VTV.vn - Tại nhiều trường Đại học, việc đào tạo bổ sung, chuyên sâu đã giúp rút ngắn thời gian để sớm cung cấp lực lượng lao động chất lượng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Việt Nam hiện đang có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, lượng nhân sự này chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Vì vậy, sẽ cần có những giải pháp đẩy nhanh việc hợp tác đào tạo để cung ứng bổ sung lao động trong lĩnh vực này từ nay đến năm 2030.
Tại nhiều trường Đại học, việc đào tạo bổ sung, chuyên sâu đã giúp rút ngắn thời gian để sớm cung cấp lực lượng lao động chất lượng trong lĩnh vực này.
Trong buổi thực hành chuyên sâu tại phòng thí nghiệm ngành vi mạch bán dẫn thuộc chương trình liên kết của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới, các sinh viên và học viên vừa được tiếp cận các nội dung đào tạo mới, vừa được trao cơ hội học bổng, việc làm nếu có kết quả tốt.
"Trong quá trình học tập và đào tạo bài bản tại Lab (phòng thí nghiệm) thì sinh viên có cơ hội nhận được học bổng toàn phần. Điều đó đã thúc đẩy mình cũng như các bạn sinh viên tại Lab theo đuổi ngành vi mạch này" - học viên Phan Vạn Kim, Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, cho biết.
Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường - Phó trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Trong chương trình này, chúng tôi đào tạo chuyên sâu hơn, cung cấp nhiều kiến thức sâu hơn, kinh nghiệm thực tiễn sâu hơn cho học viên để học viên có thể đảm nhận được khâu thiết kế trong chuỗi công việc thiết kế chip, từ đó làm chủ khâu thiết kế chip, đặc biệt là các chip phức tạp trong thời đại công nghiệp hiện nay".
Trái với nhiều lo ngại về việc chương trình đại học kéo dài 4 đến 5 năm và có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội, việc đào tạo nhân lực theo hướng mở, linh hoạt và chuyên sâu, vì thế, chỉ cần dưới 12 tháng là một sinh viên công nghệ có thể đáp ứng tốt công việc lĩnh vực bán dẫn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông - cho rằng: "Sinh viên của học viện dự kiến từ năm 2024 đã có thể tham gia học chuyên ngành này. Dự kiến năm 2025, chúng tôi sẽ có nguồn nhân lực là kỹ sư đúng chuyên ngành thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường lao động".
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: "Trên thực tế, về chuyên ngành, chúng tôi chỉ cần đào tạo từ vài tháng đến 1 năm nhưng đòi hỏi những năm đầu phải tích luỹ tốt các kiến thức căn bản. Vì vậy, các trường phải cung cấp cho sinh viên những viên gạch về kiến thức, kỹ năng tốt thì sau đó dù thị trường có xoay chuyển thế nào, sinh viên vẫn có thể đáp ứng, làm việc được".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, mô hình mở này giúp lao động công nghệ vốn rất dồi dào tại Việt Nam có thể tham gia đào tạo bổ sung, chuyển đổi và trở thành nguồn cung mới bù đắp cho nhu cầu lao động bán dẫn trong những năm tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple chính thức mở bán Mac mini M4 tại Việt Nam: Chip M4 và M4 Pro, RAM khởi điểm 16GB, giá ưu đãi từ 12.5 triệu đồng
Người dùng hiện sẽ phải chờ khoảng 2 đến 3 tuần để nhận máy.
Cầm Sony 85mm F/1.4 GM II giá 50 triệu du hí bắc Thái Lan và đây là những gì tôi chụp được