Microsoft "bớt bạn thêm thù" vì sản xuất phần cứng

    MT,  

    HP, một đối tác truyền thống của Microsoft, đã quay lại xem gã khổng lồ phần mềm là đối thủ của mình.

    Trong một phát biểu mới đây, CEO Meg Whitman của HP đã gây chấn động cho dư luận và dội một "gáo nước lạnh" lên gã khổng lồ phần mềm Microsoft khi tuyên bố rằng hãng xem đồng minh lâu năm của mình là "kẻ thù", địch thủ của nhau trên thị trường.

    "Thị trường truyền thống và mang lại lợi nhuận cao cho HP (máy tính - phóng viên) hiện đang phải đối mặt với những sự gián đoạn đáng kể. Các thiết bị Wintel (dùng HĐH Windows và chip Intel) đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với thiết bị dùng chip ARM. Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. HP xem các đối tác hiện nay như Microsoft, Intel sẽ trở thành đối thủ của mình" - Meg Whitman cho biết trong cuộc nói chuyện với các nhà phân tích thị trường hôm giữa tuần qua.

    "Nói đi đôi với làm", nhà sản xuất PC từng nhiều lần đứng đầu thế giới mới đây vừa hợp tác với Google ra mắt chiếc laptop chạy HĐH của hãng tìm kiếm là Chrome OS, chiếc Chromebook 11.

    Chromebook 11 chạy Chrome OS của HP.

    Chromebook 11 chạy Chrome OS của HP. Ảnh: Cnet.

    Rõ ràng, phát biểu của HP đã cho thấy tác hại của việc Microsoft nhảy vào tham gia sản xuất phần cứng hồi năm ngoái với chiếc tablet Surface. Trong bối cảnh thị trường máy tính đang gặp khó khăn thì việc Microsoft trực tiếp sản xuất máy tính bảng đã khiến cho không ít đối tác sản xuất máy tính của họ nổi giận. Surface đã ít nhiều cạnh tranh với các sản phẩm của HP. Đó là chưa kể các dịch vụ trên nền tảng Azure của Microsoft cũng "giẫm chân" HP.

    "HP đang chuyển sang lựa chọn các nền tảng khác như Android, Chrome OS, OpenStack, và các giải pháp System-on-chip (SOCs) của Nvidia, Rockchip, Applied Micro, Calxeda, TI, và SRC” - Patrick Moorhead, nhà phân tích của Moor Insights & Strategy, cho biết. Trong khi đó, Intel cũng bị HP xem là đối thủ của mình khi mà nhà sản xuất chip x86 đang mở rộng ra các lĩnh vực mà HP kinh doanh như điện toán mây, bảo mật máy tính...

    Tất nhiên, điều này không có nghĩa là HP sẽ từ bỏ thị trường máy tính. "PC vẫn là thị trường có giá trị cao với 170 tỷ USD (toàn cầu), mặc dù sức tăng trưởng đã giảm xuống" Weisler - một lãnh đạo khác của HP cho biết. Sự đối đầu với Microsoft chỉ đồng nghĩa với việc HP đã mở rộng sự lựa chọn của mình mà thôi. Theo Weisler, HP sẽ tập trung vào 4 HĐH chính gồm Windows của Microsoft, Android, Chrome, và Ubuntu. "Chrome và Android đang có tốc độ phát triển nhanh với 12%, và giá trị của thị trường cũng rất lớn, 46 tỷ USD" - Weisler cho biết.

    Tham khảo: Cnet.com, Venturebeat.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày