Microsoft trên hành trình phần cứng cùng Surface: Đã lớn, nhưng vẫn chưa trưởng thành
Khi doanh thu Surface tiệm cận mức 2 tỷ USD, Microsoft đã thực sự trở thành một thế lực trong lĩnh vực phần cứng PC. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Surface đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.
Kết thúc quý 2, Microsoft đã đi ngược chiều suy thoái của thị trường công nghệ khi ghi nhận lợi nhuận lên tới 11,6 tỷ USD. Surface, mảng kinh doanh từng được coi là "phụ" của Microsoft, hiện tại đã có doanh thu lên tới 1,9 tỷ USD.
Với kết quả này, Microsoft đã thực sự trở thành một thế lực trong ngành phần cứng PC: khoản doanh thu 1,9 tỷ USD của Microsoft đã không còn thua quá xa doanh thu cùng kỳ của ASUS hay Acer. Vị thế của Surface ngày nay cũng là đặc biệt đáng ghi nhận khi Microsoft đã khởi đầu bằng… thất bại tỷ đô (Surface RT).
Nhưng đáng buồn thay, Surface dù đã trở thành một mảng kinh doanh lớn của Microsoft nhưng vẫn chưa đạt độ "chín" về chất lượng.
Những chiếc máy mới nhất
Surface Laptop 3: Nạn nhân của một lỗi phần cứng cực kỳ nghiêm trọng khiến màn hình dễ vỡ.
Minh chứng: cả 2 mẫu Surface mới nhất là Pro 7 và Laptop 3 trong quý vừa rồi đã gặp phải vấn đề đột ngột shutdown không rõ nguyên nhân. Lỗi này được người dùng thông báo từ tháng 4, nhưng phải đến tận đầu tháng 7 mới có bản vá. Nói cách khác, trong nhiều tháng trời, người dùng những chiếc Surface mới nhất, đắt đỏ nhất đều phải chấp nhận một lỗi cực kỳ khó chịu do khâu quản lý chất lượng kém cỏi của Microsoft.
Lỗi này sau đó lại gây ra một hệ quả khác: cả Surface Pro 7 và Surface Laptop 3 đều không được cập nhật lên Windows 10 mới nhất (May 2020). Lý do chờ đợi có lẽ là để Microsoft tích hợp bản vá dành cho lỗi shutdown nói trên vào bản cập nhật lớn. Một nghịch lý "dở khóc dở cười" khác lại xảy ra: người dùng PC của chính Microsoft lại phải chờ cập nhật trong khi người dùng PC hãng khác lại được tận hưởng Windows 10 May 2020 sớm hơn.
Đây không phải là vấn đề đầu tiên của Surface Pro 7 và Surface Laptop 3. Vào tháng 2, nhiều người dùng đã lên tiếng về việc Surface Pro 7 bị mất khả năng nhận diện chính xác lực nhấn từ bút S Pen, chỉ ghi nhận được khoảng 5 - 20 mức cảm ứng thay vì 4096 mức như thiết kế của Microsoft. Vấn đề này chỉ xuất hiện khi người dùng… chạm tay lên màn hình, một hành động cực kỳ phổ biến và tự nhiên khi người dùng sử dụng tablet ở chế độ cảm ứng.
Cũng cùng một khoảng thời gian, Laptop 3 thậm chí còn gặp lỗi trầm trọng hơn. Nhiều người lên tiếng cho biết màn hình Surface Laptop của họ đột ngột có vết nứt vỡ mà không rõ nguyên nhân. Chỉ ít lâu sau, Microsoft buộc phải thừa nhận rằng Laptop 3 có thể để lọt "hạt cứng" rơi vào trong thân máy tạo ra vết nứt trên màn hình.
Lịch sử đầy lỗi
Lịch sử Surface tràn ngập những lỗi nhỏ nhặt như màn hình xanh....
Cho đến thảm họa Flickergate.
Với những người dùng Surface trong quá khứ, câu chuyện về Surface Pro 7 và Surface Laptop 3 dường như là chuyện… hết sức bình thường. 3 thế hệ Surface đầu tiên bị lỗi sạc buộc Microsoft phải tiến hành thu hồi. Surface Pro 3 gặp lỗi nhận sai dung lượng pin khiến cho máy ngừng sạc khi pin chưa đầy. Surface Book, chiếc laptop tiên phong cho thiết kế đặt GPU NVIDIA vào bàn phím rời, có tỷ lệ đổi trả rất cao khi thường xuyên gặp lỗi màn hình xanh và treo driver. Surface Book 2 gặp lỗi GPU rời… biến mất khỏi Device Manager. Bên cạnh những lỗi lớn, còn có thể kể đến các lỗi "tự nhiên" xuất hiện sau khi cập nhật phần mềm: Studio bị mất kết nối với chuột và phím, Surface Pro 5 và Pro 6 đột nhiên "đốt pin", Surface Pro 2017 treo cứng…
Và dĩ nhiên, đáng nhớ nhất vẫn là thảm họa Surface Pro 4. Sau khi nhận bản cập nhật vào mùa hè năm 2018, dòng tablet đầu bảng của Microsoft bắt đầu gặp hiện tượng nhấp nháy màn hình. Lỗi này sau đó lan tỏa ra một lượng lớn người dùng, tạo ra "Flickergate", một trong những scandal lớn nhất của ngành công nghiệp hi-tech trong thập kỷ vừa qua.
Sau thảm họa này, tổ chức phi lợi nhuận Consumer Reports thậm chí còn loại bỏ xếp hạng "Nên mua" với tất cả các sản phẩm Surface. Theo thống kê của tổ chức này, 25% các thiết bị Microsoft được khảo sát sẽ gặp vấn đề trong vòng 2 năm sau khi mua.
Bao giờ mới trưởng thành?
Đến 2020, Microsoft đã có 8 năm kinh nghiệm phát triển phần cứng.
Thực tế, Microsoft không phải là hãng phần cứng duy nhất gặp vấn đề chất lượng. Cũng cần phải khen ngợi gã khổng lồ xứ Redmond khi hãng này gần như luôn lên tiếng thừa nhận và có biện pháp đền bù thỏa đáng cho người dùng (ví dụ, Laptop 3 nứt màn hình được đổi trả miễn phí). Nhưng điều đặc biệt về phần cứng Microsoft là ở chỗ, chẳng có dòng sản phẩm nào gặp lỗi trầm trọng một cách dày đặc như Surface cả.
Không chỉ dày đặc mà các lỗi của Surface còn khá… vô lý! Surface Pro 7 và Surface Laptop chẳng hạn, cả 2 đều sử dụng các thiết kế cũ từ các sản phẩm đi trước. Ấy thế mà dù không thay đổi thiết kế, những chiếc Surface vẫn có thể gặp các lỗi mới, không thấy trên người tiền nhiệm. Các hãng phần cứng khác luôn biết cách sửa sai - Apple thay đổi thiết kế để iPhone 6s không dễ vỡ như iPhone 6 hay Samsung tăng đồ dày để tránh lặp lại lỗi pin, chỉ có riêng Microsoft là không thay đổi gì nhưng lại… gặp nhiều lỗi mới!!!
Các vấn đề phần mềm cũng khó hiểu không kém. Xét cho cùng, Microsoft vẫn là ông chủ Windows, là kẻ kiểm soát Windows một cách tuyệt đối. Vậy tại sao các thiết bị phần cứng của Microsoft khi cập nhật phần mềm của Microsoft lại có thể gặp nhiều lỗi đến vậy?
Bao giờ mới hết lỗi đây???
Năm 2020, Surface đã có 8 năm tuổi đời. Microsoft đã không còn là "tay mơ" trong lĩnh vực phần cứng. Từ chỗ ra mắt trong thảm họa (Surface RT), nay Surface đã dần hoàn thiện vai trò là dòng sản phẩm "chuẩn mực" của Windows, là khuôn mẫu mà các ông lớn phần cứng khác phải học hỏi. Nhưng để thực sự hoàn thành được tâm nguyện ấy, ít nhất Microsoft phải tìm cách để tránh được những lỗi ngớ ngẩn mà Lenovo, HP, Dell, ASUS đều không gặp phải. Đã 8 năm trôi qua, tại sao Surface vẫn lắm lỗi thế này???
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming