Microsoft mang "đám mây" xuống dưới biển khi đặt các trung tâm dữ liệu lớn dưới lòng đại dương
Là những thiết bị "đám mây", nhưng Microsoft sẽ đặt chúng dưới biển để có thể tới gần hơn với những người dùng cuối của mình.
Mới đây, Microsoft đã bắt đầu giai đoạn 2 của dự án thử nghiệm mang các trung tâm dữ liệu lớn xuống dưới biển, khi nhấn chìm một container chứa 864 server tại khu vực đảo Orkney, Scotland. Giai đoạn 1 của dự án diễn ra vào năm 2016, khi ấy được thực hiện gần California, để thử nghiệm ý tưởng đặt các trung tâm dữ liệu di động cỡ lớn tới gần các khu dân cư hết mức có thể.
Trung tâm dữ liệu dưới biển mới được thử nghiệm của Microsoft được đặt ở độ sâu 35 mét dưới mực nước biển, và được thiết kế để có thể hoạt động trong 5 năm liền mà không cần đến bàn tay bảo dưỡng của con người.
Đương nhiên, trung tâm dữ liệu mới này, nếu so sánh với hệ thống mà nền tảng điện toán đám mây như Microsoft Azure hoạt động trên đó thì hãy còn rất, rất nhỏ. Tuy nhiên, chúng sở hữu lợi thế ở tính linh hoạt cũng như khả năng tản nhiệt tự nhiên bằng nước biển, biến đây thành một dự án hết sức thú vị và khả quan. Nên nhớ, chi phí duy trì tản nhiệt cho các trung tâm dữ liệu hiện đại tốn chẳng kém gì tiền mua và lắp đặt thiết bị, do đó phương án của Microsoft sẽ có thể giảm thiểu tối đa chi phí kể trên. Hơn nữa, nhờ vào tính linh hoạt của dự án này, mà Microsoft có thể mang server của mình tới với những vùng đất địa hình khó khăn, hiểm trở, hay không có đất để xây dựng các trung tâm dữ liệu mặt đất.
Dự án này của Microsoft mang tên Natick, được cung cấp điện năng từ một sợi cáp điện nối từ trang trại điện gió trên đảo Orkney. Sợi cáp điện nói trên cũng đóng vai trò làm đường dẫn cho các dữ liệu được xử lý từ bên dưới đáy biển. Nếu như dự án tiến triển thuận lợi, Microsoft sẽ liên kết Natick với dự án thử nghiệm turbin điện sóng dưới biển, để cung cấp cho hệ thống server khả năng tự duy trì.
Tuy nghe tiềm năng là vậy, nhưng dự án này vẫn cần rất nhiều nghiên cứu khác để đảm bảo thiết kế của Microsoft trở nên thân thiện với môi trường, cũng như không khiến đại dương nóng lên quá nhiều. Microsoft cũng cho biết họ sẽ liên tục theo dõi hoạt động cũng như tác động môi trường của dự án Natick trong một năm tới. Bên cạnh đó, nếu như dự án này có thể thành công ở một vùng biển khắc nghiệt với dòng chảy siết và nhiều bão như vùng biển phía Bắc, Microsoft tin rằng họ có thể tiếp tục áp dụng chúng tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Và nếu thành công, dự án này sẽ là một bước quan trọng để mang tới sự tiến hóa của nền tảng điện toán đám mây. Các ứng dụng trên nền di động cũng như web đang dần chạm tới giới hạn xử lý của mình khi đạt tới vận tốc ánh sáng, và lúc này thứ tiếp theo ảnh hưởng đến tốc độ sẽ là khoảng cách giữa thiết bị tới trung tâm dữ liệu. Nếu như Microsoft có thể mang hàng chục trung tâm dữ liệu như thế tới gần các khu vực đông dân như New York hay Tokyo mà không làm nước biển nóng lên, thì họ sẽ có thể tạo ra những ích lợi lớn hơn nữa tới người dùng cuối của mình.
Tham khảo Geekwire
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"