Tham vọng thay đổi cơ chế bảo mật bằng hình xăm và vitamin điện tử của Motorola

    MP,  

    (GenK.vn) - Những ý tưởng táo bạo đã và đang được Motorola đẩy mạnh nghiên cứu để thay đổi cách nghĩ của chúng ta về khái niệm xác thực nhân dạng trên thiết bị di động.

     
    Việc đăng ký một bằng sáng chế mới thường không đồng nghĩa với việc một hãng công nghệ nào đó chuẩn bị cho ra mắt một phát minh có khả năng ứng dụng hiệu quả ngay trong thực tế. Vào tuần trước khi mà Motorola đệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho cho ý tưởng hình xăm điện tử tại vùng cổ, tin này chỉ thu hút được một vài cái nhìn hờ hững từ cả cộng đồng người dùng lẫn giới nghiên cứu. Nhưng qua những gì mà 2 lãnh đạo cao cấp của Motorola trình bày tại hội nghị All Things Digital D11, chúng ta có thể chắc chắn rằng hãng này đã và đang quyết tâm thực hiện một kế hoạch tầm cỡ.

    Regina Dugan, vốn là cựu giám đốc DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency – đơn vị nghiên cứu các dự án phòng thủ công nghệ cao của Mỹ) và hiện là trưởng bộ phận công nghệ cấp cao của Motorola đã cùng với CEO Dennis Woodside của Motorola gây kinh ngạc cho đa số các khán giả tham dự hội nghị D11 với cách nghĩ táo bạo về tương lai của các cơ chế xác thực. Trong số đó điểm nhấn được chú ý nhất phải kể đến mô hình thiết bị xác thực cá nhân mới đang được phát triển dưới hình thức hình xăm điện tử, hay loại mật khẩu được quản lý dưới dạng các... vitamin mà ta sẽ dùng hàng ngày.

     

    Ban đầu, khi Motorola đê đơn xin cấp bằng sáng chế cho ý tưởng về việc “xăm” chip điện tử vào phần xung quanh cổ họng của người dùng, mục đích là hướng tới việc “giảm thiểu tiếng ồn và cải thiện âm thanh thoại”, bởi quả thực hàng ngày chúng ta thường xuyên sử dụng các thiết bị liên lạc điện tử tại những nôi ồn ào. Công nghệ mới này cũng sẽ góp phần giúp các cơ chế nhận lệnh bằng giọng nói hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng quả thực đằng sau nó là những câu chuyện và tiềm năng thú vị hơn thế rất nhiều.

    Các mật khẩu được đặt qua loa là một trong những “lỗ hổng” lớn nhất mà giới tội phạm có thể tận dụng được trong thế giới mạng ngày nay. Và tỉ lệ các mã PIN của thiết bị di động được đặt dưới dạng dễ đoán, dễ dò cũng lớn không kém. “Bảo mật là một vấn đề phiền phức, phiền phức đến mức thực ra ta có thể ước lượng ra có đến gần nửa số người dùng không muốn dính líu đến các thao tác xác thực nhân dạng trên máy họ”. Dugan phát biểu. “Nó khiến cho họ lờ đi thực tế rằng có rất nhiều thông tin cá nhân trên các thiết bị di động của họ mà giới tội phạm sẵn sàng trả giá đắt để có được”.

     

     

    Mỗi ngày trôi qua, bạn có để ý để truy cập điện thoại của chính mình, bạn phải nhập mã PIN hết bao nhiêu lần? Hay bạn thuộc nhóm người không quan tâm đến xác thực và cứ để mặc cho bất kỳ ai cầm máy lên cũng có thể đọc được các dữ liệu cá nhân của mình? Dugan nói tiếp “Trung bình một người dùng phải trải qua bước xác thực trên các thiết bị di động 39 lần một ngày và mỗi lần như vậy tốn khoảng 2.3 giây. Với những người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, con số này có thể lên tới 100”. Mới chỉ 2 tuần trước thôi, một nhóm nghiên cứu của đại học Cambridge do Ross Anderson đứng đầu đã giới thiệu PIN Skimmer, một cơ chế lấy trộm mã PIN điện thoại hoàn toàn mới. Chỉ bằng việc quan sát cử động mặt và đầu của người dùng qua camera trước, cộng với việc phân tích âm thanh khi gõ PIN, kỹ thuật này cho phép nhóm nghiên cứu xác định được mã PIN trên các điện thoại Nexus S và Galaxy S3 với độ chính xác lên tới 30% (sau khi phân tích 2 lần nhập) hay thậm chí là 50% (phân tích 5 lần nhập). Theo như các lãnh đạo cao cấp của Motorola, đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế xác thực hoàn toàn mới, một dạng thiết bị bỏ túi hay đeo người có tích hợp kết nối NFC hay Bluetooth phục vụ giao tiếp.

    Galaxy SIII dễ dàng bị đánh bại bởi PIN skimmer
    Galaxy SIII dễ dàng bị đánh bại bởi PIN skimmer

    “Bên cạnh các thiết bị đeo bên ngoài cơ thể, ta hoàn toàn có thể tưởng tượng đến việc xác thực bằng các thiết bị được tích hợp sẵn vào cơ thể con người, ngay trên bề mặt da của chúng ta thôi, hay nói ngắn gọn: các hình xăm điện tử”. Khi giới thiệu cho các khán giả tham dự hội nghị D11 vết xăm MC10 trên cổ tay mình, Dugan cho biết hình xăm điện tử này cho phép bà đăng nhập vào các điện thoại Motorola một cách dễ dàng thay vì phải nhập mã PIN hàng chục lần mỗi ngày. Bà cho biết thêm, Motorola hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để không ngừng hoàn thiện và cải tiến cơ chế xác thực này, bởi nếu được phát triển đầy đủ đây sẽ là một thế hệ thiết bị điện tử hầu như “vô hình và vô cùng thoải mái”. Với các tính chất này, cộng với khả năng biến đổi linh hoạt hơn, cả về vị trí lẫn hình dạng, các thiết bị này thậm chí sẽ dễ dàng được tiếp nhận rộng rãi hơn cả các loại thiết bị điện tử thông minh dưới dạng đồng hồ hay vòng đeo tay.

     

     

    Theo như các mô tả ban đầu, các hình xăm này sẽ gồm “một microphone tích hợp, một chip truyền dẫn để giao tiếp với MCD (mobile communication device – thiết bị liên lạc cầm tay) và một bộ phận nạp năng lượng”.  Có rất nhiều cách để nạp năng lượng cho các thiết bị “siêu nhỏ” và “vô hình” này. Trong đó đang chú ý nhất hiện nay là “công nghệ pin mặt trời,  công nghệ điện dung, công nghệ nano hay các kỹ thuật điện cơ”. Với những người vẫn còn ngại ngần với việc chấp nhận một hình xăm xuất hiện trên cơ thể mình, các giám đốc cao cấp của Motorola cũng không quên chia sẽ rằng việc tích hợp các thiết bị điện tử này lên vòng cổ, dây chuyền hay bất cứ thứ gì mà bạn sẽ đeo quanh cổ chắc chắn sẽ không thể khó khăn hơn việc gắn trực tiếp chúng lên cơ thể người. Vì vậy các lựa chọn của bạn sẽ không hoàn toàn bị hạn chế.

     

    Bằng việc tích hợp sẵn microphone và cải thiện các công nghệ nhận dạng giọng nói, hàng loạt các chức năng “bảo mật” khác có thể xuất hiện cùng với chủng loại thiết bị mới này. Trong đó phải kể đến việc nhận dạng một lệnh cụ thể, một giai điệu hay tiếng huýt sáo của chủ nhân để truyền lệnh cho các thiết bị cầm tay. Các lệnh này, dĩ nhiên có thể thay đổi từ việc truyền/gửi dữ liệu, cho tới việc trả lời tin nhắn/cuộc gọi tự động, hay gọi cấp cứu/cứu hỏa.v.v.

    Ý tưởng gây nhiều tranh cãi nhất trong buổi hội thảo quả thực không thể là gì khác ngoài khả năng “phát hiện nói dối” của các hình xăm điện tử này. Cụ thể hơn, ta có thể tích hợp thêm một cảm biến trong đó để phát hiện các thay đổi sinh học trên bề mặt da của người dùng. Nhờ vậy, các cảm biến này có khả năng dễ dàng phát hiện trạng thái căng thẳng của con người, đặc biệt là khi nói dối. Nghe qua thì rất hấp dẫn, nhưng với những vụ việc đình đám gần đây của NSA, nhiều người dùng tại Mỹ - quê nhà của Motorola chắc hẳn không có mấy hứng thú với việc tự nguyện gắn thêm một thiết bị theo dõi tâm lý lên cơ thể mình. Dù rằng việc này mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, nhưng cũng là một lời cảnh báo cho chúng ta rằng, các nhà nghiên cứu vẫn đã và đang luôn tìm cách để lấy được mọi thông tin có thể từ những thiết bị mà người dùng quyết định mua về.

     

    Một hướng nghiên cứu khác đang được triển khai là “vitamin authentication”, một dạng thuốc có thể được áp dụng để quản lý mật khẩu dựa trên thói quen sử dụng hàng ngày của người dùng. Dugan cho biết hiện chính bà đang sử dụng viên vitamin của hãng , sản phẩm hiện đã được phê duyệt bởi chính phủ Mỹ và an toàn tới mức người dùng có thể dùng 30 viên một ngày. “Viên thuốc có chứa một chip siêu nhỏ bên trong và một cơ chế kích hoạt đặc biệt. Khi nuốt viên thuốc vào, acid trong dạ dày chúng ta sẽ đóng vai trò của chất điện phân, việc chip này được kích hoạt tắt/bật liên tục sẽ sinh ra tín hiệu 18-bit có dạng tương tự tín hiệu điện tim”. Điều này đồng nghĩa với việc “cả cơ thể bạn sẽ trở thành một thiết bị xác thực”.

     

    Hơi nói quá lên một chút, Dugan gọi đây là “loại siêu năng lực đầu tiên mà con người phát triển được”. Sau khi sử dụng viên vitamin, tất cả những gì người dùng cần là chạm vào smartphone, PC, tablet hay các thiết bị thông minh khác để đăng nhập/xác thực như các thao tác thường ngày mà không cần cài đặt mã PIN hay gì khác.

    Dù rằng đây là những sản phẩm không thể được cho ra mắt trong một sớm một chiều, nhưng chúng đã thể hiện phần nào tầm nhìn và nhiệt huyết trở lại của Motorola. Woodside cho biết “Đã gần 10 năm nay công ty này chưa đánh cược một vố lớn này. Tôi tin rằng nếu chúng tôi có thể có lại sự tự tin, liều lĩnh của những ngày đầu sáng lập, thành tựu lớn sẽ theo đó mà về với Motorola”.

    Tham khảo:Computerworld, TheRegister

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày