Microsoft đã phá vỡ truyền thống lịch sử của Windows và phải trả giá vì điều đó

    NPQM,  

    Microsoft có lẽ đang "ngậm đắng nuốt cay" hối tiếc vì quyết định "sai một li, đi một dặm" trong quá khứ liên quan đến chính niềm tự hào lớn nhất của mình hiện tại - Windows 10. Tất cả, bắt nguồn từ 1 dấu X.

    Microsoft muốn tất cả mọi người đều được tiếp cận với "đứa con cưng" của mình - Windows 10 - cùng dự định đạt được số lượng người dùng lên đến 1 tỉ vào năm 2018. Đó là lý do chính cho câu hỏi tại sao họ lại nới lỏng, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi tập thể và cá nhân được biết đến và trải nghiệm Windows 10, bằng cách tung ra bản nâng cấp miễn phí cho mọi máy tính Windows 7 và 8.1 trước đó (Tiện thể, sự hào phóng đó của Microsoft sẽ tạm ngưng vào ngày 29/7 tới đây, sau đó bạn phải trả phí mới có thể được cài đặt Windows 10).

     Buổi ra mắt, giới thiệu Windows 10 tại Sydney, Australia này 29/7/2015

    Buổi ra mắt, giới thiệu Windows 10 tại Sydney, Australia này 29/7/2015

    Tuy nhiên, nỗ lực đó của Microsoft có thể không mang nhiều sức ảnh hưởng lắm đối với bạn nếu nhu cầu nâng cấp không thực sự cần thiết. Vẫn có những người đặt ưu tiên hàng đầu của họ cho nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, có thể họ không có điều kiện chu cấp một nền tảng phần cứng đủ mạnh mẽ để cài đặt Windows 10, hoặc những phần mềm, ứng dụng gắn liền với công việc của họ lại không hỗ trợ... Ai mà biết được?

    Mới đây, một vụ việc bất ngờ đã xảy ra liên quan đến trường hợp của một nhân viên môi giới du lịch tại California khi cô chia sẻ với The Seattle Times rằng mình không hề có ý định nâng cấp lên Windows 10, vậy mà chiếc máy tính của cô lại tự động cập nhật từ đầu đến cuối, khiến cho công việc của cô bị đảo lộn hết cả.

    Điều gì đến cũng phải đến: Sau khi đệ đơn kiện, Microsoft đã bị pháp luật can thiệp và cuối cùng xử thua, buộc phải bồi thường 10.000 USD cho những rắc rối mà họ đã gây ra cho nguyên đơn. Mặc dù kết quả trắng đen đã rõ, nhưng công ty công nghệ xứ Seattle vẫn khẳng định mình hoàn toàn không làm gì sai trong trường hợp này. Thật ra, về bản chất, họ đã phạm phải một sai lầm từ trong trứng nước, liên quan đến việc thiết lập những chính sách thi hành và quy trình cài đặt bản nâng cấp trên.

    Một thay đổi nhỏ nhưng đã phá vỡ truyền thống

    Trở lại thời gian gần một năm trước, khi Windows 10 lần đầu được ra mắt cộng đồng công nghệ trên toàn thế giới, những người dùng Windows 7 và 8.1 lần lượt được đề nghị tải về bản nâng cấp lên phiên bản hệ điều hành mới. Cửa sổ pop-up với những gợi ý, quảng bá về Windows 10 nổi lên sau khi click vào biểu tượng upgrade từ góc màn hình là một nét quen thuộc lúc bấy giờ.

    Bên trái phía trên của hộp thoại là logo của Microsoft Windows cùng tên hiệu Windows 10 bên cạnh. Đối diện với nó, phía bên phải là những biểu tượng tương tác truyền thống gồm "minimize" và chữ X đỏ huyền thoại - vốn mang ý nghĩa đóng lại, kết thúc hoàn toàn tiến trình đang thực hiện. Đây là một hình ảnh mang nét đặc trưng và chắc chắn không còn xa lạ gì đối với tất cả mọi người dùng, kể từ những thế hệ Windows 95 hay thậm chí cả những phiên bản trước đó, cho đến hầu hết những hệ điều hành khác ngày nay đều sử dụng nó với chung một ý nghĩa.

    Dưới đây là một hình ảnh minh họa về "đàn anh" Windows 95, với những biểu tượng tương tự:

    Thế nhưng, chính Microsoft lại tự tay phá hủy quy luật cố hữu tồn tại trong suốt những năm qua liên quan đến dấu X đỏ của hộp thoại nâng cấp Windows 10 trên, tất nhiên là họ đã đề cập đến chi tiết này trên Trang Giải đáp và Hỗ trợ Windows 10:

    "Thông báo này có ý nghĩa rằng quá trình nâng cấp Windows 10 sẽ được tiến hành vào thời gian đã được sắp đặt và hiển thị, trừ khi bạn lựa chọn "Nâng cấp ngay" hoặc "Thay đổi và hủy bỏ lịch nâng cấp". Nếu bạn click vào OK hoặc "X", quá trình tải xuống và cài đặt vẫn sẽ diễn ra theo lịch trình bình thường."

    Quả là một bước thay đổi độc nhất vô nhị đến từ những bộ não thiên tài làm việc cho Microsoft, khi họ đã sửa đổi chức năng của dấu X trở nên tương tự như nút OK. Vì vậy, cách duy nhất để can thiệp vào quá trình nâng cấp hệ điều hành là click vào lựa chọn thứ hai như đã đề cập trong lưu ý phía trên của công ty.

    Công bằng mà nói, không có điểm gì phải phàn nàn về cách đề cập vấn đề cũng như hướng giải quyết của Microsoft trong trường hợp trên, vì họ cũng đã làm rõ quan điểm và điều khoản của mình ở nơi dễ nhìn nhất - vị trí chính giữa phía trên của hộp thoại.

    Nhưng qua góc nhìn của người sử dụng, Microsoft đã vô tình tạo nên cho họ một phản xạ có điều kiện liên quan đến cách tương tác cũng như chức năng của hộp thoại nói chung và dấu "X" nói riêng trong suốt những năm qua. Sửa đổi công dụng của dấu "X" có lẽ chỉ là việc những lập trình viên cho nội dung... khiêu dâm mới thực hiện, với mục đích không phải để đóng lại mà là tiếp tục mở ra những cửa sổ, nội dung mới.

    Có lẽ nhân viên du lịch từ California trên đã gặp phải vấn đề tương tự, tưởng rằng thao tác nhấn "X" ở góc phải sẽ hủy bỏ quá trình upgrade (chắc hẳn cô ấy cũng không đọc hết mọi hướng dẫn trên hộp thoại), để rồi muộn màng nhận ra rằng hành động đó chẳng có nghĩa lý gì trong việc hoãn lịch nâng cấp từ Microsoft cả.

    Như đã khẳng định, Micorsoft chưa bao giờ thừa nhận là mình sai trong việc này, nhưng xét về mọi mặt của vụ kiện hi hữu trên, đúng là họ đang sửa đổi vai trò của những hộp thoại, cụ thể là minh họa không thể chối cãi về chức năng "có cũng như không" của dấu "X".

    Tuy nhiên, trước đó, Terry Myerson - ông chủ của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này đã đưa ra một lời phát biểu với Mashable:

    "Chúng tôi mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ với sự xuất hiện của Windows 10, cùng mục đích cao cả trong việc giúp người dùng nhận thức được rằng họ không chỉ cần đến Windows mà sẽ còn yêu quý hệ điều hành này hơn nữa nhờ những tính năng siêu việt, đột phá chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Để hiện thực hóa viễn cảnh hứa hẹn ấy, chúng tôi sẽ cung cấp một trải nghiệm đặc biệt cho mọi người dùng, mọi máy tính trên toàn thế giới với đợt nâng cấp lớn nhất từ trước tới nay.

    Tất nhiên, vẫn có đầy đủ những lựa chọn nâng cấp liên quan tới việc đồng ý, sắp xếp thời điểm khác hay thậm chí là từ chối đề nghị. Nếu click vào dấu X trên hộp thoại, mọi thao tác tạm thời được hoãn lại và chúng tôi sẽ thông báo tiếp trong vài ngày sau đó."

    Khi những lời lẽ trên được đề cập và thảo luận với Pete Pachal, tổng biên tập chuyên mục Công nghệ của Mashable, ông đã bình luận công khai trên báo giới, dự đoán rằng có lẽ người nào đó không may mắn đã bị Microsoft sa thải vì lỗi lầm trên. Dù vậy, theo quan điểm của mình, tôi không nghĩ trách nhiệm chỉ thuộc về một cá nhân đơn thuần. Cấu tạo hộp thoại trên được thiết kế và lập trình rất tỉ mỉ và cẩn thận (thậm chí một hộp thoại xác nhận tiếp theo cũng hiện lên sau đó, tất nhiên là dấu X vẫn không có vai trò thực sự gì cả).

    Đây dường như là sản phẩm của cả một tập thể trong công cuộc "bám đuổi" và thuyết phục người dùng đồng thuận theo hướng dẫn được đưa ra. Sai sót đó vốn là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt đối với Myerson.

    Kể cả đây là động thái có chủ đích, cũng dễ hiểu lý do tại sao Microsoft quyết định làm như vậy. Công ty lo sợ viễn cảnh trong quá khứ liên quan tới Windows XP (và cả Windows 95) sẽ lặp lại. Nhiều năm sau khi ra mắt những hệ điều hành mới như Windows 7 và 8, phần lớn người dùng vẫn lựa chọn ở lại những thế hệ nền tảng xưa cũ, trên những máy tính cũng đã lỗi thời, chỉ cho tới khi hãng quyết định dừng mọi hoạt động hỗ trợ và cập nhật sửa đổi hệ thống, "khai tử" hệ điều hành đó.

    Nỗ lực cố gắng đưa mọi người đến gần nhau hơn dựa trên một nền tảng đồng điệu là suy nghĩ và hướng đi tích cực, nhưng lại có phần ích kỷ khi không xét đến những khía cạnh bên lề khác. Cộng đồng người dùng cũng không hoàn toàn có chung quan điểm với nhau khi đối mặt với một sự biến chuyển bất ngờ - vốn đã là quy luật xã hội không thể bị thay đổi và phá vỡ.

    Tóm lại, đơn giản hãy để dấu X chỉ là dấu X mà thôi!

    *Theo lời tác giả Lance Ulanoff trên Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ