Mẹo nhỏ này sẽ khiến người khác trả lời tin nhắn của bạn ngay lập tức

    PV,  

    Có lẽ không gì gây bực tức hơn khi bạn nhắn tin mà không được trả lời.

    Cuộc sống luôn bị ảnh hưởng bởi thói quen trì hoãn. Nhiều người thậm chí còn có thói quen đọc tin nhắn/email nhưng chưa trả lời ngay mà "để dành" rồi quên mất lúc nào không hay.

    Tuy nhiên, theo nhà khoa học máy tính Brian Christian và nhà khoa học nhận thức Tom Griffiths, vẫn có cách để "buộc" người nhận tin nhắn trả lời bạn ngay lập tức.

    Mẹo ở đây là: với những lời mời, đề nghị, gợi ý hay hẹn hò, hãy ghi rõ thời gian và địa điểm. Ví dụ, thay vì nhắn tin "Tối nay đi uống bia không A ơi?", hãy viết "Tối nay, 8 giờ, đến địa điểm X uống bia đi A ơi".

    Theo tâm lý học hành vi, một lời mời đi kèm thời gian và địa điểm rõ ràng sẽ khiến người đọc dễ dàng rơi vào suy nghĩ dạng nhị phân: có hoặc không. Rõ ràng việc trả lời có/không sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải suy nghĩ về các yếu tố khác như: hẹn gặp ở đâu thì tiện, thời gian nào thì thuận lợi cho mình, v.v...

    Một lời mời/lời hẹn ẩn chứa quá nhiều câu hỏi nhỏ bên trong sẽ dễ dàng bị người đọc xếp vào danh sách "trả lời sau" rồi quên mất lúc nào không hay.

    Với quá nhiều phương tiện giao tiếp như hiện nay, những lời mời, lời hẹn sẽ dễ dàng bị rơi vào quên lãng nếu người đọc không trả lời ngay.

    Mở rộng ra, với tất cả các email, tin nhắn, trước khi gửi đi, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về nội dung mà mình muốn người kia trả lời, sau đó giải quyết các "câu hỏi vệ tinh" ngay trong tin nhắn.

    Ví dụ, thay vì viết tin nhắn "Này B ơi, tớ muốn mượn cậu quyển sách Kinh tế vĩ mô có được không?", hãy viết "Này B ơi, tớ muốn mượn cậu quyển sách Kinh tế vĩ mô. Ngày mai, giờ nghỉ trưa, tớ qua cơ quan cậu lấy được không?".

    Một nghiên cứu khác, thực hiện vào năm 2005 tại trường Đại học Carnegie, Mỹ, cũng bổ sung thêm cho lý thuyết mà Brian Christian và Tom Griffiths đưa ra. Hơn 1.100 sinh viên của trường này là đối tượng của một nghiên cứu, đã cho thấy họ dễ dàng trả lời email ngay lập tức, nếu người gửi đặt ra những câu hỏi cụ thể.

    Thêm vào đó, nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Stanford và Đại học Columbia thực hiện vào năm 2000 cũng đã chỉ ra rằng: khi bộ não con người đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, nó có thể rơi vào bị tê liệt tạm thời do các yếu tố xung quanh (các sự lựa chọn) gây rối.

    Bởi vậy, hãy ghi nhớ, để có câu trả lời ngay lập tức, hãy cố gắng viết email/tin nhắn cụ thể, rõ ràng nhất có thể. Đồng thời, đừng để người nhận email/tin nhắn phải suy nghĩ quá nhiều về các câu hỏi khác, mà để họ tập trung vào nội dung bạn muốn hỏi.

    Theo trí thức trẻ/Cafebiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày