Một công ty với ý tưởng chẳng ai nghĩ tới: tạo ra smartphone "có đạo đức" nhất thế giới
Với mục tiêu của mình, Fairphone giống như một nhóm vận động vì đạo đức hơn là một công ty công nghệ.
Sẽ không nhiều người phủ nhận những tiện lợi của smartphone, vậy còn những mảng tối đằng sau mỗi chiếc điện thoại thông mình đó? Câu hỏi này chắc hẳn sẽ làm một số người phải lúng túng. Nhiều người trong số chúng ta hiểu rằng, các đồ điện tử, như smartphone, đều ít nhiều có liên quan đến các hoạt động kinh doanh mờ ám, vô đạo đức.
Từ việc sử dụng trẻ em ở các khu vực chiến sự để khai thác các khoáng chất hiếm, độc hại trong hầm mỏ, cho đến các nhà máy tồi tàn, nơi những người lao động trẻ phải làm việc trong các điều kiện vô nhân đạo, những câu chuyện kinh khủng đó đều đã được tiết lộ trong vài năm qua. Một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple thậm chí còn phải lắp đặt các tấm lưới chống tự sát, để ngăn chặn công nhân gieo mình ra khỏi các tòa nhà trong tuyệt vọng.
Tấm lưới chống công nhân tự sát của Foxconn.
Nhưng smartphone đã trở thành một nhu cầu cơ bản, và Apple không phải là người khổng lồ công nghệ duy nhất sử dụng chuỗi cung ứng bẩn thỉu và vô nhân đạo này. Vậy có cách nào để tạo ra một chiếc smartphone thực sự có đạo đức không? Từ năm 2013, một startup có tên gọi Fairphone đã cố gắng trả lời câu hỏi này.
Fairphone ban đầu là một chiến dịch nhằm cho các công ty công nghệ khổng lồ thấy rằng, việc có một quy trình sản xuất minh bạch hơn, công bằng hơn và có đạo đức hơn là hoàn toàn có thể. Nhưng sau khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhóm quyết định thực sự hành động và tự làm những chiếc điện thoại như vậy.
Năm ngoái, phiên bản hai của Fairphone đã được đưa tới châu Âu. Theo Fabian Hühne, nhân viên báo chí tại Fairphone cho biết, nhóm này đã bán được 130.000 chiếc điện thoại, 70.000 trong số đó là từ phiên bản mới nhất.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn tập trung vào thị trường châu Âu.” Hühne cho biết. “Mỹ và Bắc Mỹ là những thị trường thú vị cho chúng tôi, nhưng vẫn còn quá sớm để nói xem khi nào chúng tôi sẽ ra mắt ở đây. Chúng tôi sẽ phải thực hiện một số chỉnh sửa cho sản phẩm của mình để bán được ở một thị trường khác biệt.”
Fairphone đang tập trung vào nhiều yếu tố để làm nên những gì mà họ xem là một chiếc điện thoại đạo đức hơn. Một chiếc smartphone sử dụng khoảng 40 khoáng vật khác nhau để sản xuất ra nó, và để đáp ứng tiêu chuẩn cao của công ty, mỗi yếu tố đều phải truy xuất nguồn gốc được để đảm bảo nó đến từ nơi không có xung đột và người lao động được đối xử công bằng.
Họ bắt đầu bằng cách tìm kiếm các mỏ được chứng nhận không có xung đột (nhưng không loại bỏ các vùng có xung đột, nơi người dân địa phương thường phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai mỏ này), để có được thiếc, Tantalum, tungsten, và vàng – một số khoáng chất này cung cấp những lượng tiền khổng lồ cho cuộc xung đột ở Congo.
Nhưng Hühne cho biết, nó vẫn chưa hoàn toàn là một chiếc điện thoại “fair”. Fairphone có một danh sách 10 loại khoáng chất sử dụng trong điện thoại của họ mà nguồn cung cho họ vẫn chưa được chứng nhận.
Một phần của giấc mơ đạo đức của Fairphone là làm ra những chiếc điện thoại module, nghĩa là người dùng có thể thay thế các bộ phận của điện thoại để nâng cấp hoặc sửa chữa chúng, một điều những chiếc smartphone hiện đại nhất hiện nay không muốn làm. Hühne cho biết, công ty tin rằng điều này là đạo đức với người tiêu dùng bởi vì nó giúp giảm lượng rác thải điện tử và khuyến khích mọi người sử dụng thiết bị của họ lâu hơn, thay vì nâng cấp liên tục và vứt nó vào đống rác.
Đó là một điều nghe rất lý tưởng, nhưng với một công ty nhỏ và tăng trưởng chậm như vậy, chúng ta sẽ khó có thể biết được chính xác khi nào có thể trên tay một chiếc điện thoại đạo đức này. Vậy tại sao các công ty công nghệ lớn không tận dụng cơ hội này, đặc biệt là khi có ngày càng nhiều các báo cáo cho thấy chuỗi cung cấp của họ kinh khủng như thế nào đối với con người, hành tinh và tương lai?
“Các thương hiệu sẽ không đáp lại hay cố gắng cải thiện bất kỳ điều gì trừ khi họ chịu sức ép từ các chủ nợ, khách hàng và cổ đông.” Heather White, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Edmond Safra về Đạo đức của Đại học Harvard và là đạo diễn một bộ phim tài liệu về lao động trong ngành công nghiệp điện tử, cho biết. “Nó (chiếc điện thoại đạo đức) tiêu tốn tiền bạc, nó cần có nguồn lực để giám sát nguồn cung, và không đóng góp gì cho lợi nhuận. Các thương hiệu sẽ không muốn phí tiền cho việc đó.”
Nhưng Hühne cho biết, mục tiêu của công ty là tiếp tục tăng trưởng và phục vụ. Điều lý tưởng nhất với Fairphone là ai đó trong số những người khổng lồ về công nghệ “ăn trộm” ý tưởng của họ và cũng làm một chiếc điện thoại đạo đức hơn.
“Tôi không nghĩ chúng tôi đang cạnh tranh với nhau.” Hühne cho biết. “Ý tưởng cốt lõi ở đây không phải là thống trị thị trường. Ý tưởng thực sự là tạo cảm hứng cho sự thay đổi. Đó mới là mục tiêu chính.”
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI