Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tháo cái tủ sấy quần áo này ra xem bên trong nó có những gì, và giá 449K như vậy đã phải là rẻ hay chưa nhé!
Chào các bạn. Ở bài trước tôi đã chia sẻ với các bạn trải nghiệm dở khóc dở cười vì "ham rẻ" mà mua tủ sấy được quảng cáo là "Công nghệ Nhật" nhưng chưa dùng đã hỏng. Vì đã mất công lắp cái tủ thành hình, lại không muốn phải đợi trả hàng hoàn tiền lâu la trong khi sắp hết quần áo để mặc vì phơi đã mấy hôm chưa khô nên tôi liên hệ trực tiếp với chủ shop.
Sau khi gửi đầy đủ video chứng minh sản phẩm lỗi thì chủ shop đồng ý đổi cho tôi cái củ sấy khác nhưng phải chịu phí ship cái bị hỏng về cho shop.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tháo cái củ sấy này ra xem bên trong nó có những gì, và giá 449K như vậy đã phải là rẻ hay chưa nhé!
Đầu tiên là phần ngoại quan:
Các nhãn dán ghi chữ Trung Quốc, cả ký hiệu bật/tắt ở quanh núm hẹn giờ cũng là tiếng Trung Quốc luôn chứ không có dấu hiệu nào mang dáng dấp Nhật Bản, Nhật Tân hay Nhật Tảo cả!
Bung ruột
Sau khi tháo 4 con ốc ở mặt đáy ra thì chúng ta thấy được phần kết cấu bên trong bao gồm:
+ Một đồng hồ hẹn giờ bằng dây cót;
+ Một chiếc quạt trông giống quạt tản nhiệt CPU máy tính cách đây khoảng chục năm được gắn bên dưới một tấm tỏa nhiệt;
+ Một bảng mạch với khoảng chục linh kiện điện tử;
+ Vài sợi dây được bọc chống cháy;
Tiếp tục tháo đồng hồ hẹn giờ bằng cách rút núm vặn rồi đẩy 4 ngàm nhựa ra khỏi khe giữ ở mặt trước. Như vậy là đã có thể lôi toàn bộ phần "lòng mề" của củ sấy "công nghệ Nhật" này ra.
Chiếc đồng hồ hẹn giờ này đóng vai trò là công tắc (timer) với dây cót và các bánh răng nhựa bên trong. Trên vỏ ghi rõ là Made in China.
Tôi thấy có 1 chiếc cầu chì nhiệt 113 độ C và 1 rơ le nhiệt. Rơ le nhiệt này có chức năng tạm ngưng cấp điện cho tấm tỏa nhiệt khi nhiệt độ đã đạt đến một ngưỡng nào đó, còn cầu chì nhiệt đảm bảo an toàn cho thiết bị khi nhiệt độ tăng quá cao.
Như vậy, củ sấy này được trang bị 2 cấp bảo vệ khỏi quá nhiệt nhưng tôi không thấy có cầu chì bảo vệ quá dòng.
Tấm tỏa nhiệt là các miếng gốm kẹp giữa những cánh tán nhiệt – giống hệt với những chiếc máy sưởi gốm mà chúng ta vẫn thấy ở trong các nhà vệ sinh hoặc phòng sinh hoạt – và được cấp điện 220V trực tiếp.
Quạt sử dụng động cơ không chổi than, điện áp 12V và dòng 0.35A, tức là công suất khoảng 4.2W. Ở nhiều thiết bị điện tử, đặc biệt là CPU máy tính thì chiếc quạt này có chức năng tản nhiệt làm mát, còn với chiếc củ sấy này thì nhiệm vụ của quạt là thổi hơi nóng sinh ra từ các tấm tỏa nhiệt theo hướng từ dưới lên trên để sấy quần áo.
Hôm trước của sấy của tôi bị hỏng chính chiếc quạt này đây!
Nếu coi bộ phận tỏa nhiệt là trái tim, cái quạt là lá phổi thì bo mạch nguồn này chính là bộ não của chiếc củ sấy.
Chúng ta thấy các linh kiện phổ thông như tụ điện, điện trở, diode, biến áp, con IC điều khiển công suất SDH8324 (12V-500 mA). Tổng giá tiền của những linh kiện trên bo mạch này theo tôi đoán thì có lẽ không đến 30K, và chi phí chế tạo cả cụm củ sấy chắc khoảng 70K là cao.
Nhìn sơ qua thì chúng ta có thể tự sửa chữa được bo mạch này tại nhà với giá rất rẻ nếu linh kiện bị hư hỏng không phải là biến áp hoặc con IC.
Trong trường hợp biến áp hoặc IC hỏng thì cần tới tay nghề khá hoặc "quăng sọt rác" chứ có đưa cho các kỹ sư Nhật Bản thì chắc họ cũng bó tay mà thôi.
Mời các bạn xem video ở đây:
Mổ bụng tủ sấy quần áo "Công nghệ Nhật": có gì mà giá tận những 449K?
Thử tính tiền "mù"
Như bài trước chúng ta đã biết, chiếc tủ sấy này bao gồm 1 tấm vải bạt, 12 thanh sắt tròn, 6 thanh nhựa có lỗ để gắn các thanh sắt và chiếc củ sấy.
Tấm bạt tủ sấy có giá rẻ nhất trên mạng mà tôi thấy là 120K chứ chi phí sản xuất có lẽ thấp hơn – chắc chỉ 40-50K; ống inox tạm tính 30K, thanh nhựa 30K, củ sấy 70K thì tổng vào khoảng 180K. Tất nhiên đây chỉ là là giá tôi ước lượng, và chưa có chi phí vận chuyển, lưu kho cũng như lãi của nhà sản xuất và người bán.
Tổng kết
Như vậy, với giá 449K thì tôi cho rằng tủ sấy "công nghệ Nhật" này không phải là rẻ. Điểm đáng lưu ý là nó không được trang bị cầu chì chống quá dòng, do vậy trong quá trình sử dụng có thể xảy ra nguy cơ chập cháy, hỏng bo mạch khi điện đầu vào không ổn định.
Những chiếc tủ sấy có giá cao hơn như 600K, 800K hay thậm chí 1-2 triệu đồng thì nguyên lý hoạt động và cấu tạo cũng tương tự như thế này, có chăng là chúng được trang bị thêm mạch điện tử để điều khiển từ xa và đẩy giá cao hơn mà thôi.
Loại tủ sấy quần áo này nếu bị hỏng hóc thông thường (nổ tụ, chết điện trở...) thì việc sửa chữa cũng không khó khăn và chi phí cũng thấp nếu gặp thợ có tâm, không chặt chém.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"