Dấu hỏi lớn về khả năng thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ 3

    PV, Tổng hợp từ diễn đàn game 

    Người kế nhiệm thứ 3 của series VLTK nhiều khả năng đã "có vé" về Việt Nam, tuy nhiên nó có dễ dàng chinh phục được giới trẻ nước nhà như dư luận từng dự đoán hay không lại là chuyện khác.

    Suốt một ngày qua, tin tức về việc một NPH Việt rất có thể đã nắm trong tay quyền phát hành Võ Lâm Truyền Kỳ 3 khiến cộng đồng game thủ trong nước bàn tán xôn xao. Đây cũng là điều dễ hiểu vì nếu so sánh với Cửu Âm Chân Kinh hay Aion, người kế nhiệm series VLTK được giới truyền thông nước nhà nhắc đến nhiều hơn cả trong suốt năm 2009.
     

    Dư luận quan tâm tới khả năng thành công thay vì tên tuổi NPH VLTK3.
     
    Tuy vậy thay vì tranh cãi xem "ông lớn" nào "đặt gạch" nhanh đến thế, các luồng ý kiến chủ yếu xoay quanh khả năng thành công của trò chơi khi cập bến Việt Nam. Có hai lý do dẫn tới điều này. 
     
    Thứ nhất, hầu hết mọi người đều tin rằng với quá khứ thành công của VLTK12, VinaGame chính là NPH VLTK 3. Thứ hai, "dù là doanh nghiệp nào thì cũng có cung cách phát hành như nhau cả thôi", có thể bắt gặp rất nhiều phản ánh tương tự trên diễn đàn trò chơi trong nước.
     
    Kiếm hiệp - chìa khóa hút khách
     
    "Võ Lâm Truyền Kỳ 3 về Việt Nam thì chắc chắn sẽ hút khách thôi, ngoài yếu tố cốt truyện kiếm hiệp và bối cảnh trung hoa ra còn cả cộng đồng người chơi Võ Lâm 1 , 2 và Kiếm Thế đổ sang, khéo không kịp mở server chứa cho đủ ấy chứ", Tuấn Minh, game thủ Hà Nội đang gắn bó với Kiếm Thế cho hay.
     

    Trung thành với lĩnh vực kiếm hiệp, VLTK 3 ghi điểm lớn tại Việt Nam.
     
    Theo Minh và đa phần người chơi khác, công thức "kiếm hiệp = thành công" được áp dụng tại Việt Nam những năm qua không phải không có cơ sở, đơn giản là vì tất cả những sản phẩm thuộc lĩnh vực này đều ít nhiều hút tiền, hoặc ít nhất cũng hút khách trong thời gian dài. Thậm chí ngay cả khi NPH quản lý kém, người chơi vẫn "nườm nượp" kéo về.
     
    Thêm nữa, cộng đồng game thủ VLTKKiếm Thế được coi là chiếm phần lớn trong số các tín đồ thế giới ảo nước nhà luôn sẵn sàng đổ sang thưởng thức món ăn mới. Đó là chưa kể tới việc xu thế 2D, 2,5D bắt đầu bão hòa tại Việt Nam và giới trẻ luôn thèm muốn được trải nghiệm trong thế giới 3D.
     

    Thừa hưởng cộng đồng đông đảo từ VLTK 1, 2 và Kiếm Thế.
     
    Quá khứ thành công tại nước bạn Trung Quốc cũng là "tay vịn" giúp bất kỳ NPH nào tại Việt Nam an tâm khi đưa Võ Lâm Truyền Kỳ 3 về nước. Rõ ràng không ai có thể phủ nhận trò chơi đã tạo nên cơn sốt đình đám cho giới trẻ xứ sở Gấu trúc, đến nỗi xuất hiện cả những trường hợp thần đồng... vừa bú sữa vừa say sưa "trừ gian diệt bạo" trong trò chơi.
     
    Cấu hình & thu phí - Rào cản lớn nhất
     
    Tuy sở hữu nhiều lợi thế, nhưng không phải vì thế mà "con cưng" của KingSoft năm 2009 không tồn tại những yếu tố bất cập khi gia nhập thị trường Việt Nam. Rào cản đầu tiên dễ nhận ra nhất chính là vấn đề yêu cầu cấu hình máy tính quá cao.
     
    Muốn vận hành trơn tru Võ Lâm Truyền Kỳ 3, cỗ PC của game thủ ít nhất phải sở hữu lượng RAM 1GB, card màn hình 6600GT. Còn nếu muốn tận hưởng đầy đủ phong cảnh đẹp mê hồn, người chơi cần thỏa mãn được gấp đôi yêu cầu tối thiểu (RAM 2GB, VGA 9500GT).
     
        
    Cấu hình VLTK 3
     
    Cấu hình yêu cầu: Windows XP/Vista, chip Intel Pentium E2180/ AMD AM2 Athlon 64 X2 5000 , RAM 2 GB DDR2, đồ họa Nvidia GeForce 9500GT 256M/ATI Radeon HD 4650 256M.

    Cấu hình tối thiểu: CPU Pentium 4 1.8Ghz, Windows XP/Vista, RAM 1GB, đồ họa Nvidia GeForce 6600 GT, bộ nhớ trống 5GB
     
    Điều này đồng nghĩa với việc những ai đang dùng laptop hạng trung để vi vu trong Kiếm Thế, Tây Du Ký nên từ bỏ sớm ước mơ trải nghiệm trong sản phẩm mới. Ngay cả các quán internet được trang bị máy móc "kha khá" cũng chưa chắc đã kham nổi trò chơi chứ chưa nói tới mặt bằng cấu hình tiệm game tại các khu vực ngoại ô.
     
    Thứ hai, được coi là bước đột phá trong gameplay nếu so sánh với hai người anh VLTK 1, 2, nhưng chưa hẳn Võ Lâm Truyền Kỳ 3 đã ăn đứt được những tựa game cùng thể loại mới ra đời. Thậm chí theo một số phản ánh, lối chơi trong Cửu Âm Chân Kinh còn có phần "nhỉnh hơn" tựa game này.
     

    Đồ họa bóng bẩy nhưng chưa hẳn gameplay đã vượt trội.
     
    "Hồi xưa thì còn thấy VLTK 3 này hay, bây giờ nói thật là nó không còn đặc sắc cho lắm. Nhiều game khủng có cách chơi đột phá quá nên VLTK 3 yếu thế hẳn. Nếu đưa game này về từ 4 hay 5 tháng trước thì còn 'hot' chứ sắp tới mới mang về thì... nguội mất rồi", rất nhiều ý kiến tương tự đang xuất hiện trên diễn đàn.
     
    Thứ ba, hiện tại KingSoft đang tiến hành thu phí cho VLTK 3 tại Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa với việc khi về Việt Nam, 99% trò chơi sẽ áp dụng tính năng tương tự vì yếu tố Cash-shop không còn. Với xu thế "free to play" đang ngày càng chiếm hữu thị trường, liệu trò chơi có thể đứng vững về mặt lợi nhuận? Nên nhớ là sẽ còn rất nhiều MMORPG 3D miễn phí giờ chơi hoàn toàn xuất hiện nên game thủ không thiếu món ăn để lựa chọn.
     

    Game thủ Việt có dễ chấp nhận thu phí thay vì Cash-shop?
     
    Ngay như "siêu phẩm" Aion được mong đợi như vậy nhưng khoản tiền 100.000 VNĐ/1 tháng được coi là "không thể rẻ hơn" vẫn khiến nhiều người chơi còn đang ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đắn đo thì đủ để thấy rào cản P2P lớn đến như thế nào.
     
    Với những phân tích bên trên, ắt hẳn mỗi người đều đã có câu trả lời cho tiềm năng thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ 3 tại Việt Nam, quãng thời gian phía trước vẫn còn dài và chúng ta hãy cùng chờ xem.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ