Microsoft đang toan tính gì ở thương vụ Discord?

    Phương Nguyễn, Theo ICTNews 

    7 năm sau khi Bill Gates rời ghế chủ tịch, Microsoft đang ngày càng tiến gần hơn tới con đường của một công ty game khi chuẩn bị thâu tóm nền tảng Discord.

    Khi Bill Gates phải từ chức CEO vào năm 2000 vì những bê bối chống độc quyền, gã khổng lồ Microsoft vẫn còn là một tập đoàn phần mềm với thế mạnh ở hệ điều hành Windows, bộ công cụ Office và trình duyệt Internet Explorer.

    Người tiếp quản vị trí CEO là Steve Ballmer bắt đầu có những thương vụ tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường game khi cho ra mắt máy chơi game Xbox vào năm 2001 và trong cùng năm thâu tóm cả Ensemble Studios, nhà phát triển dòng game Age of Empires (Đế chế) lừng lẫy.

    Microsoft đang toan tính gì ở thương vụ Discord? - Ảnh 1.

    Halo trở thành lá cờ đầu của Microsoft để tiến vào ngành game.

    Dưới triều đại của Steve Ballmer, Microsoft đã xây dựng được một hình ảnh gần gũi với ngành công nghiệp game, nhờ những thương hiệu hái ra tiền đầu thập niên 2000 như Halo, Fable series và Age of Empires. Nhưng Microsoft cũng có một bước lùi đáng kể khi để vuột mất Bungie, nhà phát triển của dòng game Halo trứ danh vào năm 2007 dù vẫn giữ lại được bản quyền thương hiệu game bắn súng này.

    Năm 2014, Ballmer từ chức CEO và để lại cho người kế nhiệm Satya Nadella một gia sản khổng lồ là nền tảng điện toán đám mây Azure đang trên đà thành công rực rỡ cũng như thương hiệu đình đám Gears of War mua được từ tay Epic Games. Và ngay khi lên nắm quyền, Nadella đã để lại dấu ấn lớn đầu tiên trong lĩnh vực game khi thâu tóm thành công Mojang, nhà phát triển của Minecraft với cái giá 2,5 tỷ USD. Ngày nay, Minecraft trở thành một trong số những game bán chạy nhất mọi thời đại với 200 triệu bản và 130 triệu người dùng hàng tháng.

    Dưới sự trị vì của vị CEO người Mỹ gốc Ấn, Microsoft bắt đầu vung hàng tỷ USD để mua các công ty công nghệ mới nổi như mạng xã hội việc làm LinkedIn (26,2 tỷ USD), kho lưu trữ mã nguồn mở GitHub (7,5 tỷ USD), mạng di động ảo hóa Affirmed Networks (1,35 tỷ USD). Nhưng Big Tech nước Mỹ cũng không quên bổ sung quân số mảng game với nhà phát triển engine vật lý Havok, nền tảng livestream Beam và nhà phát triển Obsidian Entertainment. Nhưng sốc nhất có lẽ là việc thâu tóm nhà phát hành ZeniMax Media (7,5 tỷ USD) một cách chóng vánh sau những tin đồn mua lại TikTok dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

    Microsoft đang toan tính gì ở thương vụ Discord? - Ảnh 2.

    Microsoft đang tấn công ngành game bằng cửa ngách mang tên đám mây.

    Tất nhiên, không phải lúc nào toan tính của Microsoft cũng thành công, như nền tảng Beam đã phải đóng cửa vào tháng 7 năm ngoái sau khi không thể cạnh tranh được với Twitch hay YouTube Gaming. Trước đó, năm 2016, Lionhead Studios, nhà phát triển đứng sau thành công của Black & White và Fable series buộc phải đóng cửa vì không giữ chân được các thành viên chủ chốt.


    Nhưng với hệ sinh thái game khổng lồ đang có, Microsoft có cơ sở khi đặt tiếp 10 tỷ USD lên bàn đàm phán để mua lại Discord, nền tảng voice chat được ví như Zoom của ngành game.

    Đây là một sự bổ sung lực lượng cần thiết để Microsoft có một vị thế lớn hơn ở ngành game, dưới sức ép của các đối thủ trải dài từ cựu thù như Nintendo, Sony đến các kẻ địch mới như Facebook, Apple, Google.

    Mặc dù trong cuộc chiến hiện nay với PlayStation 5 của Sony, Xbox Series X/S không hoàn toàn chiếm ưu thế. Nhưng máy chơi game console vẫn là một cuộc chiến đường dài của dịch vụ, game độc quyền và các giá trị gia tăng khác như chơi game đám mây, voice chat, livestream. Trong cuộc chơi đó, Microsoft cần tận dụng tốt ưu thế công nghệ để chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi có thể kéo dài từ 3 - 7 năm tới.

    Thực tế, từ những năm 2000, Microsoft đã thành lập Xbox Game Studios, một tập hợp các công ty con sở hữu bởi gã khổng lồ này với nhiệm vụ chuyên tạo ra các game độc quyền cho máy chơi game Xbox. Đội ngũ vừa được bổ sung ZeniMax, gồm các nhà phát triển lừng danh với những series vang bóng một thời như The Elder Scrolls, Doom, Quake hay Wolfenstein.

    Microsoft đang toan tính gì ở thương vụ Discord? - Ảnh 3.

    Discord sẽ làm phong phú thêm hệ sinh thái game mà Microsoft đang sở hữu.

    Các dịch vụ mà Microsoft đang có như Azure sẽ là cánh tay phải đắc lực để tiến vào kỷ nguyên game đám mây. Nhờ Azure, game nặng nhất thế giới Flight Simulator (2TB) chỉ yêu cầu cài đặt 150GB, phần còn lại sẽ được tải trên máy chủ đám mây.


    Và nếu thâu tóm Discord, Microsoft sẽ có thêm trợ thủ đắc lực trong việc hỗ trợ game thủ trò chuyện giao lưu với nhau. Discord hiện có 250 triệu người dùng, chủ yếu là game thủ. Trong khi đó, các dịch vụ game của Microsoft hiện mới có 90 triệu người dùng hàng tháng.

    Toan tính của Microsoft là rất rõ ràng, gã khổng lồ muốn tiến sâu hơn vào các dịch vụ phụ trợ cho ngành game. Nhưng trên hết, mua lại Discord là một bước chạy đà cần thiết để ngăn chặn các đối thủ khác nhăm nhe mỏ vàng số này.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ