Microsoft và dấu chấm hỏi về tương lai

    PV, Đại Hùng 

    Chỉ sau mấy ngày đầu năm, toàn bộ ánh hào quang của Microsoft trong năm 2010 đã biến mất, và thay vào đó là một tương lai ảm đạm ở phía trước.

    Đạt mức doanh thu 4,52 tỷ USD trong năm tài chính 2010 nhờ vào thành công của Windows 7, bên cạnh 8 triệu Kinectbán hết chỉ 60 ngày và Xbox 360 tiếp tục cháy hàng sau hiệu ứng Kinect… dường như 2010 là một năm thành công rực rỡ của Microsoft. Nhưng chỉ sau CES 2011, những chiến thắng năm kể trên đã trở thành phù phiếm, và người ta lại bắt đầu nói về một tương lai vô cùng ảm đạm của Microsoft ở phía trước.
     
               
    Trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố gì, hãy cùng điểm lại tiêu điểm thị trường trong giai đoạn 2010 – 2011: Theo dự đoán của công ty nghiên cứu iSupply, số lượng tablet được bán ra trong hai năm 2011 – 2012 sẽ tăng gấp 4 lần so với hiện tại và đạt đến tốc độ phát triển 57% vào năm 2012.  Doanh số của Apple đang là 120 triệu thiết bị cầm tay nền tảng iOS (iPhone, iPad, iPod Touch) kể từ năm 2007, góp phần làm tăng giá trị của thương hiệu Apple lên 315 tỷ USD, vượt qua Microsoft với 244 tỷ USD.
     
    Trong khi đó, Google tuyên bố mỗi ngày có hơn 200.000 thiết bị Android mới được kích hoạt và số lượng smartphone Android là nhiều nhất trong số các nền tảng hiện tại. Các chuyên gia cũng dự đoán rằng Chrome OS sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của Windows trong nhóm sản phẩm netbook năm 2011.
     
    Vậy Microsoft đã có phản ứng như thế nào trước sự thay đổi đến chóng mặt của thị trường thiết bị di động? Chỉ một động tác duy nhất: Cho ra mắt Windows Phone 7.
     
    Theo đánh giá chung, Windows Phone 7 là sản phẩm tốt, nhưng chính phong cách bảo thủ của Microsoft trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của nền tảng này. Thật vậy, với quá nhiều yêu cầu mà Microsoft dành cho nhà sản xuất, và rất ít lựa chọn cho người tiêu dùng, Microsoft đang biến dòng điện thoại Windows Phone 7 trở thành những con “cừu nhân bản vô tính”. Hơn nữa, đắc tội với cả 2 phía đối tác và khách hàng, tương lai của Windows Phone 7 sẽ khó lâu dài.
     
                
    Một điểm yếu nữa của Windows Phone 7 là việc Microsoft không hề tập trung vào thị trường tablet. Khá hay ho khi Windows 8 – nền tảng đầu tiên của Microsoft có hỗ trợ chip ARM phổ biến trên tablet, lại được định hướng sẽ phục vụ cho các thế hệ máy tính cá nhân tiếp theo. Còn mối quan hệ giữa Windows 8 và tablet? Ai muốn làm máy tính bảng Windows 8 thì cứ làm, nhưng Microsoft sẽ chỉ cung cấp sự hỗ trợ hạn chế nhất.
     
    Chính vì tự tin thái quá, Microsoft đang mắc phải 2 sai lầm chí mạng trước đây: Phát triển tablet nhận dạng chữ viết tay, thay vì tablet cảm ứng và tin tưởng vào khả năng của Intel trong cuộc chiến ARM – Intel trên mặt trận tablet. Kết quả của 2 lựa chọn này đã khiến Microsoft thua trắng vào tay Apple và Google, trong đó đáng trách nhất vẫn là hành động lựa chọn Intel cho tablet Windows: CPU của Intel trên tablet hay netbook đều không thể phát huy tối đa sức mạnh của Windows như Android và ARM. Quan liêu, chủ quan, chậm thay đổi, toàn là “đặc sản” của Microsoft.
     
     
    Chậm thay đổi nên qua thực chứng của thị trường, Microsoft đang mất dần các bạn hàng tin cậy. Trong khi Google, chỉ từ một gã khổng lồ tìm kiếm nay dần thay thế vị trí của Microsoft trong lĩnh vực mà Bill Gates am hiểu nhất. Các doanh nghiệp máy tính chuyển sang lựa chọn Android, thay cho Windows. Và thật sự, tiêu điểm của CES 2011 cũng luôn xoay quanh các siêu tablet Android. Còn Windows 7, ngay cả đất để phô diễn là hệ máy để bàn cũng ngày một giảm sút.
     
    Tất nhiên, không phải như vậy là Microsoft đang trên bờ vực thẳm. Windows Phone 7 có thể thất bại, Windows 7 có thể không tìm được chỗ đứng trên thị trường tablet, nhưng cũng không có nghĩa là iPad sẽ chiếm lĩnh toàn bộ làng máy tính trong vài năm tiếp theo. iPad, máy tính bảng Android dù mạnh mẽ hơn nữa thì máy tính để bàn, laptop vẫn bán phây phây. Chưa kể đến hệ thống máy chủ doanh nghiệp, hệ thống máy tính văn phòng... vẫn phụ thuộc vào Windows.
     
             
    Android, iOS mạnh thật đấy, nhưng muốn thay thế hoàn toàn một hệ điều hành tuổi đời hơn 20 năm như Windows thì vẫn còn hơi sớm. Và khách hàng có thể lựa chọn tablet cho nhu cầu hỗ trợ công việc hay giải trí cầm tay. Nhắc đến một thiết bị, một công cụ làm việc thật sự, không gì tốt bằng chiếc PC cài sẵn Windows.
     
    Hơn nữa, với thị trường tablet – smartphone, Microsoft là kẻ thất bại. Nhưng trên mặt trận máy tính cá nhân, Microsoft đã hiểu rõ mình cần phải làm gì để tiếp tục giữ chân khách hàng: Windows đang dần chuyển mình thành hệ điều hành nằm giữa ranh giới giữa tablet và PC. Thật vậy, Windows 8 sẽ cho phép nhà sản xuất tùy chỉnh giao diện, khả năng cảm ứng cải tiến và kho ứng dụng độc quyền, tương tự như App Store và Android Market.
     
                   
    Ngoài ra, Internet Explorer 9 cũng được nâng cấp để tăng cường những dịch vụ điện toán đám mây, mang điểm mới này đến nhiều hơn với người dùng. Cách học tập thành công của Google và điện toán đám mây thực sự là một bước tiến lớn so với phong cách bảo thủ thường thấy của Microsoft. Kết hợp giá trị của Windows với những tiến bộ hiện đại, Windows 8 sẽ tiếp tục duy trì được chiến tích vẻ vang của Windows 7.
     
    Từ những kết quả này, Microsoft sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng sự tồn tại của Microsoft sẽ còn kéo dài trong bao lâu, đây lại là một câu hỏi khác. Windows 8 có đủ lý do để thành công, nhưng đó là thành công trên một mặt trận của quá khứ. Để tồn tại, Microsoft cần phải bước hẳn vào thị trường tablet – smartphone, điều rất khó nhưng không phải là không thể làm được trong hiện tại.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày