Google tự sản xuất chip: tới thời Android hết phân mảnh, thực tế ảo lên ngôi

    Yến Thanh,  

    Đây được xem là những chiến lược mới nhất của Google, nhằm mở đường cho hệ sinh thái Android đồng nhất trong tương lai.

    Trong vài ngày trở lại đây, thông tin về việc Google muốn tự mình sản xuất chip di động cho các smartphone Android đang trở thành tâm điểm của làng công nghệ thế giới. Nguồn tin thân cận với Google cho biết, hãng này đã gửi đi hàng loạt những đề nghị cộng tác cùng các nhà sản xuất chip bán dẫn, đồng thời khẳng định sẽ cho ra một chipset chính chủ Google trong tương lai.

    Cụ thể, báo cáo từ phía Google nêu rõ, sở dĩ cha đẻ của Android vốn chỉ tập trung vào nền tảng phần mềm lại tỏ ra quan tâm tới việc sản xuất chip tới vậy là bởi Android ngày nay đã quá phân mảnh. Theo Google, việc tung ra nền tảng Android đồng nhất cần tới một dòng chip đồng nhất, nơi phần cứng và phần mềm của một chiếc điện thoại Android được tích hợp chặt chẽ.

    Đặc biệt, báo cáo còn nhấn mạnh vào 2 yếu tố "thực tế ảo và thực tại ảo tăng cường" - 2 công nghệ được xem là xu hướng hàng đầu ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo. Một minh chứng gần gũi nhất chính là dự án Tango, với công nghệ thực tế ảo trên các máy tính bảng giúp tái tạo hình ảnh 3D, thông qua 3 camera cùng hoạt động trên thiết bị.

    Khi công nghệ thực tế ảo lên ngôi

    Nếu như Microsoft và Facebook đã có trong tay những sản phẩm thực tế ảo và thực tại ảo đầu tiên như kính HoloLens hay Oculus Rift, Google lại chưa thực sự có được một sản phẩm hoàn thiện cho riêng mình. Những thiết bị như Google Cardboard trước đây thực chất chỉ được coi là môi trường để công nghệ thực tế ảo phát triển, tận dụng sức mạnh của các smartphone hiện nay.

    Sản phẩm thực tế ảo chuyên dụng duy nhất là Google sở hữu chính là những chiếc tablet trong dự án Tango. Thế nhưng, tablet Project Tango lại đang sử dụng vi xử lý Tegra K1 của công ty NVIDIA. Trên thực tế, Tegra K1 là một vi xử lý hết sức mạnh mẽ, kể cả về hiệu năng lẫn đồ họa. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ với một sản phẩm thực tế ảo chuyên dụng.

    Theo đó, một sản phẩm VR được coi là hoàn thiện chỉ khi hội tụ đầy đủ các yếu tố: nền tảng, CPU, GPU đồ họa, cảm biến ảnh và cảm biến gia tốc... Về phần cảm biến ảnh, công ty này đã có công nghệ Google Goggles. Trong khi đó, các bộ phận như CPU, GPU, cảm biến gia hay một nền tảng chuyên biệt vẫn là các yếu tố còn thiếu với công ty công nghệ của Mỹ.

    Bản thân Google đã ý thức được rằng, vi xử lý chỉ là một phần của câu chuyện thực tế ảo, quan trọng hơn, họ cần tới một nền tảng thực tế ảo riêng biệt. Đặc biệt, trong bối cảnh cả Microsoft và Facebook đều chưa có những hệ điều hành thực sự cho công nghệ VR, đây sẽ là cơ hội để Google đi đầu trong lĩnh vực này. Do đó, chuẩn bị một vi xử lý chính chủ sẽ là bước đệm cho Google VR OS trong tương lai.

    Hướng tới một Android không còn phân mảnh

    Sự phát triển vượt trội của nền tảng Android đã kéo theo một hệ lụy: Android quá phân mảnh. Với sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất, Android với tính chất "mở" đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Thế nhưng, do sự cạnh tranh về công nghệ, giá thành, hoặc thương hiệu, Android đã liên tục bị mổ xẻ, thêm thắt và thậm chí là bị các nhà sản xuất biến thành của riêng.

    Trong khi đó, nhìn sang đối thủ lớn nhất của Google trên thị trường di động là Apple. Công ty này đã rất thành công trong việc áp dụng riêng một dòng chip Apple A series chính chủ. Việc kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm đã cho phép Apple tạo ra những chiếc iPhone có hiệu năng hoạt động, cũng như hiệu suất đồ họa vượt trội.

    Hiện tại, Qualcomm đang là đối tác lớn nhất với các nhà sản xuất di động. Tuy nhiên, những con chip của Qualcomm được đánh giá là ngày càng chạy theo tính thương mại, dùng doanh số để khẳng định vị thế, thay vì hướng tới chất lượng thực sự. Một minh chứng nhãn tiền cho sự yếu kém của Qualcomm chính là vi xử lý Snapdragon 810 vốn được kì vọng rất nhiều, nhưng đã nhận về thất bại cay đắng trong năm nay.

    Hoặc nếu nhìn sang một bạn hàng lâu năm của Google: Samsung. Nhà sản xuất Hàn Quốc cũng từ bỏ cuộc chơi cùng Qualcomm, thay vào đó là đầu tư cho dòng chipset Exynos cây nhà là vườn. Ít nhất, Samsung đã chứng tỏ được một điều, những chiếc Galaxy S6 hay Galaxy Note 5 có sự kết hợp chặt chẽ giữa vi xử lý và nền tảng là một hướng đi đúng đắn.

    Một cuộc chiến thực sự trong làng di động Android

    Sẽ không lấy làm lạ khi cả Samsung và Google, một bên là nhà sản xuất Android lớn nhất hiện nay, một bên là cha đẻ của Android đều tỏ ra hứng thú trong việc sản xuất những con chip di động riêng. Tuy nhiên, hệ quả của những động thái này là sẽ gây ra một cuộc chiến tranh lạnh trong làng di động Android hiện nay. Nhất là khi Google đã tuyên bố sẽ hợp nhất Chrome OS và Android trước đó.

    Chúng ta đều biết rằng, để có một mức giá cạnh tranh cho một smartphone, các nhà sản xuất sẽ phải chọn ra các linh kiện phù hợp và giá thành hợp lý nhất. Thế nhưng, việc Google áp đặt một vi xử lý riêng dành cho nền tảng Android, sẽ làm khó các bạn hàng lâu năm của mình, bao gồm các nhà sản xuất smartphone như Samsung, HTC, LG hay thậm chí là các nhà sản xuất chip bán dẫn như Qualcomm, MediaTek...

    Do đó, cách mạng, hay đi ngược dòng nước, đây vẫn là một dấu hỏi lớn cho hướng đi mới của Google. Nhưng chắc chắn một điều rằng, thời điểm từ nay cho tới khi hệ sinh thái Android đồng nhất được ra mắt, sẽ có một cuộc chiến thực sự được nổ ra trong làng di động Android.

    Tham khảo: arstechnica

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ