Minecraft – Bất ngờ với tựa game sandbox indie (Phần 1)

    PV, Đỗ Sơn 

    Bạn muốn tìm một tựa game sandbox mà cho phép người chơi xây dựng thế giới của riêng mình ư? Hãy thử ngay Minecraft!

    Người viết đến với Minecraft một cách rất tình cờ, đó là từ một mẩu tin nho nhỏ trên blog của đội ngũ làm Team Fortress 2 chia sẻ rằng cả nhóm đã bị sao lãng chỉ vì quá nghiện một tựa game độc lập (indie) mang tên Minecraft. Tò mò về sức hút kì lạ này, người viết quyết định đào sâu tới thế giới của Minecraft.
     
    Minecraft được phát triển độc lập bởi một lập trình viên có nickname Notch. Tính đến thời điểm hiện tại, Minecraft đang được chia ra làm hai phiên bản, một là Minecraft Classic, và Minecraft Alpha. Trong bài viết ngày hôm nay, người viết sẽ cố gắng đề cập tới phần đầu tiên là Minecraft Classic, phiên bản miễn phí của game.
     

     
    Minecraft Classic
     
    Đây là phiên bản đầu tiên mà ai cũng sẽ thử qua, vì đơn giản đây là bản Minecraft miễn phí. Ngay khi bắt đầu game ở mục chơi đơn, người chơi sẽ được “vứt” vào trong một thế giới rất rộng, cảm tưởng như phải mất cả chục phút để đi từ đầu này tới đầu kia. Game sẽ tự động tạo ra thế giới của nó, bao gồm núi non, cây cối, bãi cỏ, bãi biển hay con sông, thậm chí cả hang động và dung nham dưới lòng đất nữa. Người chơi được cung cấp một số lượng rất nhiều các loại khối vuông với kích cỡ giống nhau, nhưng chỉ khác nhau về texture dán lên trên khối vuông ấy. Chuột phải cho phép người chơi tạo và lắp những khối vuông ấy, còn chuột trái dùng để xóa đi.
     

     
    Từng ấy chức năng cũng là tất cả những gì gameplay của Minecraft Classic cung cấp cho người chơi. Bạn có thể muốn đi thăm thú xem game đã tạo ra cảnh thiên nhiên như thế nào, nhưng thay vì mong chờ có thể tìm thấy một bí mật nào đó ẩn giấu trong màn chơi như kho báu hay quái vật, sự thật là bạn sẽ chỉ đào ra được những khối đá mà thôi, hay có chăng tìm ra một hang động nào đấy có hình thù hay ho.
     
    Nếu đã chán với việc dạo chơi hay đào bới, người chơi có thể dùng hệ thống xây dựng của game để tạo nên những ngôi nhà hay tòa lâu đài mà mình thích. Và tới lúc này, Minecraft Classic mới có thể tạo được một chút gì đấy hứng thú cho người chơi, khi người chơi có thể thỏa sức lắp ráp như lắp LEGO tại một nơi yên tĩnh, vắng vẻ và không bị hạn chế bởi số lượng LEGO đã có. Tuy vậy, không thể phủ nhận một điều là, người chơi sẽ sớm cảm thấy rất cô đơn trong thế giới của game cùng người chơi hợp sức tạo ra. Đừng lo, vì Minecraft Classic còn biếu không bạn chức năng chơi mạng nữa.
     

     
    Hệ thống chơi mạng của Minecraft Classic mới tạo nên giá trị thật sự của game. Tuy bạn vẫn chỉ có thể đập phá hay lắp ráp những khối vuông, nhưng đừng quên rằng chơi mạng có nghĩa là bạn được gặp gỡ những người chơi khác. Để bắt đầu gia nhập vào một server nào đấy, người chơi chỉ cần tìm link trên các trang như worldofminecraft.com, click vào đó và có thể gia nhập được ngay trên trình duyệt. Bạn cũng có thể tự tạo cho mình một server tại nhà, miễn là đã download được phần mềm để tạo server của game, cũng như có kiến thức mở port của router trong nhà.
     

     
    Một khi đã tham gia chơi tại server nào đấy, cảm giác đầu tiên chắc chắn sẽ ập vào với mỗi người đó là... choáng ngợp! Thật khó có thể tin được từ những ô vuông đơn điệu lại có thể biến thành những tòa nhà cao ốc, những con phố với các cửa hiệu, sân vận động, hay cả những lâu đài, hay thậm chí cả hòn đảo lơ lửng trên không trung. Nếu như trong mục chơi đơn, bạn chỉ có thể thăm thú cảnh thiên nhiên mà game tạo ra ngẫu hứng, thì ở phần chơi mạng, bạn sẽ bỏ ra một khoảng thời gian tương đối để thăm thú những công trình mà các người chơi khác tạo ra. Đừng ngại hỏi ai đó dẫn bạn làm một vòng quanh tour, vì ai cũng muốn khoe công trình kiến trúc của mình. Và cũng đừng nản chí, hãy vận dụng sức sáng tạo của mình để xây dựng một tòa nhà nào đó trên vùng đất trống trải trên bản đồ.
     

     
    Thời gian mà người viết bỏ ra với cộng đồng mạng trong server của mình là một thời gian ấn tượng nhất. Nếu như với các game MMO khác, bạn sẽ phải tập trung vào các pha hành động hơn là trò chuyện với người chơi xung quanh, thì ở Minecraft, chính nhờ một gameplay gần như... không có mà các người chơi có thể trò chuyện với nhau. Có thể bạn đang muốn cải thiện tòa nhà của mình, bạn có thể gọi nhờ ai đó trong server chạy ra giúp đỡ, góp ý với công trình bạn đang xây. Và còn gì vui hơn khi được dẫn người chơi khác tới những căn phòng bí mật, hay thậm chí chỉ cho họ hệ thống đường hầm bạn vừa đào dưới lòng đất của tòa nhà.
     

     
    Tính cộng đồng trong Minecraft cũng rất cao. Một số server sẽ có hệ thống bảo vệ những công trình mà người chơi xây khỏi những kẻ phá hoại, và hình phạt cho những “phạm nhân” ấy là khóa các chức năng xây dựng của họ, hay thậm chí “ban” khỏi server. Đến khi bạn chán công việc xây dựng hay thăm thú, bạn có thể tham gia cuộc thi đấu với luật do người chơi tự nghĩ ra và truyền dậy nhau, như “Spleef”, với người chơi phải tìm cách làm người kia rơi xuống vực trong đấu trường bằng cách phá miếng sàn dưới chân họ, hay “sumo”, một cuộc thi đẩy nhau xem ai ngã ra ngoài trước trong một đấu trường nhỏ hơn. Notch đã trao cho người chơi một bộ công cụ, và chính người chơi đã tạo ra một thế giới, một xã hội và một gameplay.


    Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng bàn luận về mảng "ăn tiền" của Minecraft, mang tên tạm thời là Minecraft Alpha. Bật mí một chút, phiên bản này còn có nhiều yếu tố gameplay hơn chỉ xây dựng thôi đấy!

     
    Phát triển: Markus “Notch” Persson
    Phát hành: Markus “Notch” Persson
    Hệ máy: PC – Java

    NỔI BẬT TRANG CHỦ