Mô hình sản xuất mà Tim Cook đang áp dụng cho iPhone có nguy cơ đổ bể vì virus corona
Hay sự nguy hiểm của hệ thống sản xuất JIT.
Vào năm 2011, các mẫu xe Ford với ba tông đỏ khác nhau bỗng trở nên cực hiếm trên thị trường.
Những màu này, cùng với một màu khác gọi là "đen tuxedo", đều dựa trên một loại thuốc màu có hiệu ứng lấp lánh gọi là Xirallic, vốn do công ty Đức tên Merck KgaA sản xuất tại Onahama, Nhật Bản. Onahama vào thời điểm đó vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trận sóng thần và sau đó là thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi – nhà máy của Merck tại đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới sản xuất được loại thuốc màu này.
Không chỉ Ford rơi vào tình thế khó xử; GM, Toyota, và BMW đều sử dụng Xirallic để pha sơn. Tình trạng khan hàng đã ảnh hưởng đến 1/3 trong tổng số 200 màu xe mà Toyota cung ứng trên thị trường, hay khoảng 20% tổng sản lượng của công ty.
Ngành công nghiệp xe hơi hoạt động dựa trên một thứ gọi là "sản xuất just-in-time", hay JIT. Một hệ thống JIT hiệu quả phải đảm bảo được đủ số lượng linh kiện cần thiết tại một nhà máy cụ thể, vào một thời điểm chính xác theo lịch trình – và không để sót lại bất kỳ thứ gì. Xe hơi để càng lâu mà không có người mua sẽ càng giảm giá trị. JIT sẽ giúp giảm số lượng hàng tồn kho. JIT còn giúp tăng lợi nhuận bằng cách cho phép các sản phẩm mới hiện diện trên thị trường nhanh hơn, bởi chúng phải cạnh tranh với ít hàng cũ đang tồn kho hơn.
Sản xuất just-in-time là mô hình sản xuất hiệu quả cao. Nó cũng rất dễ…"phá sản", mà ví dụ về Xirallic ở trên là một bằng chứng rõ nét. Nhưng những hứa hẹn về khả năng giảm được hàng tồn kho cũng như tăng lợi nhuận đã biến JIT thành một cuộc cách mạng thầm lặng trong sản xuất – mà có lẽ Apple là hãng ứng dụng thành công nhất mô hình này. Trên thực tế, JIT như một "chân lý" tại Apple, cho đến khi virus corona khiến Trung Quốc chao đảo.
Trước khi nắm giữ vị trí CEO của Apple, công việc của Tim Cook dưới vai trò COO là triển khai mô hình sản xuất just-in-time. Cook đã quen thuộc với mô hình này bởi nó là một phần trong công việc đầu tiên của ông tại IBM. Steve Jobs biết mình cần một người nào đó hỗ trợ tái thiết công đoạn sản xuất của Apple, và ông đã thuê Tim Cook từ tay Compaq để làm điều đó.
Tim Cook đã "đóng cửa các nhà máy và nhà kho trên toàn thế giới, và thay vào đó là thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất theo hợp đồng" – theo một bài báo vào năm 2008 trên Fortune Magazine. Cook gọi hàng tồn kho là "điều xấu xa căn bản", do đó ông đã tìm cách rút ngắn khoảng thời gian số hàng tồn kho này tồn tại trong bảng cân đối ngân sách của công ty "từ vài tháng xuống còn vài ngày". Vào năm 2012, một bài báo trên tờ The Atlantic đã ca ngợi Apple vì khả năng bán sạch hàng tồn kho và nhập hàng mới mỗi 5 ngày một lần. Việc Apple đều đặn tung ra, sản xuất, và giao hàng triệu chiếc iPhone trên toàn thế giới mỗi năm mà vẫn đảm bảo số hàng tồn kho ở mức tối thiểu thực sự là một phép màu của việc toàn cầu hóa sản xuất just-in-time – nhưng đến đầu năm 2020, cả hệ thống JIT này đang đứng trước những thách thức đến từ virus corona!
Virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán, một trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, nơi cung ứng hàng hóa cho hầu như toàn bộ phần còn lại của thế giới; kết quả là chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ảnh hưởng lan rộng đến mọi công ty công nghệ. Apple sẽ không đạt được doanh thu dự báo trong quý II; dây chuyền sản xuất iPhone của hãng rơi vào tình trạng trì trệ. Microsoft công bố doanh thu quý tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng lớn – đặc biệt, mảng Windows và Surface vốn đều phụ thuộc vào phần cứng sản xuất tại Vũ Hán, đều sẽ không đạt được kỳ vọng mà Microsoft đặt ra. "Chuỗi cung ứng đang trở lại hoạt động bình thường ở tốc độ chậm hơn so với dự kiến" – công ty này nói.
TrendForce, một nhà cung cấp dịch vụ phân tích chuỗi cung ứng, đã dự báo sẽ có một đợt khan hàng máy tính laptop vì thiếu hụt nhân công và nguyên vật liệu, cũng như tình hình giao thông vận tải bị giới hạn. Công ty dự báo sẽ có 5,7 triệu máy tính laptop xuất xưởng trong tháng 2, giảm 48% so với cùng thời điểm vào năm ngoái.
Sản lượng smartphone sẽ giảm 12% trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái – theo dự báo của TrendForce. Smartphone chắc chắn không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi chúng đòi hỏi nhiều nhân công và nhiều thành phần linh kiện được sản xuất ở nhiều nơi khác. Vào ngày 5/3, TrendForce đã gửi một email đến khách hàng với nội dung đợt dịch lần này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng smartphone trong vòng từ 1 đến 3 tháng. Ngân hàng Mỹ dự báo các sự kiện giới thiệu iPhone 5G và iPhone SE2 của Apple nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn.
Điều đó sẽ gây tác động đáng kể lên nền kinh tế - theo lời Koray Kose, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner. Các công ty quyết định trì hoãn quá trình sản xuất của các sản phẩm lớn trong danh mục sản phẩm của họ buộc phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc phải thay đổi chu kỳ giới thiệu sản phẩm để thích ứng với sự trì hoãn, hoặc kéo dài vòng đời của một sản phẩm hiện có trên thị trường.
Những vấn đề đối với chuỗi cung ứng không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Italy và Hàn Quốc đều là những quốc gia có dịch, nhiều khả năng khiến Hyundai và Fiat Chrysler bị ảnh hưởng. Samsung đã phải tạm ngừng hoạt động một trong các nhà máy tại Hàn Quốc của hãng sau khi một số nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Không chỉ các nhà máy nằm cuối khâu sản xuất bị ảnh hưởng. Chuỗi cung ứng đã và đang đứt đoạn ở nhiều nơi. Vật liệu thô như thép, đồng, và nhôm đều bị mắc kẹt trong kho, khiến quá trình sản xuất các sản phẩm làm từ các vật liệu này bị chậm lại. Kose không cho rằng những ảnh hưởng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ chấm dứt trong một quý. "Năm 2020 sẽ bị tác động lớn. Và mô hình just-in-time đồng nghĩa rằng hàng tồn kho không có nhiều" – Kose nói.
Theo Kose, sản xuất just-in-time có tính hiệu quả cao, nhưng không bền vững. Loại hình sản xuất này giúp cắt giảm chi phí – nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng khan hàng sẽ xảy ra. Nếu bạn đang có dự định mua sắm lớn, như mua xe hay laptop, bạn nên quyết định khi các sản phẩm vẫn còn hàng. "Có lẽ đến cuối quý I, bạn sẽ thấy tình trạng khan hàng trên mọi lĩnh vực. Đừng hốt hoảng mua bất kỳ thứ gì, mà hãy đánh giá lại quá trình đầu tư hoặc chi tiêu của mình" – Kose nói.
Trong ngành công nghiệp xe hơi, virus corona đồng nghĩa với việc nhiều nhà cung ứng không thể cung cấp sản phẩm đúng lịch trình – theo Caroline Chen, một nhà phân tích tại TrendForce. Tạm ngừng sản xuất đồng nghĩa nhiều nhà cung ứng bị ảnh hưởng. Chen chỉ ra rằng ngành kho bãi và vận chuyển cũng rơi vào tình trạng khốn đốn.
Vấn đề chính trong việc dự báo chính xác phải mất bao lâu mọi thứ mới phục hồi chính là việc không có nhiều thông tin về chuỗi cung ứng – Michelle Krebs, một nhà phân tích tại Autotrader nói. Hầu hết các công ty – như Ford hay GM – đều biết ai đang cung ứng hàng cho họ. Nhưng họ không biết ai cung ứng hàng cho các nhà cung ứng. Hơn nữa, số lượng các nhà cung ứng đã giảm đi thông qua nhiều thương vụ hợp nhất. Đơn hàng càng nhiều, lợi nhuận càng cao – nhưng nó cũng đồng nghĩa với một chuỗi cung ứng mong manh dễ vỡ. "Khi có chuyện không may xảy ra, tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng" – cô nói.
Để tạo nên một hệ thống bền vững hơn, nhiều công ty sẽ phải xem xét lại mô hình sản xuất just-in-time. "Chi phí rủi ro cao ngất ngưởng tồn tại trong hàng tồn kho JIT và chuỗi cung ứng xuyên quốc gia là điều rất ít khi được thảo luận" – Eric Weinstein, giám đốc tại Thiel Capital nói. Tính bền vững không thể hiện rõ trong bảng thu chi như lượng chi phí được cắt giảm, nhưng lại là yếu tố quan trọng giúp các công ty tồn tại khi tình trạng gián đoạn xảy ra. Giảm chi phí bằng cách tạo ra hiệu quả kinh tế theo quy mô và khối lượng mang lại kết quả tốt trong hầu hết các trường hợp, nhưng một khi có vấn đề, các công ty sẽ không có nhiều lựa chọn – Kose nói. "Bạn đặt bản thân vào một tình huống rất khó khăn khi tin rằng quy mô kinh tế là lựa chọn tốt nhất để định giá cạnh tranh nhất".
Kose không nghĩ đây sẽ là lần cuối chúng ta chứng kiến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, trừ khi các nhà sản xuất sẵn sàng đầu tư vào các chiến lược bền vững và đa nguồn. Trên thực tế, đó chính là điều Merck KgaA đã làm sau khi trận sóng thần ở Nhật phá hủy nhà máy thuốc màu Xirallic: họ tạo ra một loại thuốc màu khác tên Meoxal, và bắt đầu tích trữ nó cùng với Xirallic ở nhiều địa điểm khác nhau bên cạnh Onahama. Mất 6 tháng Merck KgaA mới đuổi kịp những đơn hàng trước đó của Xirallic.
Đến năm 2013, Xirallic không chỉ được sản xuất ở Onahama – còn một nhà máy dự phòng ở Gernsheim (Đức) cũng sản xuất loại thuốc màu này. Nhưng loại hình bền vững này sẽ khó khăn hơn đối với Apple. Sản xuất các sản phẩm Apple đòi hỏi kỹ năng lao động rất cao. "Kỹ năng lao động ở đây đơn giản là không thể tin được" – Cook nói tại một hội thảo ở Trung Quốc vào năm 2017. "Ở Mỹ, khi tổ chức một buổi họp với các kỹ sư thiết kế linh kiện, chưa chắc phòng họp đã kín người. Ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá."
Và do đó, Cook gọi những vấn đề của chuỗi cung ứng là một "điều kiện tạm thời", và khẳng định Apple sẽ không di dời nhà máy khỏi Trung Quốc. "Chúng tôi chỉ điều chỉnh một vài chỗ, không phải những thay đổi căn bản, hàng loạt" – Cook nói. Terry Gou Tai-ming, nhà sáng lập của Foxconn – đối tác sản xuất lớn của Apple – nói vào ngày 12/3 rằng quá trình đưa dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại đã "vượt quá những kỳ vọng và hình dung của chúng tôi". Nhưng viễn cảnh màu hồng của Gou nhanh chóng bị phủ bóng bởi những quan ngại liên quan chuỗi cung ứng điện tử tại Nhật và Hàn Quốc, hai quốc gia cũng đang đứng trước một đợt bùng dịch lớn.
Một khu vực lớn khác trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bùng dịch: Mỹ. Trên lý thuyết, sản xuất JIT sẽ cho phép Apple tự điều chỉnh khi nhu cầu thấp, nếu ngày càng nhiều người ở nhà và không ra ngoài mua các thiết bị nữa – hoặc nếu chính quyền địa phương yêu cầu Apple phải đóng cửa các cửa hàng. Còn trên thực tế thì sao? Có lẽ chúng ta sắp biết rồi.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"