Từ một công ty độc tài và chuyên quyền, Microsoft đã thay đổi để thích nghi, biến mình thành công ty luôn hướng tới các sứ mệnh phát triển ngành công nghệ nói chung cũng như lợi ích của người dùng.
Một phần công cụ trình diễn của Microsoft tại sự kiện Build 2019.
Tại bài phát biểu khai mạc cho Build, hội nghị nhà phát triển thường niên của Microsoft diễn ra tại Seattle diễn ra từ 6-8/5 vừa qua, Microsoft nói nhiều về Starbucks hơn cả Windows. Bởi một trong những điểm nổi bật của sự kiện là bản demo dài 10 phút của hãng, trình diễn về cách hệ thống đặt hàng của Starbuck hoạt động và tương tác với Azure, nền tảng điện toán đám mây đang được Microsoft phát triển.
Trên thực tế, Build chưa bao giờ là hội nghị phát triển thú vị, nhất là khi so sánh với Google, Apple hay thậm chí là Facebook. Trong khi các công ty công nghệ khác luôn dành một chút thời gian để cho người tiêu dùng thấy được công nghệ trong tương lai gần sẽ như thế nào, Microsoft lại luôn tập trung vào các nhà phát triển của mình, với vô số thông tin đậm chất mã hóa trên sân khấu và các bản demo kỳ lạ nhằm kích thích nhu cầu của doanh nghiệp hơn người tiêu dùng.
Tuy nhiên năm nay, sự kiện vẫn trở nên phù hợp với người tiêu dùng hơn một chút so với bình thường. Trong số những tin tức quan trọng nhất mà một người bình thường có thể quan tâm, có nhiều thông tin liên quan đến việc trình duyệt Edge đa nền tảng đang được xây dựng lại hoàn toàn trên nền tảng Google Chromium. Nếu ai chưa biết thì Chromium là một trình duyệt web mã nguồn mở, là nền tảng để xây dựng nên Google Chrome.
Đây là ví dụ mới nhất cho thấy Microsoft đang cố gắng chơi đẹp với các đối thủ và người tiêu dùng, thay vì tiếp tục đóng vai một "kẻ khó tính". Việc Microsoft kết hợp với Chromium có thể mang lại lợi ích cho hầu hết người dùng phổ thông, ngay cả khi họ không sử dụng trình duyệt Edge. Việc Microsoft tham gia đóng góp vào dự án mã nguồn mở này, có nghĩa là các công cụ mà nó phát triển sau đó có thể hoạt động trên Chrome, Brave hay các trình duyệt khác phát triển dựa trên Chromium.
Sự thay đổi này cũng được xem là minh chứng cho "triết lý chơi đẹp" mới của Microsoft. Hãng công nghệ này đã chọn cách làm lợi cho người tiêu dùng ngay cả khi họ không sử dụng các sản phẩm của Microsoft.
Điều này quá khác biệt và có thể gây ra sự khó hiểu với nhiều người. Tại sao Microsoft phải làm vậy? Bởi nếu theo dõi công ty này một thời gian, bạn sẽ sớm nhận ra trong nhiều thập kỷ qua, Microsoft đã nổi tiếng là một công ty độc quyền và không thiếu các chiến lược kinh doanh tàn khốc trong lĩnh vực điện toán, phong cách như "một gã giang hồ" đích thực. Tập đoàn công nghệ do Bill Gates sáng lập này là trung tâm của các vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ. Microsoft cũng nổi danh với việc buộc mọi máy tính chạy hệ điều hành Windows phải cài đặt trình duyệt Internet Explorer.
Cách đây không lâu, Microsoft còn muốn có mặt ở khắp mọi nơi. Công ty này muốn đưa Windows Phone lên thiết bị di động của bạn, muốn trợ lý ảo Cortana hiện diện mọi nơi trên màn hình, muốn người dùng phải sử dụng Xbox khi chơi game hay xem TV… Công ty muốn mọi thứ mà người dùng trải nghiệm phải dựa trên Windows, từ điện thoại đến máy tính, từ trợ lý ảo tới thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình.
Nhưng sự thật phũ phàng sau đó đã dập tắt tham vọng của Microsoft. Windows Phone bị Android và iOS bỏ lại quá xa. Cortana, trợ lý kỹ thuật số dựa trên máy tính của hãng thì tỏ ra thua kém nhiều so với Google, Siri hay thậm chí là Alexa. Xbox One, trong một nỗ lực tuyệt vời để trở thành trung tâm trong phòng khách của người tiêu dùng, đã thua PlayStation 4 do đối thủ có giá rẻ và khả năng tập trung tốt hơn. Và Windows... ít ra thì hệ điều hành này đã trở nên ấn tượng hơn với khả năng cải thiện hiệu suất đáng kể từ khi Windows 10 ra mắt vào tháng 7/2015 .
Microsoft từng là gã khổng lồ khó tính trong cả chục năm qua.
Nhưng như Joe Belfiore, phó chủ tịch bộ phận Windows và Thiết bị, đã nói: "Cách chúng ta tương tác với công nghệ đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua".
Theo ông thì về cơ bản, những gì đã xảy ra trên thế giới trong hơn mười năm qua, đại khái là chuyện trước đây thế giới công nghệ vận hành và xoay quanh chiếc máy vi tính. Vì vậy, Microsoft đã rất tập trung vào đó như là một nơi để tăng cường các giá trị và tính năng mới. Nhưng khi thế giới thay đổi, mọi thứ trở nên không đồng nhất. Hiện nay mọi người đều sử dụng các thiết bị cuối nhưng chúng thường không đến từ cùng một công ty.
Ví dụ như việc một người sử dụng iPhone hoặc iPad ở nhà và có thể là máy tính chạy hệ điều hành Windows tại nơi làm việc hoặc Chromebook ở trường học. Bản thân thiết bị trở nên ít quan trọng hơn rất nhiều và nó khiến cho điện toán đám mây ngày càng chiếm ưu thế, cũng như việc thông tin và công nghệ bạn sử dụng ngày càng không phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng phần cứng. Người dùng không cần một hệ thống Microsoft toàn diện để có trải nghiệm tốt. Họ có thể phối trộn hay kết hợp và hầu hết mọi người đều đang làm vậy.
Đó là ý do Microsoft đã thay đổi để thích nghi. Dấu hiệu đầu tiên, dễ nhận biết nhất là vào năm ngoái, khi Windows 10 bắt đầu hoạt động với cả Android và iOS. Người dùng thậm chí có thể nhắn tin từ điện thoại Android của mình trên máy tính chạy Windows 10.
Điều tương tự cũng xuất hiện trên Xbox One, khi Microsoft dẫn đầu về xu hướng chơi game đa nền tảng. Năm ngoái, hãng cũng nhanh chóng tận dụng sự phổ biến của trò chơi Fortnite để có thể thu được thành cộng nhiều hơn đối thủ truyền kiếp là Sony.
Tại E3 2018, Phil Spencer, Chủ tịch điều hành bộ phận Gaming tại Microsoft, đã nói: "Nếu bạn mua cho con trai bạn một chiếc Xbox và tôi đã mua cho con tôi một chiếc PlayStation, đó chỉ là một món quà sinh nhật. Nhưng sẽ thật tệ khi những đứa trẻ muốn chơi Fortnite và nhận ra rằng chúng không thể chơi với nhau".
Sony cuối cùng đã chấp nhận nhu cầu chơi đa nền tảng của người dùng. Cuối năm ngoái, công ty Nhật Bản đã cho phép game thủ Fortnite trên PS4 có thể chơi với những người khác trên các nền tảng khác nhau. Họ thậm chí có kế hoạch hỗ trợ việc chơi đa nền tảng cho các tựa game khác trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, một đóng góp khác của Microsft là việc khuyến khích lĩnh vực phát triển phần mềm. Trong một thời gian dài, Mac đã trở thành thiết bị máy tính phổ biến cho các nhà phát triển bởi vì nó có thể hỗ trợ không chỉ hệ điều hành của Apple mà cả Windows và Linux. Nhiều nhà phát triển đã tìm đến máy Mac hoặc sử dụng hệ điều hành Linux trên máy tính, hoàn toàn quên đi Windows. Vì vậy, Windows đã thêm khả năng hỗ trợ cho Linux vào năm ngoái, tiếp đó giới thiệu tính năng hỗ trợ cho Docker, một nền tảng mở dành cho các lập trình viên và nhân viên quản trị hệ thống. Khi đưa ra thông báo về việc hỗ trợ Docker, Microsoft đã nhận được sự cổ vũ và ủng hộ nhiệt liệt từ cộng đồng.
Theo ông Belfiore, sự cởi mở ngày càng tăng là điều cần thiết, phát sinh từ chính tình hình hiện tại của Microsoft. "Ưu tiên của người dùng thay đổi theo thời gian", ông nói. "Và chiến lược kinh doanh của Microsoft cần kết hợp giữa nhu cầu của khách hàng và chủ nghĩa hiện thực. Công ty cũng luôn phải sẵn sàng ưu tiên các nhu cầu của khách hàng hơn những thứ khác, khi đối mặt với chủ nghĩa hiện thực".
Ít nhất ở hiện tại, khi nói đến ngành công nghiệp game đang phát triển trên cả máy tính và điện thoại di động, Microsoft vẫn đang làm tốt trong vai trò kết nối và hỗ trợ tương tác. Tất nhiên, mục đích thực dụng phía sau tất cả các động thái ở trên luôn là kiếm tiền, sau đó mới tới việc trợ giúp người tiêu dùng, ngay cả khi họ không bao giờ chạm vào một sản phẩm nào của Microsoft.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời