Màn hình 3D Touch, Force Touch và Multi-Touch: đâu là cách phân biệt?

    Yến Thanh,  

    Trên thực tế, nhiều người dùng thậm chí còn chưa phân biệt nổi khái niệm về 3 loại công nghệ màn hình này.

    Như chúng ta đã biết, trong năm 2015 vừa qua, Apple đã trình diễn thành công tính năng 3D Touch trên bộ đôi iPhone 6s, iPhone 6s Plus hiện hành. Thậm chí, những tin đồn gần đây còn cho rằng, 3D Touch sẽ tiếp tục thống trị những chiếc iPhone thế hệ mới nhất trong năm nay, có thể là iPhone 7.

    Về cơ bản, 3D Touch vẫn dựa trên công nghệ cảm ứng đa điểm, nhưng được tích hợp thêm các module Taptic Engine từng xuất hiện trên Apple Watch. Trong đó, điểm cộng lớn nhất của 3D Touch chính là khả năng cảm ứng lực, cho phép người dùng thao tác nhanh với nhiều lối tắt trên iPhone.

    Vậy nếu so sánh với công nghệ màn hình Force Touch trên Apple, cũng như công nghệ cảm ứng điện dung Multi-Touch truyền thống, công nghệ 3D Touch sẽ khác biệt ở điểm nào? Làm sao để phân biệt 3 loại công nghệ màn hình này? Hãy theo dõi bài viết sau đây.

    Công nghệ màn hình Multi-Touch (cảm ứng đa điểm)​

    ​Hãy bắt đầu với công nghệ màn hình cảm ứng điện dung đa điểm. Trước năm 2007, thời điểm iPhone ra đời và thay đổi hoàn toàn làng smartphone thế giới, người dùng thường chỉ biết tới công nghệ cảm ứng điện trở.

    Đặc điểm nổi bật nhất của công nghệ này là dễ chế tạo, dễ lắp đặt, giá thành cực kì rẻ. Tuy nhiên, màn hình cảm ứng điện trở có một điểm yếu chết người, khiến nó càng ngày càng ít được sử dụng: màn hình dễ xước, và một khi xước, chúng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cảm ứng.

    Chính vì vậy, Apple đã khai sáng ra thuật ngữ Multi-Touch, được hình thành kể từ khi Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên của họ vào năm 2007. Đồng thời, đây cũng là một trong những chiếc smartphone đầu tiên sử dụng màn hình cảm ứng điện dung trên thế giới.

    Do đó, nếu đang sở hữu một màn hình cảm ứng đa điểm như của iPhone của Apple, hay Galaxy của Samsung... bạn đang được sử dụng công nghệ màn hình Multi-Touch. Apple và iPhone được coi là "công thần" khi giới thiệu công nghệ cảm ứng đa điểm với thế giới.

    Màn hình đa điểm ở đây có nghĩa, người dùng có thể dễ dàng tương tác với các nội dung hiển thị trên màn hình, với nhiều điểm tiếp xúc, chạm để phóng to, vuốt qua lại... Từ đó, Multi-Touch, cũng như công nghệ màn hình cảm ứng điện dung với cách thao tác trực tiếp trên màn hình trở thành tiêu chuẩn chung trên iPhone cũng như hầu hết những chiếc smartphone hay tablet được ra mắt từ sau thời điểm đó.

    Công nghệ màn hình Force Touch

    Force Touch là một công nghệ tân tiến dành cho màn hình cảm ứng. Những thiết bị được tích hợp công nghệ này sẽ có thể nhận diện lực tác động, hay thời gian nhấn, giữ trên màn hình cảm ứng của người dùng. Force Touch chính xác chỉ là được nâng cấp từ công nghệ cảm ứng đa điểm.

    Nói một cách đơn giản, Force Touch sẽ biết rằng bạn đang chạm mạnh hay nhẹ, nhanh hay lâu trên màn hình cảm ứng. Sau đó, nhà sản xuất hoặc các lập trình viên có thể gán các chức năng khác nhau khi người dùng bấm vào màn hình, như xem nhanh trang web, nội dung của 1 tập tin bất kỳ, lịch hay bản đồ...

    Hai thiết bị đầu tiên được trang bị công nghệ này là Apple Watch và chiếc MacBook 12 inch. Với cả 2 thiết bị này, người dùng có thêm một cách khác để tương tác ngoài màn hình, đó là chạm nhẹ hoặc ấn mạnh vào để thực hiện nhiều tính năng khác nhau, mà không phải tốn nhiều bước thao tác như trước nữa.

    3D Touch

    Tính năng 3D Touch trên iPhone 6s Plus

    Sau Force Touch, Apple tiếp tục trình diễn một công nghệ khác của hãng trên iPhone 6s và iPhone 6s Plus là 3D Touch. Theo đại diện của Táo Khuyết, 3D Touch là thế hệ tiếp theo của Multi-Touch, nhưng có điểm cải tiến là khả năng nhận diện lực nhạy hơn, cảm nhận được nhiều cấp độ lực hơn.

    Thay vì phải chạm vào màn hình và thao tác theo từng bước như hiện tại, 3D Touch mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới, dựa trên những cử chỉ và phương thức thao tác đã quen thuộc trên màn hình của smartphone, hoặc smartwatch như Multi-Touch và Force Touch.

    Peek và Pop là hai cách để người dùng có thể tương tác được với màn hình, qua đó cho phép xem trước nội dung của một ứng dụng và trải nghiệm nội dung đó theo một cách hoàn toàn mới lạ. Để làm được điều này, Apple đã phải cải tiến màn hình và hệ điều hành theo một phương hướng mới.

    Cụ thể, 3D Touch gây ấn tượng nhờ khả năng phận biệt được những áp lực khác nhau khi người dùng chạm vào màn hình. Ví dụ, chúng ta có thể nhấn nhẹ vào một ứng dụng bất kỳ để mở một trình đơn lẻ để xem nhanh thông tin về ứng dụng, mà không cần phải khởi động, gọi là cơ chế Peek.​

    Peek mở ra một cửa sổ dạng xem trước cho bất cứ gì bạn đang chạm vào, chẳng hạn như một đường link đến website hoặc một bản đồ. Pop để bạn thực sự đi vào nội dung đó. Kết hợp với nhau, chúng giúp bạn tương tác với điện thoại nhanh hơn và đơn giản hơn nhiều, bỏ qua nhiều lần chạm như trước.

    So với công nghệ màn hình Force Touch, màn hình của iPhone 6s mới với 3D Touch có thể phân biệt được 3 lực bấm khác nhau, bao gồm thao tác chạm thông thường, Peek và Pop. Cả Force Touch và 3D Touch đều hoạt động dựa trên công nghệ độc quyền do Apple phát triển gọi là "TapTic Engine".

    Sẽ rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa hai màn hình này. Hiểu một cách đơn giản, 3D Touch như là một bản nâng cấp nhẹ của màn hình Force Touch dùng trên Apple Watch.

    Với Multi-Touch, bạn có thể chạm, lướt và nhấn. Force Touch vẫn có các khả năng trên nhưng được tinh chỉnh để nhận biết lực bấm mạnh, nhẹ của người dùng. Trong khi 3D Touch sẽ có tất cả tính năng trên, nhưng có thể phân biệt được đến 3 áp lực khác nhau khi bạn tương tác lên màn hình.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày