Gần hết năm luận bàn về khái niệm Frenemy giữa Apple, Google, Samsung, Facebook... (P.2)

    Lê Hoàng,  

    Tiếp theo Phần 1, lần này chúng ta sẽ nói về Apple vs. Samsung, Google vs. Facebook và Qualcomm vs. Samsung.

    Apple và Samsung

    Khi Apple bắt đầu bước chân vào thị trường di động thì Samsung cũng đã có tới hàng chục năm bành trướng trên nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Lợi thế về chu trình và kinh nghiệm sản xuất khiến cho Samsung nhanh chóng chiếm được một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple.

    Nhưng sự ra đời của Galaxy S đã khiến mối quan hệ Apple và Samsung trở nên thù hằn hơn bao giờ hết. 2 thế hệ Galaxy đầu bảng đầu tiên khiến Steve Jobs nổi khùng vì đã copy iPhone một cách quá trắng trợn, nhưng những lời khuyên của Tim Cook, lúc đó vẫn là COO/giám đốc điều hành hoạt động, đã giúp cho Jobs tạm thời chưa đưa ra các biện pháp gay gắt có thể làm mất lòng nhà cung ứng lớn của mình. Giải pháp Apple đưa ra là yêu cầu Samsung phải trả phí nhượng quyền trên các mẫu Samsung, nhưng gã khổng lồ Hàn Quốc thì điềm tĩnh ra mắt Galaxy Tab 10.1 inch với thiết kế cũng… khá giống iPad 2.

    Những lời khuyên của Tim Cook nhanh chóng bị gạt sang một bên, và vụ kiện lịch sử giữa Apple và Samsung nổ ra vào tháng 4/2011. Trải qua nhiều cuộc đấu gay gắt trải khắp trên Tòa án tại nhiều nước, Samsung đã bị buộc phải bồi thường cho Apple khoản tiền hơn 700 triệu USD. Mới đây, một phán quyết mới tại Mỹ đã tái khẳng định rằng Samsung đã vi phạm bằng sáng chế của Apple cho đến tận Galaxy S3 và Galaxy Note 2. Tranh chấp pháp lý giữa đôi bên gay gắt tới mức các tờ báo công nghệ đều coi các vụ kiện Apple vs. Samsung là “cuộc chiến của thời đại smartphone”.

    Ấy vậy nhưng cho đến giờ Samsung vẫn là đối tác lớn của Apple trên các mảng linh kiện vi xử lý, chip RAM, chip bộ nhớ flash và màn hình – hay nói cách khác là gần như toàn bộ các linh kiện quan trọng trên iPhone. Điều trớ trêu là khi doanh thu của Samsung bắt đầu sụt giảm vì bị các hãng Trung Quốc dồn ép mạnh mẽ trên thị trường cấp thấp cũng như vì không thể cạnh tranh hiệu quả với Apple trên phân khúc cao cấp thì mảng gia công vi xử lý của hãng lại bắt đầu nổi lên với vị thế đối tác số 1 của nhiều tên tuổi lớn, trong đó mới nhất là Qualcomm. TSMC hay thậm chí là cả Intel vẫn chưa đủ trưởng thành trên mảng gia công chip để chiếm các đơn hàng của Samsung trong chuỗi cung ứng Apple, nhưng Samsung thì cũng không thể thiếu đi khách hàng Apple.

    Bởi vậy nên Samsung thì vẫn cứ đăng tải vô số những mẩu quảng cáo đả kích cả Apple lẫn iPhone, nhưng rồi vẫn kiếm được hàng chục đô-la doanh số từ smartphone của Apple. Tim Cook chắc hẳn cũng căm ghét Samsung, nhưng biết làm thế nào được khi bạn không thể sản xuất một chiếc smartphone khi không có… vi xử lý.


    Google và Facebook

    Đối thủ lớn nhất của Google không phải là Apple hay Microsoft mà lại là Facebook. Dù vẫn độc tôn trên nhiều mảng kinh doanh như tìm kiếm, email miễn phí, hệ điều hành di động hay bản đồ nhưng Google đã để lỡ miếng bánh ngon nhất của thị trường quảng cáo: mạng xã hội. Điểm khác biệt lớn nhất của mạng xã hội so với các dịch vụ dữ liệu khác là ở chỗ người dùng sẽ muốn chia sẻ những thông tin gần gũi nhất, thiết thực nhất như bạn bè, sở thích, vị trí, hoạt động hàng ngày... Tiếc thay cho Google, những thông tin này sẽ đem lại những mẩu quảng cáo chính xác hơn nhiều so với dữ liệu tìm kiếm hay trình duyệt, cho phép các công ty online marketing đạt hiệu quả kinh doanh lớn hơn.

    Thất bại của Google đã khiến cho miếng bánh này tuột khỏi tay gã khổng lồ xứ Mountain View. Dù làm chủ Android nhưng Google có vẻ lại bị ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc cách mạng smartphone, khi phần đông người dùng đều dành phần lớn thời lượng smartphone cho các mạng xã hội thay vì thực hiện tìm kiếm hay các tác vụ khác có thể giúp cung cấp thông tin quảng cáo cho Google. Cùng lúc, Facebook vươn lên trở thành bộ máy quảng cáo lớn thứ 2 thế giới. Với nhiều doanh nghiệp, việc chạy quảng cáo trên Facebook sẽ đem lại hiệu quả cao hơn quảng cáo trên Google.

    Những tưởng cái gai Facebook trong mắt Google sẽ ngày càng một lớn thì đến tháng 11 vừa qua, hai hãng này lại gây bất ngờ lớn khi Facebook tuyên bố sẽ cho phép Google thực hiện tìm kiếm các nội dung công khai (public) bên trong ứng dụng. Đổi lại, các kết quả trên Google.com sẽ được đưa trở lại về ứng dụng của Facebook.

    Cả 2 bên đều có lợi trong thương vụ trên: Google thì thu thập thêm được nhiều dữ liệu người dùng, còn Facebook thì gia tăng được thời gian người dùng sử dụng ứng dụng của họ thay vì để Google hướng họ sang các trang đối thủ khác. Song, nhiều người vẫn cho rằng Facebook đã nhượng bộ khá nhiều khi chấp thuận thương vụ này, bởi rõ ràng là thông tin từ phía Facebook “màu mỡ” hơn một vài vị trí trên trang kết quả của Google. Google cũng rất cần Facebook đi tiên phong trong công cuộc “mở đường” cho bộ máy tìm kiếm này truy cập vào các ứng dụng, một lãnh địa từ trước tới giờ vẫn bị “đóng” với chính ông chủ của Android.

    Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Google đang nắm trong tay hệ điều hành di động lớn nhất thế giới, và bởi vậy các nhà phát triển ứng dụng không ít thì nhiều cũng sẽ bị phụ thuộc vào các dịch vụ Google đi kèm trên nền tảng Android. Giả sử một ngày nào đó Google bắt đầu thu chi phí điều hành các dịch vụ này thì rõ ràng là Facebook sẽ phải gánh chịu một khoản chi phí khổng lồ.

    Việc thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Google trên Android cũng là rất khó khăn. Facebook đã ít nhất một lần tạo ra trải nghiệm “Android cho Facebook” với bộ launcher Facebook Home ra mắt vào năm 2013, nhưng dự án này cũng đã chìm nghỉm trong vòng chưa đầy một năm. Quan trọng hơn, trên các bản Android mới, Google đã thắt chặt sự phụ thuộc của các nhà phát triển vào dịch vụ của mình. Ví dụ điển hình là cơ chế thông báo (notification): từ Marshmallow thì việc đưa notification lên điện thoại của người dùng mà không thông qua Cloud Messaging của Google là rất khó khăn. Notification là cơ chế ảnh hưởng nhiều nhất tới chứng “nghiện” Facebook của người dùng, và cũng bởi vậy mà mạng xã hội này cũng đang phải sống nhờ trên căn nhà của Google.

    Nói tóm lại, Facebook và Google chắc chắn là ghét nhau chẳng kém gì Apple và Samsung nhưng cũng không thể sống thiếu nhau được. Một bên thì có những gì bên còn lại thèm muốn, một bên thì lại bị buộc phải phụ thuộc vào bên còn lại. Thay vì tìm cách triệt tiêu nhau, tốt hơn hết là Facebook và Google nên đẩy mạnh hợp tác để cùng áp đảo thị trường quảng cáo trực tuyến.


    Qualcomm và Samsung (và rất nhiều hãng smartphone khác)

    Qualcomm vốn không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong nhiều năm liền, dòng chip Snapdragon của hãng thống trị phân khúc smartphone cao cấp đến mức mà, ví dụ, vào đầu năm 2014, khi HTC One M8, LG G3 hay Xperia Z2 chưa ra mắt thì ai cũng đã biết trước rằng những chiếc smartphone này sẽ được trang bị chip Snapdragon 801. Các đối thủ lớn như NVIDIA hay Intel dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể chen chân được vào thị trường smartphone tên tuổi, còn Samsung thì cũng chỉ dám dùng chip Exynos tự phát triển cho một vài thị trường nhỏ.

    Nhưng chính sự phụ thuộc đó sau này đã làm hại cả Qualcomm lẫn các đối tác của hãng. Đầu năm 2015, các tin đồn rằng Snapdragon 810 bị hiện tượng quá nhiệt bắt đầu xuất hiện rộng khắp. Tin đồn này trở thành sự thật khi Xperia Z4 và HTC One M9 lần lượt gặp hiện tượng máy nóng (Sony sau này còn phải lên tiếng xin lỗi về vụ việc) còn LG thì phải dùng chip Snapdragon 808 kém mạnh mẽ hơn cho LG G4. Riêng Samsung thì chuyển sang chỉ sử dụng Exynos 7420 cho toàn bộ 4 sản phẩm đỉnh của năm 2015 (Galaxy S6, S6 edge, Note 5, S6 edge ). Mối quan hệ “bạn và một chút thù” giữa Samsung và Qualcomm bỗng dưng chuyển thành “thù và một chút bạn”.

    Đến năm nay thì mối quan hệ lâu năm này lại nồng ấm trở lại. Samsung tuyên bố sẽ sản xuất cả Snapdragon 820 và Exynos 8890 trên chu trình 14nm mới của hãng, một điều được cho là sẽ giúp Qualcomm tránh được những sự cố tương tự như Snapdragon 810. Đây cũng là tấm vé giúp cho Qualcomm trở lại với Galaxy S và Galaxy Note, 2 dòng smartphone cao cấp bán chạy bậc nhất của thế giới Android.

    Nhưng dĩ nhiên là tương lai sẽ không luôn luôn “hồng” như vậy. Samsung đang rất cần khách hàng cho mảng gia công chip (mỗi nhà máy không được sử dụng cũng sẽ gây thiệt hại khổng lồ cho hãng), nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo công ty điện tử Hàn Quốc sẽ không một lần nữa từ bỏ Qualcomm để chuyển sang sử dụng “hàng tự trồng được” trong tương lai. Đáng lo ngại hơn, các hãng smartphone có vẻ đã học được bài học từ vụ việc Snapdragon 810: các nguồn tin từ chuỗi cung ứng Đài Loan cho rằng LG và Sony đều sẽ đi theo bước chân của Apple, Samsung và Huawei khi tự phát triển chip của riêng mình.

    Bên cạnh yếu tố tránh phụ thuộc, các dòng chip tự phát triển cũng sẽ mang tới lợi thế riêng cho mỗi hãng trên chiến trường cạnh tranh. Ngược lại, nếu các tin đồn này là chính xác thì Qualcomm có lẽ cũng sắp phá sản. Bất luận tương lai của hãng thiết kế chip này là ra sao, bài học nhãn tiền từ vụ việc Snapdragon 810 là rất rõ ràng: khi những người “bạn” đang trông chờ vào bạn thì hãy cố gắng hết sức để đừng biến họ thành kẻ thù bằng một nỗi thất vọng to lớn.


    Vô số những mối quan hệ bạn thù khác

    Bên cạnh những mối quan hệ “vừa là bạn vừa là thù” điển hình nhất mà Genk vừa tổng hợp phía trên, khung cảnh hi-tech hiện tại còn buộc các hãng công nghệ tiếp tục phụ thuộc vào nhau dù căm ghét nhau đến mấy. Ví dụ, hãng nào cũng nắm một lượng lớn bằng sáng chế, buộc các hãng còn lại phải tìm cách để đạt được thỏa thuận nhượng quyền nếu muốn tiếp tục kinh doanh. Hoặc, một vài hãng sẽ chiếm vị trí quan trọng trên mảng linh kiện nhưng cùng lúc sẽ tham gia phát triển sản phẩm đầy đủ: Apple, Samsung, LG và OPPO đều đang sử dụng cảm biến camera Exmor của Sony. Trên lĩnh vực dịch vụ số, các mạng xã hội cũng cho phép chia sẻ nội dung lên các dịch vụ đối thủ một cách dễ dàng, trong đó khả năng chia sẻ lên Facebook và Twitter gần như luôn luôn có mặt.

    Lý do nào dẫn đến tình trạng này? Trong bối cảnh các tập đoàn phát triển rộng khắp, mỗi ông lớn cuối cùng vẫn chỉ có 1 thế mạnh thực sự. Khi mỗi ông lớn đã nắm được một cửa ngõ then chốt trong cuộc sống số của người dùng, các đối thủ cạnh tranh dù ghét cay ghét đắng cuối cùng vẫn sẽ phải xin hợp tác để củng cố cho các mảng kinh doanh trọng yếu của chính mình. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi các hãng phải theo đuổi các mục tiêu chính hoàn toàn khác biệt nhau: bạn không thể mong chờ sẽ có ngày Microsoft phát triển hệ điều hành riêng cho máy Mac và cũng không thể trông đợi Google giúp cho Microsoft phát triển Bing.

    Khung cảnh chồng chéo này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng chục năm sắp tới. Vậy nên, mỗi lần đọc các báo cáo tài chính về doanh thu cao ngất ngưởng của iPhone, bạn cũng đừng vội nghĩ rằng các đối thủ như Samsung và Google đã phải chịu thiệt. Trái lại, chính các đối thủ này cũng đang tận hưởng rất nhiều từ miếng bánh của Apple.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ