App Store và Play Store hãy coi chừng - hai vị đang có một đối thủ rất nguy hiểm đấy
Apple App Store và Google Play Store vẫn đang là hai chợ ứng dụng thống trị tuyệt đối trên thiết bị di động, nhưng một đối thủ khác đang đến, và hai ông lớn nên dè chừng newbie này.
Cách các nhà phát triển bán ứng dụng đã thay đổi. Không chỉ đơn giản như thanh toán trong ứng dụng hay mức giá cao để tải xuống nữa. Dù sao, điều đến tiếp theo có thể là bất cứ thứ gì, ngoài trừ việc giải quyết vấn đề này. Một cách làm hứa hẹn hiện tại là Amazon Underground, một mô hình mới đang tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ khi ra mắt một vài tháng trước.
Amazon Underground là gì ?
Với những ai chưa biết đến Underground – thực ra là hầu hết mọi người – mô hình vô cùng đơn giản, đặc biệt cho khách hàng. Họ chỉ đơn giản tải một trò chơi, thường là ứng dụng có giá ít nhất 1 USD hay 2 USD trên nền tảng khác, và được chơi miễn phí. Sẽ không còn phí trả trước, cũng không còn thanh toán trong ứng dụng. Amazon trả tiền cho các nhà phát triển dựa trên thời gian người dùng ở lại trên ứng dụng của họ.
Nhưng họ được trả bao nhiêu? Và thực sự người dùng đang giành bao nhiêu thời gian cho chúng? Amazon đã làm sáng tỏ một số điều về Underground và nó đã tăng trưởng nhanh như thế nào trên chiến trường khốc liệt này. Cũng như với doanh số phần cứng, con số Amazon chia sẻ không phải là tuyệt đối. Thay vào đó, chúng chỉ là những phần trăm, vì vậy không thể nói chính xác về quy mô của Underground so với Google Play hay App Store (chắc chắn là rất nhỏ). Dù sao, tốc độ tăng trưởng là rất ấn tượng.
Số tiền trả cho các phát triển hiện lên tới 3.600% kể từ khi Amazon Underground ra mắt vào tháng Tám năm ngoái. Chỉ riêng từ tháng Mười Hai đến tháng Một, chúng đã tăng 50%. Số lượng nhà phát triển trên nền tảng này đã tăng gấp ba lần kể từ khi ra mắt, và lượng khách hàng đã tăng 870%.
Một phần quan trọng cho tăng trưởng này dựa trên sự phổ biến của tablet Amazon Fire, đi kèm với Underground được cài sẵn. Đây là điều đặc biệt quan trọng, bởi vì Underground có thể bị hạn chế truy cập với các thiết bị ngoài hệ sinh thái của Amazon. Những người sở hữu thiết bị Android sẽ phải chỉnh sửa tiến trình download để có thể cài đặt Underground trên điện thoại của họ. Vì những lý do cạnh tranh, Google không cho phép các ứng dụng được bán ứng dụng và trò chơi khác trong Play Store. Trong khi đó, với những tín đồ iOS, họ hoàn toàn không thể truy cập Underground.
Dù sao, bạn cũng có thể nhận thấy đó là một hệ thống cân bằng lợi ích cho cả người tiêu dùng và những nhà phát triển. Sau tất cả, mua hàng trong ứng dụng, lại thường là một tai họa cho cả hai. Không ai muốn bỏ ra vài USD chỉ để lên cấp trong game, còn các nhà phát triển cũng thường không thích làm gián đoạn mạch chơi của khách hàng chỉ vì vài đồng lẻ. Nhưng nó là cách tốt nhất để thu lợi nhuận. Hay ít nhất là như vậy, cho đến khi Amazon Underground xuất hiện.
Thành công của Underground đến từ đâu
Coffee Stain Studios là một nhóm nhỏ, chỉ có 7 trò chơi đang kinh doanh. Có thể bạn đã nghe nói về Goat Simulator, một ứng dụng đúng như tên của nó. Về cơ bản, những gì bạn làm là mô phỏng một con dê.
“Goat Simulator là một trò chơi hoàn toàn ngu ngốc” là những gì mà công ty mô tả về trò chơi của mình. “Và thẳng thắn mà nói, bạn nên dành thời gian cho một điều gì đó khác, ví dụ như trò hula hoop, một đống gạch hoặc cùng bạn bè bỏ tiền ra để mua một con dê thật.”
Nhưng người ta không nghe thấy điều này. Trong gần hai năm kể từ khi ra mắt, Goat Simulator đã được tải về hơn 500.000 lần trong Google Play Store, với giá 5 USD một lần. Các phiên bản khác như Goat Simulator MMO Simulator và Goat Simulator GoatZhave cũng đã được tải xuống hơn 50.000 lần mỗi bản, cùng với giá 5 USD. App Store trên iOS không cung cấp con số tải xuống cụ thể, nhưng Goat Simulator phiên bản gốc nằm trong top 30 ứng dụng trả phí của họ. Hóa ra con dê đó lại là con gà đẻ trứng vàng.
Con dê bạn tìm thấy trên Amazon Underground cũng tương tự như trên các đối tác iOS hay Android, chỉ với một sự khác biệt cơ bản. Thay vì phải trả khoản phí 5 USD, bạn có thể chơi miễn phí.
Điều này có vẻ là một động thái kỳ lạ với một ứng dụng đã đạt được những thành công đáng kể với mô hình trả phí. Vì vậy, ban đầu, CEO của Coffee Stain Studios, ông Anton Westbergh không hào hứng lắm với ý tưởng này.
“Ngành công nghiệp game đang thay đổi quá nhanh, bạn không bao giờ biết điều gì sắp tới sẽ là sự vĩ đại tiếp theo.” Ông Westbergh cho biết. “Chiến lược của chúng tôi về cơ bản là thử những điều mới khi chúng mới xuất hiện.”
Như ông Westbergh cho biết, những phản ứng ban đầu là không mấy ấn tượng. Nhưng lượng tải xuống đã tăng đột biến từ người dùng tablet Fire trong đợt nghỉ lễ so với ngày bình thường.
Nhưng cũng như Amazon, ông Westbergh từ chối đưa ra con số cụ thể. Dù sao, các nhà phát triển cho rằng, doanh thu Goat Simulator trên Underground cũng vượt trội so với phiên bản trên Google Play khoảng 30%. Điều này đặc biệt ấn tượng khi bạn nhớ rằng trên các nền tảng kia bạn phải trả 5 USD cho mỗi lần tải, còn với Underground, số tiền Coffee Stain Studios nhận được chỉ là 0,002 USD cho mỗi phút người dùng tương tác với ứng dụng.
Tải Amazon Underground trên giao diện BB OS 10.
Vậy điều gì đã thúc đẩy thành công của Goat Simulator trên Underground, ông Westbergh cho rằng, có một vài yếu tố trong đó. “Người dùng Amazon Underground có thể rất khác so với các nền tảng khác.” Ông cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều trẻ em trên Underground so với các nền tảng hàng đầu khác. Chúng tôi tính phí 5 USD ở những nơi khác, số tiền đó có thể quá nhiều khi một đứa trẻ hỏi bố mẹ chúng nếu muốn chơi.”
Một nguyên nhân khác làm nên thành công của “con dê” này có thể đến từ bản thân nội dung của trò chơi. Underground trả tiền dựa trên thời lượng chơi dài, do vậy sẽ mang lại lợi ích cho những trải nghiệm mở, hầu hết là việc di chuyển xung quanh và đập phá mọi thứ. Đó là thực tế đơn giản mà Goat Simulator tạo ra thành công vang dội trong mọi môi trường mà nó xâm nhập vào.
Đó cũng là lý do tại sao không phải ứng dụng nào cũng sẽ có được thành công trên Underground như Goat Simulator. Trên thực tế, có những loại game nhất định sẽ gặp khó khăn với mô hình trả tiền theo từng phút chơi. “Một điểm chúng tôi thấy có thể là nhược điểm của mô hình này, đó là nó không được tối ưu cho các game chơi ngắn.” Ông Westbergh cho biết. “Có những trải nghiệm chất lượng rất cao được thiết kế để chơi trong một thời gian giới hạn, nhưng vẫn đáng bỏ tiền ra. Amazon Underground sẽ không phù hợp với những điều đó.”
Một vài nhược điểm khác của Amazon Underground đã tồn tại từ khi mới xuất hiện là do sự chấp nhận của khách hàng. Người dùng lựa chọn tải ứng dụng trên Fire giống như đang tạo cho mình một bộ sưu tập những hit mà họ đã từng chơi, cho dù những tựa game như Monument Valley hay Star Wars : Knights of Old Republic đã có nhiều năm tuổi. Và vẫn còn những người dùng đang tiếp tục cài đặt Underground trên các thiết bị không phải Amazon Fire, (Android, BB OS 10) họ sẽ không sớm rời đi bất cứ lúc nào.
Điều này giải thích một phần lý do tại sao, sự tăng trưởng bứt phá này rất đáng khích lệ. Underground càng chứng tỏ bản thân như một hướng phát triển khả thi cho các nhà phát triển ứng dụng, càng có nhiều nhà phát triển sẽ chấp nhận rủi ro khi mang các ứng dụng mới hơn lên nền tảng này.
“Một khi Underground có thể chứng minh rằng một game trung bình ít nhất có thể làm được điều tương tự trên các nền tảng khác, tôi nghĩ đó sẽ là bước ngoặt cho nền tảng này.” Ông Westbergh nói. Với tốc độ này, dường như điều đó sẽ không còn lâu nữa. (Nếu bạn có ý định cài đặt nền tảng này trên thiết bị của mình, sẽ có một chút khó khăn, hiện Amazon Underground mới chỉ có cho khách hàng ở Mỹ, và phải tải ứng dụng ở ngoài thay vì cài đặt trên Google Play.)
Tham khảo WIRED
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"