Một trong những sai lầm của Steve Ballmer nói riêng và ban lãnh đạo của Microsoft nói chung, là họ đang điều hành Microsoft bằng đầu óc của những ông già. Bảo thủ, trì trệ và không dám buông tay khỏi những ánh hào quang trong quá khứ.
Bảo thủ, trì trệ, quan liêu
Rất nhiều năm qua nguồn thu của Microsoft gần như không thay đổi.
Vẫn là 2 con ngỗng đẻ trứng vàng Windows và Office mang lại phần lớn lợi nhuận cho gã khổng lồ phần mềm. Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây Microsoft có được thành tích đáng kể nhất là hãng chen chân được vào thị trường cung cấp phần mềm và dịch vụ cho doanh nghiệp. Giải pháp cơ sở dữ liệu và cho thuê máy chủ của Microsoft năm 2010 đem lại cho hãng này 17 tỉ USD với 5 tỉ USD lợi nhuận, một con số tương đối cao, nhưng chỉ riêng Windows và Office đã vác về cho ông chủ tới gần 20 tỉ USD.
Trong khi đó hãy nhìn Apple, sự ra đời của liên tiếp các dòng sản phẩm mới đã khiến Apple từng bước đi lên để trở thành công ty lớn nhất thế giới hồi đầu tháng vừa rồi. iPod, iTunes, Macbook, iPhone rồi iPad... tất cả đều là những mỏ vàng lộ thiên của Apple. Chính việc Microsoft ôm ấp Windows và Office quá lâu đã khiến những thành công của 2 sản phẩm này không còn gây được nhiều sự chú ý, góp phần vào việc đóng băng giá cổ phiếu của hãng này.
Windows 7 có thể nói là 1 thành công khá lớn khi tiêu thụ hết veo 400 triệu bản chỉ sau hơn 1 năm lên kệ, tuy nhiên giá cổ phiếu của Microsoft thì vẫn như nước lặng ao bèo. Tất cả là vì thị trường đã quá quen thuộc với cái tên Windows và dây thần kinh của các nhà đầu tư dần đã trở nên chai lỳ trước thành công của HĐH này.
Chính những hào quang quá khứ và sự thành công của Windows trong hiện tại đã khiến Microsoft già nua tin tưởng rằng Windows là câu trả lời cho tất cả những vấn đề mà hãng đang gặp phải. Nếu như không vì sức ép của iOS và Android, có lẽ đến tận bây giờ các kĩ sư của Microsoft vẫn cố tìm cách đẽo gọt để Windows 7 gọn gàng hơn và "nhét" vừa vào 1 chiếc smartphone. Cứ nhìn cách Microsoft cố gắng để biến Windows 8 trở thành 1 HĐH "đa zê năng" dùng cho cả máy tính bảng lẫn PC là đủ hiểu Microsoft sợ phải đưa các sản phẩm của mình rời khỏi cái bóng Windows như thế nào.
Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ. Windows Phone 7 gần như không có điểm gì chung với Windows 7 ngoại trừ cái tên. Windows Phone 7 chính là 1 ví dụ điển hình về việc ngay cả khi Steve Ballmer biết Microsoft cần làm gì để chiến thắng, thì ông này vẫn không đủ khả năng dẫn dắt Microsoft đi tới thành công vì cách quản lý không khuyến khích sáng tạo của mình.
Có 1 câu chuyện thế này, khi Danger, hãng sản xuất ra dòng điện thoại Sidekick từng rất thành công nhờ vào thiết kế độc đáo được Microsoft mua lại vào năm 2008, những nhân viên cũ của Danger được gom lại 1 chỗ và nghe bài diễn văn của Steve Ballmer trong đó có đoạn: "Các bạn đã tạo ra 1 sản phẩm rất tuyệt vời, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những gì cần thiết để nâng nó lên 1 tầm cao mới".
Sidekick từng 1 thời đình đám, là 1 biểu tượng của sự sành điệu và trẻ trung. Cả các sao như Paris Hilton, Snoop Dog cũng dùng dòng điện thoại này.
Nhân viên của Danger lúc đó chắc hẳn đã mơ về 1 tương lai sáng lạn và đứa con tinh thần đầy tiềm năng nhưng bất hạnh Sidekick sẽ tìm được chốn dung thân ở Microsoft. Sự thực chứng minh họ đã nhầm. Các nhân viên của Danger sau đó nhanh chóng đươc tách ra làm 2 nhóm. 1 nửa thì bị tống vào đội phát triển Windows Phone 7, phần còn lại tụ thành 1 nhóm riêng và bị ném cho công việc phát triển 1 dòng điện thoại hoàn toàn mới mà sau này chúng ta biết đến với cái tên Microsoft Kin.
Thời điểm Kin trong giai đoạn phát triển, Windows Phone 7 chưa hoàn thiện, đội ngũ phát triển Kin phải tự mình xây dựng 1 hệ điều hành hoàn toàn mới dựa trên nền Windows CE (giống như Windows Mobile). Khi Kin ra mắt, chiếc điện thoại này không dùng để chat chit được mặc dù có bàn phím cứng, không có ứng dụng của bên thứ 3, không xem được YouTube và còn nhiều cái không thể nữa. Kết cục là chỉ sau 48 ngày Microsoft phải tuyên bố xử tử Kin, đồng nghĩa với việc ném khoảng 2 tỉ USD mà hãng đã rót vào việc phát triển Kin ra ngoài cửa sổ.
"Họ bỏ ra hàng đống tiền để mời được chúng tôi về nhằm tận dụng kinh nghiệm của chúng tôi trong ngành công nghiệp di động, thế nhưng ngay sau đó lại chẳng ai thèm nghe ý kiến của chúng tôi. Có người ở Microsoft còn bảo với tôi rằng: Anh bạn hãy im đi và làm những việc mà chúng tôi giao phó". Cid Halloway, 1 nhân viên cao cấp của Danger phát biểu trước báo chí. Halloway đã tìm đủ mọi cách để góp ý cho quá trình phát triển mảng sản phẩm di động của Microsoft, nhưng những ý kiến tâm huyết của Halloway chỉ nhận về những ánh mắt rất thiếu thiện cảm từ Microsoft.
Microsoft Kin bị "tử hình" chỉ sau 1 tháng rưỡi ra mắt. Ra đi cùng với Kin là 2 tỉ USD chi phí nghiên cứu phát triển.
Cách quản lý của Microsoft cũng đầy quan liêu. Ở Microsoft, những người thực sự nắm quyền lực là những "ma cũ" gắn bó với công ty từ thập niên 90. Những "công thần" trong giai đoạn này của Microsoft kiếm được chỗ đứng nhờ vào những đóng góp trong giai đoạn hoàng kim của Microsoft. Và các quyết định quan trọng của Microsoft đều do những "ma cũ" này đưa ra. Hầu hết những "công thần" kiểu này hiện tại đã qua tuổi ngũ tuần, hệ quả tất yếu là họ khó lòng thông qua những phương án táo bạo và những đổi mới quá lớn từ phía những nhân viên trẻ.
Google, Facebook, Apple... có thể đi lên được là nhờ vào sự lãnh đạo của những người trẻ tuổi, hoặc những người chịu khó lắng nghe ý kiến của những người trẻ tuổi. Microsoft hoàn toàn thiếu yếu tố này.
Nội bộ dẫm chân nhau
Bên trong Microsoft dường như đang tồn tại 1 hệ thống phân quyền của các sản phẩm. Windows đã trở thành "ông trùm" bao quát tất cả dòng sản phẩm của hãng. Quyền lợi của Windows được đặt lên số 1, vượt trên ưu tiên của tất cả các dự án khác. Lấy 1 ví dụ: Nếu 1 nhân sự hoặc công nghệ nào đã lọt vào mắt xanh của nhóm phát triển Windows, thì các dự án khác như Windows Phone, Xbox chớ có bén mảng tới, bất kể rằng nhân lực hoặc công nghệ ấy nếu ứng dụng lên Windows Phone hay Xbox thì sẽ đem lại hiệu quả gấp nhiều lần Windows.
Hoặc bộ phận phát triển ứng dụng của Microsoft đừng hòng mơ được lập trình ứng dụng trên Android hay iOS vì chúng là những đối thủ cạnh tranh của Windows Phone. Đồng ý rằng việc phải có những sản phẩm nhận được sự ưu tiên nhất định, tuy nhiên chính vì Microsoft đang "đá" ở quá nhiều sân, từ phần mềm ứng dụng cho tới HĐH, hãng này khó lòng tìm được cách dung hòa giữa lợi ích của các sản phẩm. Và sự ràng buộc này, vô hình chung lại cản bước tiến của chính Microsoft.
Điều này không xảy ra với Apple khi mà hãng này gần như rất ít kinh doanh phần mềm ứng dụng mà tập trung hầu hết vào mảng phần cứng, dịch vụ và HĐH.
Giải pháp cho Microsoft?
Microsoft đã lạc hướng quá lâu và quá xa. Hơn 10 năm lầm lạc đã khiến Microsoft đi chệch khỏi quĩ đạo của 1 công ty luôn tìm cách đổi mới và khởi đầu cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp CNTT.
Tuy thế, vẫn chưa phải là quá muộn để thay đổi. Microsoft vẫn còn cơ hội để trở lại huy hoàng, điều mà hãng này cần làm ngay bây giờ là đổi mới cơ chế quản lý, điều hành. Điều này đồng nghĩa với việc Steve Ballmer và "bộ sậu" già nua của ông này đã đến lúc nên được cho về vườn.
Cách đây vài tháng, cộng đồng mạng sôi sục vì thông tin có thể Steve Ballmer sẽ thoái vị, nhưng rồi sau đó mọi chuyện lại lắng xuống. Ghế Steve Ballmer vẫn vững như bàn thạch, và Microsoft cũng chỉ đành ngồi ì một chỗ.
Steve Ballmer không thể bị đuổi nếu như không có sự đồng tình của cổ đông lớn nhất: Bill Gates, người hiện nắm giữ 5% cổ phiếu của Microsoft. Và với tình bạn lâu năm giữa Steve Ballmer và Bill Gates, có lẽ Gates cũng không nỡ đuổi cổ người bạn từng làm phù rể trong đám cưới của mình.
Nếu như Steve Ballmer không rời khỏi Microsoft, có lẽ phương án thực tế nhất mà Microsoft có thể làm được, đó là tìm cách rời khỏi Steve Ballmer. Hay nói cách khác, những dự án mà Steve Ballmer không đủ năng lực điều hành cần phải đứng riêng ra thành các công ty hoạt động độc lập, không chịu sự điều phối của những "ma cũ" bảo thủ trì trệ nữa.
Hãy để Windows đứng riêng 1 chỗ, tha hồ làm mưa làm gió, để Steve Ballmer điều hành mảng dịch vụ phần mềm cho doanh nghiệp và Windows Phone được đứng riêng ra, tự do phát triển phiên bản tablet của mình. Nếu như Microsoft có thể làm được điều này, chúng ta sẽ được chứng kiến sức mạnh của 1 người khổng lồ với 25 năm lão luyện trong làng công nghệ được phát huy đến tột độ. Và chỉ khi ấy, Microsoft mới có đủ sức để đấu tranh với các đối thủ của mình như Google, Apple...
Microsoft có thể sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn nếu mạnh dạn thay đổi như HP.
Dù sao đây có lẽ chỉ là 1 ước muốn không bao giờ trở thành sự thực. Steve Ballmer? Tách Microsoft ra thành nhiều công ty nhỏ? Mơ mộng mãi mãi chỉ là mơ mộng mà thôi!