọn trong khả năng sao lưu lên các máy chủ của CrashPlan.
Công cụ backup mà dịch vụ này cung cấp được thiết kế tiện dụng không đòi hỏi nhiều thao tác cài đặt hay công sức theo dõi. Ta chỉ đơn giản cài nó vào máy và quên đi, việc sao lưu sẽ được diễn ra ngay khi công cụ phát hiện máy đang ở trạng thái phù hợp (hoặc theo lịch đặt sẵn). Ngoài ra còn phải kể đến khả năng hỗ trợ cả 2 phương pháp sao lưu gia tăng (incremental) và vi sai (differential). Thậm chí bạn có thể chọn nhiều nơi sao lưu khác nhau và công cụ sẽ tự động gửi dữ liệu tới các địa điểm đó cùng lúc. Quá trình khôi phục cũng khá nhanh chóng, chỉ tốn vài cú click chuột là người dùng đã có lại toàn bộ các file của mình ở đúng chỗ cũ. Dĩ nhiên là không thể thiếu khả năng truy cập các dữ liệu từ thiết bị di động.
CrashPlan thậm chí còn cung cấp dịch vụ giao ổ cứng gắn ngoài đến tận nhà khách hàng để dùng sao lưu phiên bản đầu tiên. Nếu chỉ sử dụng gói phần mềm để thực hiện sao lưu nội bộ tại nhà, CrashPlan hoàn toàn miễn phí. Gía cho các tài khoản sao lưu trực tuyến cũng khá hợp lí với mức 2$/tháng cho gói dung lượng 10GB và 4$/tháng cho mức dung lượng miễn phí cho từng máy. Nếu trả lên đến 9$/tháng, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ sao lưu cho toàn bộ gia đình, bất kể bao nhiêu máy.Thời gian dùng thử cho tài khoản sao lưu trực tuyến lên tới 30 ngày cũng là một điểm cộng đáng kể.
SpiderOak vốn được biết như dịch vụ lưu trữ đám mây “kín đáo” nhất, chú trọng việc lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng hơn nhu cầu chia sẻ, nhưng cũng vì thế đây là một trong những giải pháp sao lưu tuyệt vời.
Người dùng sẽ có thể tận hưởng mọi trải nghiệm đồng bộ và truy cập dữ liệu của một dịch vụ lưu trữ đám mây hàng đầu, đặc biệt là chính sách “Zero Knowledge” của SpiderOak bảo đảm rằng dữ liệu của người dùng sẽ không bị dòm ngó dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả bởi chính nhà cung cấp dịch vụ. Trước khi bất cứ thứ gì rời khỏi máy tính cá nhân của người dùng, chúng sẽ được mã hóa hoàn toàn. Phần mềm SpiderOak client mà người dùng sẽ cài đặt lên máy cung cấp các tính năng sao lưu hiệu quả cho phép bạn giữ lại mọi tài liệu, email, nhạc và phim của mình trên các máy chủ đám mây của hãng.
Một điểm cộng đáng giá nữa là SpiderOak cũng cho phép chúng ta chọn lựa các thư mục sẽ được sao lưu tương tự CrashPlan, nhưng bao gồm cả các thư mục từ ổ gắn ngoài, thiết bị lưu trữ trong mạng LAN (như NAS). Trong quá trình thêm file/folder vào danh sách sao lưu, người dùng cũng được cung cấp thông tin trực quan về phần dung lượng sẽ tiêu tốn và cả thông báo xem mình còn đủ dung lượng lưu trữ không.
SpiderOak làm việc trên rất nhiều nền tảng, bao gồm Windows, OS X và Linux trên desktop, kèm theo là các ứng dụng cho iOS và Android trên thiết bị di động. Ngoài khả năng sao lưu gia tăng, dịch vụ của SpiderOak cũng giữ lại các file mà người dùng đã dừng đồng bộ trên đám mây dưới dạng nén để sử dụng khi cần. Qúa trình sao lưu, cũng tương tự các dịch vụ khác, diễn ra âm thầm trên máy người dùng hoặc theo lịch định sẵn.
Điểm hấp dẫn nhất của SpiderOak hiển nhiên là sự kết hợp khéo léo giữa một dịch vụ đồng bộ và lưu trữ đám mây với một dịch vụ sao lưu chuyên nghiệp. Tuy nhiên không như các sản phẩm khác trong danh sách, ta sẽ phải trả tiền theo dung lượng sử dụng. 2GB dung lượng miễn phí được cung cấp cho người dùng mới đăng ký, và những ai chăm chỉ mời gọi bạn bè có thể đạt mức dung lượng 10GB. Chi phí dịch vụ sao đó là 10$/tháng cho mỗi 100GB, bù lại người dùng có thể đồng bộ từ bao nhiêu máy lên tài khoản SpiderOak của mình cũng được.
Bitcasa Infinite Drive là cái tên khá mới trong làng lưu trữ đám mây, nhưng đang dần thu hút được nhiều sự chú ý bởi việc cung cấp gần như không giới hạn dung lượng đồng bộ và sao lưu. Thực chất Bitcasa là một dịch vụ chủ yếu hướng tới việc đồng bộ và lưu trữ file, nhưng phần mềm client được cung cấp kèm vẫn có những chức năng nhất định hỗ trợ nhu cầu sao lưu thông thường.
Đây lại là một sản phẩm nữa chỉ làm việc trên Windows và OS X. Bitcasa còn lưu cả thông tin phiên bản của các file dữ liệu, cho phép người dùng khôi phục một bản cũ hơn (tới 1 mức độ nào đó) của các file đã được sao lưu nhiều lần. Trên các thiết bị di động, ngoài iOS và Android, Bitcasa còn có cả ứng dụng Windows Phone để giúp người dùng truy cập dữ liệu bất cứ khi nào cần.
Mức dung lượng miễn phí ban đầu của Bitcasa là 10GB, nhưng với cái giá 100$/năm người dùng sẽ được cung cấp dung lượng lưu trữ không giới hạn phục vụ việc chia sẻ, đồng bộ và sao lưu. Có những người dùng thậm chí cho biết đã lưu trữ hàng Terabytes dữ liệu trên dịch vụ này và rất hài lòng với hiệu quả đồng bộ. Số lượng máy tính kêt nối với một account Bitcasa cũng không bị hạn chế, tất cả những gì người dùng cần làm là trả 1 lần/1 tài khoản. Tuy vậy mặt hạn chế là phần mềm client của dịch vụ này vẫn còn khá ít tính năng.
Tham khảo: Lifehacker
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android