Mở hộp máy chiếu bỏ túi ASUS ZenBeam Go E1Z: xem phim màn rộng ngay tại nhà mà không cần TV
Giải trí on-the-go với mức giá phải chăng là có thật.
Khi nhắc đến máy chiếu, nhiều người thường sẽ nghĩ đến những chiếc máy chiếu dày cục, nặng nề hay xuất hiện trong các phòng họp, lớp học hay những nơi tổ chức sự kiện. To nặng là thế nhưng thường những chiếc máy chiếu này có độ phân giải khá thấp, chỉ 1024x768p với chất lượng hình ảnh cũng còn tương đối hạn chế. Với mục đích đánh tan định kiến đó cũng như định hình một phân khúc sản phẩm mới, ASUS đã ra mắt ZenBeam Go E1Z, được quảng cáo là máy chiếu bỏ túi có đèn nền sáng nhất thế giới.
Hộp của ASUS ZenBeam Go E1Z khá đơn giản với hình ảnh sản phẩm có kích thước gần bằng với sản phẩm thật. Phía dưới tên gọi sản phẩm là dòng quảng cáo: "Máy chiếu mini kết nối USB sáng nhất thế giới". Ngoài quảng cáo về thời lượng pin sử dụng lên tới 5 giờ, ASUS còn tranh thủ in các giải thưởng danh giá về thiết kế mà sản phẩm của mình nhận được trong năm 2016.
2 cạnh bên của hộp là các tính năng nổi bật của sản phẩm như kết nối USB, công nghệ hình ảnh DLP hay phần mã QR để người dùng Android dễ dàng quét và tải ứng dụng, driver cho sản phẩm. Các tính năng khác cũng đáng được nhắc tới như trọng lượng nhẹ, đèn chiếu LED, âm thanh SonicMaster, có thể được sử dụng như sạc dự phòng hay khả năng thay đổi góc màn hình theo góc chiếu.
Mở hộp ra, chúng ta có thể thấy ZenBeam Go E1Z được đặt ngay ngắn trong vỏ da bảo vệ. Hướng tới đối tượng cần di chuyển nhiều, việc trang bị một chiếc vỏ da để hạn chế trầy xước trong quá trình vận chuyển là một phụ kiện cực kì đáng giá, cho thấy ASUS rất quan tâm đến nhu cầu của người dùng khi thiết kế.
Phụ kiện của ZenBeam Go E1Z khá đa dạng. Riêng phần ổ sạc đã được trang bị tới 3 đầu chân cắm để người dùng có thể sạc gần như ở khắp nơi trên thế giới. Cáp kết nối cũng có tới 3 chiếc với 1 dây microUSB-microUSB và 2 dây USB-microUSB để phù hợp với hầu hết các thiết bị từ laptop tới điện thoại, máy tính bảng. ASUS thậm chí còn trang bị cho E1Z một chân chuyển USB Type-C sang USB Type-A để kết nối với các điện thoại trang bị USB-C như Xiaomi MI5, Google Nexus 5X hay 6P,...
Chiếc E1Z trong tay tôi hôm nay có vỏ màu vàng khá thời thượng. Mặt trên của E1Z không có gì nổi bật. Phía trên là con lăn để điều chỉnh tiêu cự lấy nét. Xuôi về phía đuôi máy chiếu là logo ASUS với 2 đèn LED thông báo ở bên cạnh. Đèn này sẽ có tác dụng thông báo tình trạng hoạt động, tình trạng pin cũng như tình trạng sạc pin của máy.
Cạnh dưới của máy chỉ gồm 4 chân cao su, một lỗ gắn tripod cùng logo ASUS và các thông tin kiểm định của sản phẩm.
Mặt trước E1Z là đèn chiếu, được bảo vệ bởi một nắp trượt. Khi che đèn chiếu, nắp này sẽ để lộ ra logo ASUS ZenBeam.
Sạc dự phòng gía cao
Mặt sau máy được trang bị khá nhiều cổng kết nối. Lần lượt từ trái sang phải là lỗ ấn nút reset, cổng ra audio 3.5mm, cổng tín hiệu vào qua microUSB, cổng xuất nguồn 5V/1A để sạc các thiết bị di động, cổng vào microUSB để sạc pin cho máy chiếu. Nút nguồn với nhiều chế độ gồm bấm 1 lần để bật sạc như pin dự phòng, bấm và giữ để bật chế độ trình chiếu. Khi đang trình chiếu, nút nguồn này sẽ đóng vai trò điều chỉnh độ sáng và chế độ màu của sản phẩm.
2 cạnh bên của E1Z là lỗ loa đồng thời cũng là lỗ thoát nhiệt. Tản nhiệt cho chiếc ZenBeam Go này là hệ thống quạt tản nhiệt với số vòng quay tương đối cao. Thiết kế này là rất cần thiết bởi bóng LED của E1Z toả nhiệt khá lớn, cần một giải pháp tản nhiệt chủ động để đảm bảo khả năng hoạt động ổn định. Một điểm trừ của hệ thống tản nhiệt này là tiếng ồn phát ra khá lớn nếu ở trong phòng yên tĩnh. Tất nhiên, nếu bạn dùng máy chiếu để xem phim và phát loa thì tiếng ồn từ quạt tản nhiệt sẽ khó nhận ra hơn.
Mặc dù có thể đặt ở bất cứ mặt phẳng nào, sử dụng tripod vẫn là giải pháp tối ưu nhất để lựa chọn góc chiếu như ý. Lỗ cắm tripod trên E1Z tương thích với tất cả các tripod máy ảnh hiện nay. Với tính năng Auto Keystone Correction - tự động điều chỉnh góc chiếu, hình ảnh xuất ra sẽ luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất, không bị méo hay lệch hình.
Để kết nối với điện thoại thông qua cổng microUSB, bạn chỉ cần cài đặt ứng dụng DisplayLink trên Google Store. Đây là một lợi thế của E1Z so với các đối thủ nhờ khả năng hỗ trợ tất cả các điện thoại Andoid chứ không bị giới hạn với những chiếc điện thoại tích hợp công nghệ MHL. Ngoài ra bạn có thể cài đặt thêm ứng dụng ZenBeam GO để điều chỉnh các chế độ màu cũng như độ sáng của máy chiếu. Khi kết nối với điện thoại, E1Z sẽ chiếu thẳng hình ảnh đang hiển thị trên màn hình điện thoại, rất tiện lợi cho nhu cầu trình chiếu ở các roadshow, đi du lịch hay thậm chí là chiếu lên trần xe ôtô. Rất tiếc là ZenBeam Go E1Z chưa hỗ trợ iOS.
Kết nối với PC cũng khá đơn giản khi chỉ cần cài đặt driver trên trang chủ của DisplayLink rồi cắm dây. E1Z sẽ được nhận diện như một màn hình phụ nên việc thiết lập không có gì khó khăn. Loa 2W của ở cạnh bên cho âm lượng và chất lượng đủ dùng. Hạn chế của chiếc máy chiếu này là độ phân giải chỉ 1280x720 cũng như không hỗ trợ các MacBook đời mới với cổng USB-C. Tuy nhiên, sẽ là quá tham lam nếu yêu cầu cao hơn ở một chiếc máy chiếu bỏ túi có giá dưới 10 triệu.
Thời lượng pin của E1Z là tạm ổn. Trong quá trình sử dụng thực tế, thời lượng pin khi chạy hình ảnh ít chuyển động như trình chiếu slide hay các ứng dụng văn phòng với loa không hoạt động có thể đạt khoảng 4 tiếng, 80% con số của nhà sản xuất. Trong khi đó, ở tác vụ xem phim, vốn phải kết hợp với loa, thời lượng pin chỉ đạt khoảng gần 3 tiếng. Dù ở tác vụ nào, dung lượng pin 6000mAh của E1Z về cơ bản vẫn là đủ để hoàn thành tác vụ đó trước khi hết pin.
Kết luận, ASUS ZenBeam Go E1Z là một sản phẩm rất tiện lợi mà vẫn có chức năng vừa đủ. Với trọng lượng chỉ 300g, đây là sản phẩm cực kì thích hợp cho những người có nhu cầu trình chiếu mà phải di chuyển nhiều. Kể cả làm việc hay giải trí, E1Z đều thực hiện khá tròn vai. Việc chưa hỗ trợ iOS cũng như chưa tương thích với các dòng MacBook cổng USB-C là hạn chế duy nhất còn tồn tại của chiếc máy chiếu này. Ở mức giá gần 10 triệu đồng, E1Z sẽ là một sản phẩm cực kì đáng tiền cho những ai có thể đầu tư.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"