Microsoft nên làm gì để Windows không bị nhấn chìm?
Microsoft hiện đang lên kế hoạch cho ra mắt một loạt sản phẩm phần cứng vào thứ Tư tới với nhiều khả năng bao gồm cả chiếc PC Surface để cạnh tranh với iMac của Apple.
Microsoft quảng bá sự kiện này là tương lai của Windows 10. Điều này cũng không có gì quá đáng ngạc nhiên: Ngay từ đầu khi quyết định “đâm lao” theo Surface, gã khổng lồ phần mềm đã nhắm đến mục tiêu đưa Windows 10 lên các màn hình cảm ứng, cho dù các nhà sản xuất PC có thích điều đó hay không.
Thế nhưng chúng ta đang tiến gần đến thời điểm Microsoft cần phải có những động thái quyết liệt hơn việc chỉ đưa ra vài dòng sản phẩm PC mới để tiếp tục phủ sóng Windows, hệ điều hành ra đời từ năm 1985.
Ngành công nghiệp PC đang trên đà suy thoái; Windows cũng ngày càng bớt được ưa chuộng hơn so với các hệ điều hành di động như iOS và Android. Tệ hơn nữa, những nỗ lực tiến vào thị trường smartphone của Microsoft chỉ mang đến những kết quả tệ hại với một hệ điều hành Windows Phone bị người dùng quay gót (rất may là gã khổng lồ vẫn còn những thành công ở mảng điện toán đám mây và ứng dụng văn phòng gỡ gạc lại).
Thị trường công nghệ đã tiến đến ngưỡng Tổng biên tập Infoworld Eric Knorr thậm chí còn công khai cho rằng Microsoft nên bỏ luôn Windows để bước sang các mảng khác còn hơn là để nó “chảy máu” từ từ qua các năm như hiện nay.
Trên thực tế, Windows chưa có vẻ gì là chết dần chết mòn và vẫn đang hiện diện ở phần lớn PC và desktop trên toàn cầu nhưng. Những kế hoạch tham vọng thúc đẩy đứa con tinh thần này từ Microsoft tuy chưa thực sự gặt hái về thành công nào đáng kể nhưng cũng đã có những ảnh hưởng đáng kể đến tương lai của Windows.
Những điều trên cho thấy có lẽ vẫn còn lâu nữa Windows mới bị “hắt hủi”. Thế nhưng chắc chắn đây là thời điểm vàng cho Microsoft thay đổi, hoặc là đổi mới hoàn toàn Windows, hoặc là từ từ chứng kiến cái chết đang của nó.
Sống sót?
Tuy đã bỏ lỡ thời kỳ đầu của cuộc cách mạng smartphone nhưng Microsoft lại đang tích cực đổi mới các sản phẩm để đảm bảo không còn bỏ lỡ một làn sóng nào nữa.
Với Windows 10, Microsoft đã xây dựng nên một hệ điều hành có thể hoạt động đồng thời trên PC, tablet, kính thực tế ảo Hololens, VR headset HTC Vive cùng các thiết bị IoT như bàn hockey thông minh, Xbox One console,… Microsoft không hề giấu giếm tham vọng chinh chiến tất cả các thiết bị mới ra lò hiện nay.
Tuy vậy, sau hơn một năm kể từ ngày chính thức lên sóng, Microsoft Store vẫn chưa thực sự được đánh giá cao. Mặc dù Microsoft đã được những “người bạn tốt” như Facebook, Uber,… ủng hộ bằng cách thiết kế app cho Windows Store nhưng có vẻ như những nỗ lực này vẫn chưa đủ chút nào.
Bill Gates trước thềm ra mắt Windows XP năm 2001
Khi mà thị trường smartphone vẫn đang tăng trưởng còn PC thì thụt lùi, nhiều nhà phát triển bắt đầu chuyển tầm ngắm của họ sang phát triển các ứng dụng cho iOS và Android. Chính vì vậy mà Windows đang bỏ lỡ rất nhiều xu hướng thú vị như Snapchat và Pokemon Go, thậm chí là cả một thế hệ trẻ đang miết mải với những cơn sốt này.
Chính vì vậy mà nếu Microsoft muốn cứu vãn Windows khỏi số phận nghiệt ngã có thể thấy trước, bằng bất cứ giá nào, công ty cũng cần phải kết nối các sản phẩm phần cứng của mình với hệ sinh thái ứng dụng màu mỡ hơn. Cũng như việc App Store đã biến iPhone từ một chiếc điện thoại cảm ứng tiện lợi thành một nền kinh tế thu nhỏ trên iOS, Microsoft cũng nên vun đắp cho Windows Store trở thành nơi người dùng có thể hào hứng ra vào mỗi ngày.
Vẫn còn đó một tia sáng le lói cho hy vọng này: Microsoft đã rất khôn khéo theo đuổi video game với Windows 10, đưa các game như Gear of War 4 hay Forza Horizon 3 vốn độc quyền trên Xbox lên PC. Về khoản này, PC chạy Windows vẫn cho trải nghiệm nuột hơn trên Macbook, iPhone và Android hơn rất nhiều.
Hay sẽ bị đè bẹp?
Đối với thế hệ những công dân sinh ra trong kỷ nguyên Windows, thật khó để tưởng tượng được ra cuộc sống không có nó sẽ trở nên như thế nào.
Thế nhưng so với mảng điện toán đám mây và ứng dụng hiệu suất của công ty hiện vẫn đang nở rộ với kết quả báo cáo tài chính không thể mỹ mãn hơn, mảng Windows vốn tiêu tốn nhiều công sức hóa ra lại không mang về thành quả như mong đợi. Các khoản đầu tư vào HoloLens hay các thiết bị kết nối để quảng bá Windows ra thị trường lớn cũng tỏ ra khá mạo hiểm và chưa có gì để đảm bảo sẽ thành công.
Nhìn lại vấn đề thì Windows chắc chắn sẽ chưa thể hề hấn gì trong khoảng trong trung hạn hoặc ngắn hạn. Thậm chí ngay cả khi thị trường PC đang lao dôc, chiếc tablet Surface Pro và laptop Surface Book đều có vẻ như đã đi đúng hướng và dần chiếm được cảm tình từ người dùng.
Tuy vậy, cả Apple lẫn Google cũng đều đang nỗ lực hết sức trên trận chiến mobile. Thậm chí nhiều nguồn tin còn cho rằng Google đang bí mật phát triển hệ điều hành Andromeda với những tính năng chủ chốt như Android nhưng lại thân thiện hơn trên laptop. Sự leo thang của các dòng Chromebook được trang bị Play Store cũng đang tạo nên làn sóng cạnh tranh lớn cho Microsoft.
Nói tóm lại, tình cảnh của Microsoft hiện nay không khác gì đang ngồi gần đống lửa, và cho dù gió có thổi hướng nào thì hiểm họa vẫn là khó tránh. Chiếc PC Surface mới có thể giúp công ty đưa Windows lên nhiều thiết bị hơn, nhưng chắc chắn nỗ lực này là hoàn toàn chưa đủ để giúp Windows giữ vững được vị thế của mình trước xu hướng mobile hóa ngày nay.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"