AMD cáo buộc Intel "mua chuộc" ứng dụng benchmark để đẩy điểm số lên cao ngất ngưởng

    Dee Tee,  

    Phần mềm chấm điểm được nhắc tới là SYSMark của hãng BAPco.

    Cuối tuần vừa rồi, Intel tiếp tục gặp vấn đề với các sản phẩm của họ, sau các trường hợp lỗi treo máy tính và cong chip với thế hệ Intel Skylake mới nhất. Cụ thể, đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất vi xử lý, AMD lên tiếng bóc mẽ việc Intel gian lẫn điểm benchmark với CPU của họ.

    Qua một đoạn video được đăng lên YouTube, John Hamton, Giám đốc Sản phẩm Máy tính của AMD đã dùng vụ việc Volkswagen gian lận khí thải để dẫn dắt tới sự gian dối của Intel với các bài kiểm tra sức mạnh. "Bê bối gần đây của một ông lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô đủ khiến chúng ta hoài nghi với những thông tin được cung cấp, dù cho nó từ một tổ chức uy tín", Hamton nói.

    AMD tố cáo Intel mua chuộc phần mềm benchmark.

    Intel đã từ chối bình luận về phát ngôn trên của phía AMD, nhưng ý kiến của BAPco, công ty phát triển SYSMark, "đối tác" của Intel mà AMD đề cập tới, "khách hàng tin tưởng ứng dụng của chúng tôi".

    "Lý do hàng ngàn khách hàng tin tưởng vào kết quả của SYSMark là bởi nó được phát triển bởi 1 tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp máy tính. BAPco luôn tập trung phát triển khả năng chấm điêm chính xác cho phần cứng", phát ngôn viên của tập đoàn cho biết.

    Về cơ bản, hiệu suất thực của các bộ vi xử lý rất được người dùng quan tâm, điều này được thể hiện phần nào thông qua những điểm số benchmark, thứ mà các nhà sản xuất cần để tâm. Rõ ràng điều này hoàn toàn có thể trở thành động cơ để Intel "mua chuộc" các ứng dụng chấm điểm vi xử lý, và cáo buộc từ phía AMD là hợp lý.

    Hamton cũng đặt ra trường hợp của AMD trong đoạn video nói trên, "Sự thực hay chỉ là tin đồn? SYSmark có phải là một ứng dụng đáng tin cậy, khách quan và được coi là chuẩn tham khảo với các kết quả đánh giá sức mạnh hệ thống?". Hamton và quản lý kỹ thuật của AMD Tony Salinas mang tới một bài test với 2 máy tính xách tay cùng với ứng dụng SYSmark 2014, kết quả ghi nhận cho thấy Laptop sử dụng vi xử lý Intel Core i5 đạt 987 điểm, trong khi đó sản phẩm dùng AMD FX chỉ được 659 điểm.

    Cũng với 2 sản phẩm nói trên, phía AMD thực hiện bài test với PCMark 8 Work, một ứng dụng chấm điểm phần cứng tin cậy khác, laptop sử dụng vi xử lý AMD vẫn chậm hơn, nhưng khác biệt chỉ là 7%, so với gần 50% trên SYSmark.

    Cuối cùng, Salinas sử dụng bộ Microsoft Office để thử nghiệm tốc độ thực tế. Kết quả có được, bộ vi xử lý Core i5 hoàn thành mất 61 giây, còn với AMD FX là 64 giây.

    "Kết luận, SYSmark không mang lại một kết quả quá thực tế", Hamton nói. Rõ ràng hàm ý của câu nói này nhắm tới Intel, và khả năng "mua chuộc" BAPco của họ.

    Ông cũng nhắc tới Phán quyết FTC năm 2010 liên quan tới phía Intel :"Phần mềm và các ứng dụng kiểm tra tốc độ được sử dụng để thử nghiệm hiệu suất có thể được tối ưu hoá riêng cho bộ vi xử lý Intel. Kiểm tra hiệu năng với SYSmark hay MobileMark cho các tác vụ cụ thể trên hệ thống máy tính, phần cứng, phần mềm và các chức năng. Bất kỳ can thiệp nào cũng có thể gây ra những kết quả khác nhau. Bạn nên tham khảo thông tin từ nhiều nguồn trước khi đánh giá và chọn mua sản phẩm, bao gồm cả việc hệ thống có các thành phần khác nhau."

    Cuộc đối đầu dai dẳng

    Các tranh cãi như này đã kéo dài hơn 15 năm nay, từ năm 2000 khi mà bộ vi xử lý Athlon XP đánh bại Pentium 4 trên chính ứng dụng SYSmark 2001 lúc đó. Phiên bản SYSmark 2002 ra đời, Pentium 4 đột nhiên vượt mặt đối thủ và dẫn đầu các bộ vi xử lý máy tính. AMD đã đặt ra những nghi vấn và cáo buộc từ thời điểm đó.

    AMD quyết định tham gia vào liên minh sử dụng ứng dụng chấm điểm phần cứng của BAPco, bao gồm cả NVIDIA và VIA. Nhưng tới năm 2011, AMD không chịu nổi sự bất công và dứt áo ra đi, một vài công ty khác cũng làm điều tương tự.

    BAPco được tao nên từ hầu hết các nhà sản xuất PC, cùng với Intel và một số ông lớn khác. Có những lúc, Apple cũng nằm trong liên minh này.

    SYSmark kiểm tra hệ thống bằng cách chạy các tác vụ gần giống với ứng dụng thực tế như Photoshop, Premiere, Word hay Excel, qua đó chấm điểm hệ thống sát với thực tế nhất. Vấn đề của AMD với SYSmark là vi xử lý của họ không đám ứng được các bài stress hệ thống. Khi quyết định nghỉ chơi với BAPco, đại diện AMD cho rằng SYSmark đã không khách quan trong các bài test của họ khi không kiểm tra khả năng hoạt động của GPU.

    Không ngạc nhiên khi 5 năm sau đó, AMD lôi lại luận điểm nói trên. Hamton nói trong video: "Ứng dụng này tập trung quá nhiều vào CPU, điểm số có sát với thực tế nếu chỉ đánh giá riêng khả năng của CPU trong hệ thống?"

    Rõ ràng AMD rất tự tin vào công nghệ GPU tích hợp của họ, và cho rằng việc không kiểm tra khả năng hoạt động của thành phần này, bài test vi xử lý là vô nghĩa.

    Một vài người sẽ nhận xét rằng AMD đang thua Intel hoàn toàn, và con số trong bài kiểm tra không thể giúp họ cải thiện được tình hình, việc bóc mẽ đối phương cũng không phải điều hay.

    Dù vậy, có thể thấy AMD không hề phủ nhận việc Intel có các sản phẩm tốt hơn, nhưng không có nghĩa là mạnh gấp rưỡi sản phẩm của họ. Các bộ vi xử lý của 2 hãng vẫn bám đuổi nhau sát nút, và người dùng vẫn sẽ quan tâm tới các sản phẩm của AMD. Đây là cuộc chơi của giới kinh doanh, mỗi yếu tố đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện chung, và AMD không chấp nhận các chiêu trò trong cuộc chơi này.

    Tham khảo PCWorld

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ