AMOLED và LCD - công nghệ nào cho tương lai di động?

    PV,  

    Công nghệ màn hình di động được chia làm 2 loại chính là AMOLED và LCD, nhưng giữa chúng lại có những khác biệt cơ bản tạo nên điểm mạnh riêng.

    Người dùng vốn đã rất quen thuộc với màn hình AMOLED và LCD. Tuy nhiên, rất ít trong chúng ta hiểu rõ sự khác biệt giữa hai nền tảng công nghệ này. Chưa kể, họ có thể bị các công ty quảng cáo qua mặt với những lời mời chào có cánh.

    Màn hình AMOLED và LCD có những khác biệt cơ bản.
    Màn hình AMOLED và LCD có những khác biệt cơ bản.

    Công nghệ AMOLED

    Chúng ta sẽ bắt đầu với màn hình AMOLED, nhưng trước tiên cần tìm hiểu rõ công nghệ OLED có những đặc điểm gì. Ngay cả tên gọi của chúng cũng bao hàm lẫn nhau vì cả hai đều dựa vào cơ chế các đi-ốt phát quang (LED).

    Nếu đã từng chơi với những bóng đèn đơn sắc nhỏ nhỏ xinh xinh, mọi người có thể tưởng tượng trong một màn hình, chúng được thu nhỏ đáng kể và sắp xếp theo các cụm màu đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển để tạo nên một điểm ảnh riêng biệt mà từ đó sẽ phát ra ánh sáng trắng và màu sắc khác nhau. Việc sắp xếp các subpixel này ảnh hưởng hiệu suất của màn hình.

    Màn hình AMOLED sử dụng ma trận động.
    Màn hình AMOLED sử dụng ma trận động.

    Chữ O trong OLED là viết tắt của từ Organic (hữu cơ). Rất đơn giản, một loạt tấm phim mỏng làm bằng chất liệu hữu cơ được đặt giữa 2 dây dẫn trong mỗi đi-ốt phát sáng (LED), sau đó được sử dụng để tạo ra ánh sáng khi dòng điện chạy qua.

    Cuối cùng, AM trong AMOLED là chữ viết tắt của cụm từ Active Matrix (ma trận động). Trái ngược với nó là ma trận thụ động gồm một hệ thống mạng lưới phức tạp được sử dụng để kiểm soát từng điểm ảnh. Tuy nhiên, điều này khiến khả năng xử lý hình ảnh chậm và nhiều khi không chính xác.

    Hệ thống ma trận động đính kèm một bóng bán dẫn màng mỏng (TFT) và tụ điện trên mỗi LED. Bằng cách này, khi một hàng và cột được kích hoạt để truy cập vào một điểm ảnh, các tụ điện tại điểm ảnh có thể duy trì chu kỳ của nó, cho phép kiểm soát hoạt động nhanh và chính xác hơn.

    Chúng ta có thể biết đến loại màn hình khác là Super AMOLED, thuật ngữ được Samsung sử dụng để chỉ công nghệ tích hợp cảm ứng điện dung ngay trong màn hình thay vì một lớp cảm ứng riêng biệt được ghép cùng. Điều này góp phần giúp sản phẩm mỏng hơn đáng kể.

    Lợi thế của màn hình OLED nằm ở việc mỗi điểm ảnh đều kiểm soát tối đa khả năng hiển thị màu. Chúng có thể tắt hoàn toàn, giúp hiển thị màu đen sâu hơn và tăng độ tương phản. Loại màn hình này tiết kiệm đáng kể năng lượng nhờ chế độ hiển thị mờ hoặc tắt hẳn.

    Bên cạnh đó, việc không có tấm nền tạo điều kiện cho ánh sáng phát ra tối đa tạo nên hình ảnh chân thực và cho góc nhìn tốt hơn.

    Màn hình OLED rất mỏng, phù hợp với các nhà sản xuất thiết bị di động tạo ra những sản phẩm gọn nhẹ.

    Màn hình LCD

    LCD là viết tắt của cụm từ Liquid Crystal Display, với khả năng tái tạo màu sắc khoàn toàn khác biệt so với AMOLED. Không tự tạo ra ánh sáng, màn hình LCD phải nhờ đến đèn nền để hiển thị hình ảnh.

    Màn hình LCD không tạo ra ánh sáng trắng riêng.
    Màn hình LCD không tạo ra ánh sáng trắng riêng.

    Không thể tạo ra bước sóng ánh sáng trắng riêng, vốn là hỗn hợp tất cả các màu có thể nhìn thấy được trong dải quang phổ. Do đó, đèn LCD tạo ra ánh sáng trắng giả với hiệu suất tốt nhất, mà từ đó có thể được lọc để tạo thành những màu sắc khác nhau nhờ các yếu tố tinh thể lỏng. Hầu hết màn hình LCD đều dựa trên một đèn nền LED màu xanh, từ đó được lọc qua một lớp phốt-pho vàng nhằm tạo ra ánh sáng trắng giả.

    Tiếp theo, quá trình trở nên phức tạp hơn mọi người thường nghĩ. Ánh sáng sau đó phân cực và được đưa qua yếu tố tinh thể. Các tinh thể được xoắn ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào điện áp, có thể điều chỉnh góc độ ánh sáng phân cực. Tiếp đến, ánh sáng đi qua bộ lọc phân cực thứ hai. Cuối cùng, một bộ lọc gồm màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương được đưa vào để nhóm các màu sắc vào các điểm ảnh, từ đó hiển thị các màu sắc khác nhau trên màn hình.

    Những yếu tố kể trên cho phép màn hình LCD kiểm soát tốt ánh sáng RGB tới bề mặt bằng cách sử dụng đèn nền thay vì việc mỗi điểm ảnh tự tạo ra ánh sáng màu như AMOLED.

    Sự khác biệt giữa Super AMOLED và LCD

    Sự khác biệt lớn nằm ở cách ánh sáng tạo ra mang đến trải nghiệm người dùng không giống nhau. Gam màu là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa 2 loại màn hình này. AMOLED cho phạm vi màu lớn, kết quả là hình ảnh trông sống động hơn LCD.

    LCD và AMOLED có những khác biệt về cấu trúc điểm ảnh.
    LCD và AMOLED có những khác biệt về cấu trúc điểm ảnh.

    Màn hình OLED có xu hướng làm nổi bật màu xanh dương và xanh lá. Ngay cả khi để toàn màu trắng, chúng ta vẫn thấy màn hình hơi ám xanh. Điều này khiến OLED thể hiện màu sắc không được tự nhiên cho lắm.

    Trong khi đó, màn hình LCD lại thiên về việc hiển thị thêm màu đỏ và một chút sắc xanh nhẹ. Mặc dù không sở hữu gam màu rộng như “đối thủ”, nhưng LCD lại đạt tới rất gần tiêu chuẩn FBG vốn được sử dụng nhiều trên các phương tiện truyền thông.

    Một điểm đáng chú ý là trên điện thoại, chúng ta thấy màu sắc có thể khác nhau ngay cả với những sản phẩm cùng loại. Ví dụ như BlackBerry và Note 5 đều sử dụng chung màn hình AMOLED, tuy nhiên chúng ta đều thấy rõ sự khác biệt giữa chúng, trong khi màn hình LCD trên V10 còn khác hơn nữa.

    Ngay cả màn hình cùng loại cũng có những khác biệt.
    Ngay cả màn hình cùng loại cũng có những khác biệt.

    Việc đưa nhiều chủ đề màu khác nhau cùng hiệu chỉnh để đạt mục tiêu riêng của từng nhà sản xuất tạo nên sự khác biệt giữa các loại màn hình. Độ chính xác màu cũng là điểm cần bàn tới, đặc biệt với màu trắng. Kiểm tra một số smartphone Android tốt nhất năm ngoái cho thấy, màn hình OLED hiển thị kết quả chính xác hơn, trong khi LCD hơi ám xanh nhẹ.

    Thêm nữa, màn hình LCD thường bị rò ánh sáng, cùng với đó là độ tương phản thấp vì như khi hiển thị màu đen, đèn nền cũng không tắt hẳn. Bộ lọc trên loại màn hình này cũng phần nào hạn chế ánh sáng phát ra, làm cho góc nhìn giảm so với OLED.

    Hai công nghệ khác nhau dẫn đến độ chênh lệch về tuổi thọ. Màu sắc trên màn hình OLED có xu hướng nhạt dần theo thời gian, ngược lại, LCD lại đạt sự cân bằng khá lâu.

    Chọn người chiến thắng

    Cả hai loại màn hình đều có những ưu, nhược điểm riêng của nó. Với việc chi phí sản xuất ngày càng giảm cùng nhiều lợi ích khác khiến OLED ngày càng được ưa chuộng. Nhưng LCD nhờ chi phí vốn rất thấp vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phân khúc sản phẩm giá rẻ.

    AMOLED và LCD đều có những ưu, nhược điểm riêng.
    AMOLED và LCD đều có những ưu, nhược điểm riêng.

    Các nhà sản xuất màn hình lớn, như LG Display, đang đặt cược vào công nghệ OLED với những khoản đầu tư lớn. Thị trường màn hình AMOLED dự kiến có giá trị gần 30 tỷ USD trong năm 2022, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

    Tuy nhiên, sự phát triển của loại màn hình LCD Quantum Dot có thể thu hẹp khoảng cách giữa màn hình LCD và OLED. Vì thế, chắc chắn không thể gạt LCD ra khỏi cuộc đua công nghệ hiển thị trong tương lai.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ