Chân dung 3 "công thần" của làng game thuần Việt

    PV, Nghi Lâm 

    Họ đều giữ vai trò rất lớn trong công cuộc thúc đẩy ngành phát triển game Việt trong vài năm qua.

    Kể từ chỗ gần như vô danh tiếng, hiện tại game thuần Việt không còn xa lạ gì với giới trẻ Việt Nam khi hàng loạt dự án mới chào đời. Để có được điều ấy, không thể phủ nhận công sức rất lớn của một vài "lão làng". Tuy có thể khác nhau về hoàn cảnh, nhưng chắc chắn họ đều mang trong mình niềm đam mê vô cùng lớn bên cạnh sự táo bạo và thức thời.
     
    Ông Đặng Hồng Quang - Giám đốc GSS, trưởng dự án Thuận Thiên Kiếm
     
    Là MMO thuần Việt đầu tiên xuất hiện trên thị trường và vừa đoạt giải thưởng Sao Khuê 2011, Thuận Thiên Kiếmxứng đáng là sản phẩm đáng tự hào với VNG, bất chấp việc nó còn chưa thực sự thành công. Suy cho cùng, chính trò chơi này là động lực lớn để thúc đẩy ngành phát triển game nước nhà lên một ngưỡng hoàn toàn mới.
     

    Chân dung ông Đặng Hồng Quang.
     
    Và không thể không nhắc đến người đứng sau dự án quan trọng này là ông Đặng Hồng Quang - Giám đốc Game Studio South. Cũng như những thành viên khác trong nhóm nghiên cứu, Đặng Hồng Quang đến với Thuận Thiên Kiếm bởi lý do duy nhất” thích chơi game và muốn làm game”. Và cũng vì game mà mọi người GSS hay đùa: "Mái tóc anh ngày càng thưa dần đi theo năm tháng".
     
    Nổi bật với phong cách ăn mặc rất "bình dân", không phải ai cũng biết ông Quang trước đây từng là nhân vật có nhiều danh tiếng trong giới công nghệ thông tin và từng là GĐSP Cửu Long Tranh Bá.
     

    Bên cạnh đại sứ Mai Phương Thúy.
     
    Vị GĐ này từng tâm sự rằng ông luôn phải đau đầu khi suy tính làm sao tạo tinh thần và niềm tin về một tương lai thành công khi Thuận Thiên Kiếm ra mắt. Bởi không chỉ có báo giới mà ngay cả một số người trong ê -kíp có những thời điểm cũng rất nao núng về sự thành công của MMO thuần Việt đầu tiên.
     
    Ông Võ Bằng Phan - Giám đốc VTC Studio, trưởng dự án SQUAD
     
    Nếu như Thuận Thiên Kiếm mở đường cho game Việt phát triển, thì SQUAD của VTC Studio là MMO đầu tiên khiến giới trẻ nước nhà cảm thấy trình độ làm game nội địa bắt đầu ngang bằng với thế giới. Ngay từ những ngày đầu dự án được công bố, vẻ đẹp của đồ họa và phong cách làm việc bài bản của nhóm phát triển đã khiến nhiều người phải khâm phục.
     

    Ông Võ Bằng Phan - GĐ VTC Studio.
     
    Và người góp công lớn nhất để làm nên điều đó chính là "đầu tàu" VTC Studio - Ông Võ Phan. Cũng mang phong cách khá "bụi bặm", ông Phan từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, có Bằng quản lý đô thị (ĐH Toronto, Canada) và Bằng EMMA in game design, HKU Holland.
     
    Chặng đường đến với game dev của vị GĐ này cũng rất khác người, sau khi cảm thấy không phù hợp với nghề kiến trúc, ông Phan quyết định bỏ tất cả để sang Hà Lan theo học phát triển game. Tháng 6/2009, Bằng Phan chính thức đầu quân về Công ty VTC online và bắt tay vào thực hiện những ý tưởng của mình.
     

    Ông Phan phát biểu tại hội thảo phát triển game do VTC tổ chức.
     
    Bắt đầu từ con số 0, ông đã xây dựng một dự án mang tính thử nghiệm và đến nay bước đầu đã đi vào hoạt động hiệu quả. Thời gian đầu chỉ có 6 người, giờ đội game đã lên tới con số gần 60 người, chạy cho 4 dự án game của VTC online. “Tôi chỉ học, chỉ làm những gì tôi thích. Những thứ tôi thấy vô nghĩa, có đẩy tôi cũng không học, không làm được”, ông tâm sự.
     
    Ông Nguyễn Tuấn Huy - Giám đốc Emobi Games, trưởng dự án 7554
     
    Khác hẳn với các dự án game thuần Việt hiện tại chủ yếu khai thác thị trường game online, Emobi Games đã khiến gamer đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tuyên bố phát triển trò chơi offline nội địa đầu tiên. Và họ đã làm quá tốt, đưa 7554 trở thành tâm điểm của cộng đồng trong 1 năm trở lại đây.
     

    Chân dung trưởng dự án 7554 - Điện Biên Phủ.
     
    Ai đứng sau những nỗ lực ấy? Đó chính là ông Nguyễn Tuấn Huy, một nhân vật cũng với phong cách tương đối "bụi bặm" giống như 2 ứng viên bên trên. Điều đáng nói là mặc dù không có doanh nghiệp nào "trụ" sau lưng, ông Huy vẫn tự tin và táo bạo khi dẫn dắt Emobi đến tận ngày nay, đó là điều không phải ai cũng làm được.
     
    Lý lịch của vị GĐ này khá mịt mờ vì không muốn lộ diện nhiều trước cộng đồng, chỉ biết rằng trước đây đã có thời ông theo học và làm game tại nước ngoài. Hiện tại, biệt danh của ông tại Emobi là "Huy râu" và thường được mô tả khá hài hước rằng: "Mặt thì già nhưng tính thì trẻ con, chuyên gia rủ rê ăn chơi nhảy múa đến mức quên đường về".
     

    Ông Huy (hàng sau cùng, thứ 3 từ trái sang) bên cạnh nhóm phát triển 7554.
     
    Theo ông Huy, khó khăn nhất đối với dự án 7554 lúc này là vấn đề vốn, chính vì thế thái độ cũng như sự tiếp cận của game thủ Việt với dự án này sau khi phát hành chính là chìa khóa quyết định studio có... lỗ hay không. Tuy nhiên dù lỗ hay lãi thì nhóm phát triển vẫn đi theo con đường mình đã chọn đến cùng.
     
    "Chúng tôi là một đội ngũ nhỏ đang thực hiện một dự án 'điên rồ', phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng vào năm 2008 khi không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể làm game", vị GĐ này tâm sự.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ