"Mổ bụng" Intel NUC Skull Canyon: Mini PC dùng để chơi game

    Dee Tee,  

    Một lựa chọn không tệ với những ai yêu thích thiết kế nhỏ gọn và tối giản.

    Chúng tôi từng có những bài viết giới thiệu và đánh giá chi tiết về dòng sản phẩm NUC của Intel, cụ thể là mã NUC6i3SYH tích hợp vi xử lý Intel Core i3 Skylake.

    Lần này, tôi có cơ hội trên tay một máy NUC cao cấp hơn, sử dụng vi xử lý Intel Core i7 mạnh mẽ với nhân đồ họa tích hợp có thể chơi được game ở mức cơ bản., Intel NUC Skull Canyon.

    Nếu như các thiết bị NUC thông thường được thiết kế với mục đích làm việc văn phòng, thì NUC Skull Canyon hướng tới nhu cầu giải trí cơ bản. Từ vẻ ngoài cho tới cấu hình bên trong nó.

    Thiết kế

    Nếu so với các máy NUC thông thường, Skull Canyon có phần kém "sang trọng" hơn, nhưng lại giữ được vẻ hầm hố mà game thủ mong muốn. Thay vì sáng bóng từ lớp vỏ kim loại, NUC Skull Canyon bao trọn bởi họa tiết "tổ ong" (honeycomb) vô cùng "ngầu".

    Điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là chi tiết "đầu lâu" nằm trên vỏ của thiết bị, đúng như chữ Skull trong tên gọi của nó. Dù có phần cách điệu khác với một chiếc hộp sọ thông thường, nhưng để tránh gây sợ hãi cho người dùng và những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, nhà sản xuất đã tặng kèm một nắp hộp khác, bỏ đi phần "đầu lâu" nói trên.

     Chi tiết bộ Adapter cấp nguồn.

    Chi tiết bộ Adapter cấp nguồn.

    NUC Skull Canyon cũng được làm mỏng hơn hẳn, điều này có phần giúp ích nhiều hơn cho những người có ý định treo máy lên tường hoặc mặt sau của màn hình. Các máy NUC thông thường bị coi là quá dày để làm điều này.

    Thiết kế mỏng hơn cũng tác động phần nào tới việc sắp xếp các linh kiện phía trong máy, tôi sẽ đề cập trong phần sau của bài viết.

    Tổng thể, thiết kế của NUC Skull Canyon khác biệt hoàn toàn so với các bộ kit trước đây của Intel. Nó không còn mang tính "văn phòng" nữa, thay vào đó sản phẩm này có thể được sử dụng giúp góc làm việc và giải trí của bạn ấn tượng hơn. Nếu là một người tinh ý, bạn sẽ tìm được không ít điểm chung của thiết bị này với dòng sản phẩm Allienware danh tiếng dành cho game thủ.

    Các cổng kết nối

    Có một số điểm thay đổi đáng chú ý trong các cổng kết nối của NUC Skull Canyon so với các sản phẩm trước đây, nên tôi nghĩ rằng nên có một phần riêng đề cập tới yếu tố này.

    Đầu tiên là sự xuất hiện của cổng USB Type-C tân thời, vốn đang dần trở nên phổ biến hơn trên các thiết bị di động cũng như một số sản phẩm máy tính. Trong 1 năm trở lại đây, các nhà sản xuất linh kiện máy tính, cụ thể là vỏ case và mainboard đang dần bổ sung cổng kết nối này vào các sản phẩm của họ, và Intel cũng không nằm ngoại lệ.

    Với sự xuất hiện của USB Type-C, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và tiện dụng hơn với NUC Skull Canyon.

    Bên cạnh đó, phiên bản này còn được bổ sung cổng quang (opitcal) giúp xuất âm thanh chất lượng cao hơn, phục vụ cho các hệ thống loa đắt tiền. Tôi đánh giá đây là một trong những hệ điểm nhấn rất đáng chú ý để người dùng chọn mua NUC Skull Canyon.

    Còn lại, các cổng kết nối bao gồm 3 cổng USB 3.0, 1 cổng SuperCharge và các cổng xuất hình ảnh vẫn được giữ nguyên so với trước đây.

    Cấu hình và các thành phần linh kiện

    Là một thiết bị NUC, giống với các mã khác thuộc dòng sản phẩm này, NUC Skull Canyon vẫn chỉ là một bộ kit, bao gồm vỏ, vi xử lý cùng bo mạch và các phụ kiện khác.

    Đồng nghĩa với việc, khi mua một bộ NUC Kit, bạn sẽ phải mua thêm RAM và ổ SSD để sử dụng.

    Cấu hình:

    - Vi xử lý: Intel Core i7-6770HQ(4 lõi,3.5 GHz,TDP 45 W)
    - Đồ họa: Intel Iris Pro 580
    - 2 khe cắm RAM DDR4 tối đa 32 GB, 2133 MHz
    - Lưu trữ: 2 khe cắm SSD M.2
    - Mạng không dây:Wireless-AC 8260 và Bluetooth 4.2​

    Hãy cùng xem bên trong NUC Skull Canyon có những gì.

    Phần thân có phần dài hơn của NUC Skull Canyon giúp thiết bị này bổ sung thêm hệ thống tản nhiệt. Ngay khi mở bên trong chúng ta sẽ thấy một chiếc quạt hút gió nhỏ đặt ở phía bên cạnh, nhiệm vụ là hút khí nóng từ CPU ra ngoài. Phiên bản NUC thông thường không có phần tản nhiệt lớn như vậy.

    Dưới đây là tổng thể NUC Skull Canyon bên dưới lớp vỏ.

    Như đã nói ở trên, với một thiết kế mỏng hơn, chắc chắn khả năng sắp xếp các linh kiện bên trong thiết bị sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy rõ nhất là Skull Canyon đã loại bỏ đi khả năng gắn ổ SSD SATA như thông thường, thay vào đố sử dụng hoàn toàn 2 ổ cứng SSD cỡ nhỏ dùng chuẩn M2.

    Một phần không thể thiếu chính là 2 khe cắm RAM DDR4 như đã nói ở trên.

    Đây là loại RAM dành cho Laptop, ngắn hơn so với RAM máy tính thông thường.

    Ở mặt trên, chúng ta chỉ có thể thay thế RAM và ổ SSD, giống với các sản phẩm NUC khác, Skull Canyon sẽ giấu kín vi xử lý ở mặt dưới,nơi người dùng không thể can thiệp được.

    Hiện tại, giá bán của NUC Skull Canyon là 16 triệu đồng chưa bao gồm RAM và ổ SSD M.2. Một mức giá không hề rẻ cho nhu cầu giải trí cơ bản.

    Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chi tiết hơn về hiệu năng của thiết bị này, chúng tôi sẽ benchmark hiệu năng thực tế khi chơi game và khả năng tản nhiệt của sản phẩm trong các bài viết tiếp theo.

    Cảm ơn An Phat Computer đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ